Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai: 75 năm vang mãi bản hùng ca

Ra đời trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 75 năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Gia Lai đã không ngừng trưởng thành và lập nên những chiến công vang dội. Phát huy truyền thống 16 chữ vàng 'Đoàn kết chiến đấu, kiên cường bám trụ, trưởng thành nhanh chóng, chiến thắng vẻ vang', LLVT tỉnh tiếp tục viết nên những bản hùng ca.

Đại đội dự bị động viên pháo phòng không 37 mm-1 của tỉnh huấn luyện ngoài thao trường. Ảnh: Phương Dung

Đại đội dự bị động viên pháo phòng không 37 mm-1 của tỉnh huấn luyện ngoài thao trường. Ảnh: Phương Dung

Những chiến công vang dội

Đáp ứng yêu cầu của cách mạng trên địa bàn Tây Nguyên, đồng thời thực hiện chủ trương “vũ trang toàn dân” của Đảng và chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-11-1945, tại Pleiku, LLVT tập trung được thành lập lấy tên là Chi đội Tây Sơn. Chi đội gồm các đơn vị vũ trang tập trung được xây dựng sau ngày khởi nghĩa ở An Khê, Pleiku, Kon Tum mà nòng cốt là các đội viên du kích Ba Tơ, một bộ phận của Chi đội Phan Đình Phùng (tỉnh Bình Định) và các trung đội Nam tiến của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình tăng cường cho Gia Lai.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho quân và dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum Huân chương Sao vàng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 6-11-1978, LLVT tỉnh được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 55 tập thể và 20 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT. Từ năm 1965 đến năm 1973, LLVT tỉnh được trao tặng 10 Huân chương Thành đồng hạng nhất, nhì, ba và 30 Huân chương Quân công qua các thời kỳ kháng chiến. Từ năm 2005 đến nay, LLVT tỉnh được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba, hạng nhì và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Những ngày đầu mới thành lập, vũ trang còn thô sơ, song với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp với quần chúng nhân dân xây dựng 214 cơ sở ở 400 làng trong toàn tỉnh, tạo thế trận rộng khắp với những vùng căn cứ được xây dựng như: chiến khu Đe HBình, chiến khu Xóm Ké, xã chiến đấu Ya Hội, làng chiến đấu Stơr. Trong chiến đấu gian khổ đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng hy sinh như: 64 cảm tử quân đánh đồn Tú Thủy ngày 14-3-1947, tiêu biểu nhất là tiếng bom của quyết tử quân Ngô Mây ở Rộc Dứa-Suối Vối ngày 24-10-1947 và những cái tên như: Đinh Núp, Đỗ Trạc, Vi Dân, bok Wừu... mãi là tấm gương trung dũng, kiên cường đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của LLVT tỉnh.

Trong 9 năm trường kỳ chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Gia Lai đã lập nên những chiến công vang dội. Trong Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954, LLVT địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực, đồng bào An Khê đóng góp lương thực, dân công tải thương, tải đạn tiến hành các hoạt động tiêu diệt địch trên địa bàn. Sau 12 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt 245 tên, bắt 326 tên, thu 900 khẩu súng các loại, giải phóng địa bàn rộng lớn trên 100 km2 với hơn 20.000 dân.

Đặc biệt, ngày 26-4-1954, LLVT tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực Liên khu 5 tiến công tiêu diệt Binh đoàn cơ động 100 của thực dân Pháp trên đường 19 làm nên chiến thắng Đak Pơ lịch sử. Chiến thắng này được mệnh danh là “Điện Biên Phủ ở Khu V” góp phần cùng với cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để thống nhất tổ chức và lãnh đạo trực tiếp LLVT, tháng 11-1959, tỉnh thành lập Ban Quân sự tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Võ Trung Thành (tức Năm Vinh) làm Trưởng ban, đồng chí Kpă Thìn làm Phó ban phụ trách quân sự. Ngày 10-3-1960, tại khu căn cứ của tỉnh thuộc Khu 2, Kbang, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh được thành lập do đồng chí Kpă Thìn làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Lê Hoàn-Thường vụ Tỉnh ủy làm Chính trị viên. Ban Chỉ huy được biên chế các bộ phận, gồm: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và các đơn vị bảo đảm trực thuộc. Đây là giai đoạn đánh dấu bước trưởng thành về lực lượng cũng như tổ chức của LLVT tỉnh.

