Đánh giá, phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Sáng 18/11, UBND tỉnh đã tổ chức họp Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng) năm 2024. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.

Năm 2024 là năm thứ 6 tỉnh triển khai Chương trình OCOP và là năm thứ 2 tỉnh thực hiện đánh giá sản phẩm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Theo đó, cấp huyện công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, cấp tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Kết quả, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 98 sản phẩm OCOP được công nhận tại cấp huyện và có 24 sản phẩm trình Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận lại. Trên cơ sở quy định các tiêu chí đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP, trong lần đánh giá, phân hạng, xếp loại và công nhận lại này có 7 sản phẩm công nhận lần đầu, 8 sản phẩm công nhận lại và 9 sản phẩm nâng hạng sao của 10 chủ thể.

Hội đồng đã tập trung phân tích, chấm điểm, xếp loại và công nhận lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với 24 sản phẩm. Trong đó, huyện Ý Yên có 3 sản phẩm; huyện Nam Trực 4 sản phẩm; huyện Giao Thủy có 3 sản phẩm; huyện Hải Hậu có 7 sản phẩm; huyện Nghĩa Hưng 3 sản phẩm và thành phố Nam Định có 4 sản phẩm. Trong số 24 sản phẩm có duy nhất sản phẩm OCOP “Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999” của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) được xem xét, đánh giá nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.

Tại hội nghị, đại diện các chủ thể sản phẩm OCOP đã báo cáo, trình bày, phân tích cụ thể các chỉ tiêu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng lần đầu và đánh giá công nhận lại, nâng hạng cũng như quy trình thực hiện theo yêu cầu Hội đồng. Sau khi nghe các chủ thể báo cáo, diễn giải, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể của sản phẩm như: Chất lượng, mẫu mã bao bì, nhãn hiệu, quy trình chế biến, thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm và các vấn đề liên quan, đồng thời tiến hành chấm điểm, xếp hạng sản phẩm OCOP lần đầu; đánh giá, công nhận lại và nâng hạng sản phẩm OCOP.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự tích cực, chủ động hướng dẫn hỗ trợ của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị tư vấn của Chương trình, đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng hoàn thiện sản phẩm của các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình. Đồng chí yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ, tham mưu cho Hội đồng công nhận các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2024. Tích cực hỗ trợ Công ty TNHH Toản Xuân hoàn thiện sản phẩm "Gạo sạch chất lượng cao Toản Xuân 999" trình Hội đồng Trung ương xem xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao; đồng thời lựa chọn, xây dựng vùng gieo cấy cụ thể để bảo đảm chất lượng, sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao giá trị gạo Nam Định và thu nhập cho nông dân các địa phương. UBND các huyện có sản phẩm OCOP đạt 4 sao tập trung chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP phù hợp; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, giúp đỡ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP. Các chủ thể sản phẩm OCOP tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng để tiếp tục khắc phục hạn chế, hoàn thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và khẳng định sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo nguồn lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tin, ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202411/danh-gia-phan-hang-va-cong-nhan-lai-24-san-pham-ocop-cap-tinh-e7177c8/