Lục Ngạn cần tập trung chăm sóc vải thiều, thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch
Chiều 4/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn kiểm tra tình hình sản xuất và công tác chuẩn bị tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Cùng đi có đại diện các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ.
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, năm 2021, huyện có 15,45 nghìn ha vải thiều, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt hơn 120 nghìn tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn). Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải chính vụ từ ngày 10/6 đến 20/7.
Năm nay huyện vẫn tập trung cho các thị trường xuất khẩu chính, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Duy trì 1 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.
Do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, UBND huyện xây dựng 2 phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, gồm phương án có dịch và không có dịch, bảo đảm thuận lợi nhất cho nông dân, các HTX, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và các hệ thống siêu thị tiêu thụ vải.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm vải thiều an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng cam kết với các đối tác nước bạn; xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với các DN xuất khẩu, siêu thị trong nước để quảng bá, tiêu thụ vải thuận lợi nhất. Đồng thời quản lý chặt thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, hạn chế tối đa hiện tượng ép cân, ép giá, tăng giá đột biến các mặt hàng phụ trợ; nắm bắt thông tin về diễn biến thị trường, giúp nhân dân chủ động tiêu thụ, chế biến...
Huyện Lục Ngạn đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ một số khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều, trong đó hỗ trợ nâng cấp dây chuyền xông hơi, khử trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản; UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để địa phương sớm đón thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Thế Tuấn đánh giá cao các bước sản xuất và chuẩn bị tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn. Đồng chí yêu cầu huyện cần bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh về sản xuất và tiêu thụ vải trong năm nay. Trước mắt, tập trung chăm sóc vải, hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, DN xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông thông suốt. Đặc biệt là bảo đảm tốt nhất an ninh cho các doanh nhân trong và ngoài nước đến thu mua, vận chuyển vải đi tiêu thụ.
Huyện quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa đón, nơi ăn nghỉ, cách ly tốt nhất cho thương nhân Trung Quốc. Trong đó việc cách ly phòng, chống dịch Covid-19 phải thực hiện nghiêm ngặt.
Đồng chí Phan Thế Tuấn cho rằng, Lục Ngạn cần triển khai song song 2 phương án tiêu thụ vải. Trong đó, tập trung cao cho phương án 2, quan tâm thị trường trong nước, sấy khô vải… bởi dịch bệnh diễn biến khó lường và yêu cầu Sở Công Thương tham mưu giúp Lục Ngạn triển khai thật tốt phương án này.
Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm trong mùa thu hoạch vải nhưng phải bảo đảm phòng dịch Covid-19. Tăng cường quảng bá, mở rộng dịch vụ bán hàng. Các ngành trong tỉnh quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải thuận lợi.
Về các đề xuất của huyện, như: Khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, đón thương nhân Trung Quốc về Lục Ngạn cách ly, quan tâm xuất khẩu vải thiều khô…, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, yêu cầu các Sở, ngành liên quan đồng hành tháo gỡ khó khăn, phấn đấu để huyện Lục Ngạn có thêm vụ vải được mùa, được giá.
Trước đó, đoàn công tác kiểm tra việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho tiêu thụ vải thiều tại Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất nhập khẩu Toàn Cầu; Công ty TNHH một thành viên Cương Hoàn, thôn Kim 1, xã Phượng Sơn và thăm khu sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản của hộ ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn.
Tin, ảnh: Thế Đại