Nhờ đó, LLVT tỉnh không ngừng trưởng thành, lập nên nhiều chiến công xuất sắc như: Ka Nak, Thành An, Lệ Thanh, Phú Nhơn, B4, B5, B6 vào năm 1960, nhất là Chiến dịch Plei Me. Lực lượng vũ trang tỉnh đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, đưa chiến tranh nhân dân sang giai đoạn mới-giai đoạn tiến công tiêu hao, tiêu diệt địch, đẩy địch vào thế phòng ngự, bị động. Từ năm 1969 đến năm 1974, LLVT tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tây Nguyên mở các đợt tiến công trên diện rộng loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.900 tên địch; giải phóng 10 khu dồn dân và 21 ấp chiến lược.

Lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên diễn tập để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên diễn tập để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 17-3-1975, mũi nhọn tiến công của Đại đội 70 (Tiểu đoàn Đặc công 408) cùng một số bộ phận dân chính của thị xã Pleiku đã tiến công tiêu diệt địch và giải phóng tỉnh Gia Lai. Khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, nhiều đơn vị thuộc LLVT tỉnh nằm trong đội hình Quân khu 5 bước vào cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và tiếp tục lập nên những chiến công mới.
Đặc biệt, với đạo lý “Uống nươc nhớ nguồn”, gần 20 năm qua, Đội K52 của LLVT tỉnh đã vượt qua khó khăn, gian khổ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ ở Campuchia và trong nước. Trong hành trình gần 20 năm trên đất bạn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã vượt hơn 1 triệu km đường để tìm kiếm tại 1.270 buôn làng, phum, sóc thuộc 139 xã của 23 huyện trên địa bàn 3 tỉnh Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear.

Đơn vị đã đào bới trên 95.000 m3 đất đá, hơn 160 km đường hào, trong đó có mộ phải đào gần 200 m3 đất đá ở địa hình đồi dốc với độ sâu hơn 2 m. Qua đó tiến hành quy tập 1.428 hài cốt liệt sĩ tại Campuchia và 154 hài cốt liệt sĩ ở trong nước. Trong quá trình làm nhiệm vụ có 1 đồng chí hy sinh và 7 người bị thương.

Xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện

Thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, chỉ đạo tổ chức phản động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tình hình đó đặt ra cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh nhiệm vụ rất nặng nề trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống 16 chữ vàng “Đoàn kết chiến đấu, kiên cường bám trụ, trưởng thành nhanh chóng, chiến thắng vẻ vang”, những năm qua, Gia Lai đã tập trung xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảng bộ Quân sự tỉnh đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”. Trong đó, tập trung xây dựng LLVT tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Lực lượng vũ trang tỉnh huấn luyện ngoài thao trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Lực lượng vũ trang tỉnh huấn luyện ngoài thao trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Những năm qua, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh vận hành đồng bộ cơ chế lãnh đạo của Đảng trong khu vực phòng thủ, vai trò tham mưu của cơ quan quân sự đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương ngày càng được nâng lên. Vì vậy, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng lớn mạnh, tỷ lệ xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng-an ninh đạt 67%.

Với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, công tác huấn luyện lực lượng thường trực cũng đạt được những kết quả tích cực, quân số huấn luyện đạt 98%, kết quả kiểm tra có 100% đạt yêu cầu, trong đó tỷ lệ khá, giỏi đạt trên 76%. Hàng năm, việc gọi công dân nhập ngũ đều đạt 100% chỉ tiêu. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ đảng viên trong thanh niên nhập ngũ hàng năm là 1,98%; trình độ đại học, cao đẳng đạt 2,3%; tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,53% so với dân số. Công tác bồi dưỡng, đào tạo quân nhân dự bị được chú trọng với hơn 81% chi bộ đại đội dự bị động viên có chi ủy.

Song song với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, LLVT tỉnh đã thực hiện tốt phong trào “Dân vận khéo”. Từ năm 2015 đến nay, LLVT tỉnh đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để giúp 98 hộ thoát nghèo. Cùng với đó, tổ chức hơn 10 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân, tự vệ làm công tác xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai. Huy động hơn 2,5 tỷ đồng tặng 6 ngàn suất quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 12 ngàn lượt người.

Phát huy truyền thống 75 năm, thời gian tới, LLVT tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xây dựng tỉnh nhà mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, vững về quốc phòng-an ninh.

Đại tá LÊ KIM GIÀU

Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/9702/202011/luc-luong-vu-trang-tinh-gia-lai-75-nam-vang-mai-ban-hung-ca-5708239/