Lục Ngạn: Khi đất không phụ công người…

Trước là vải thiều, nay có thêm cam, bưởi, nhãn, ổi, táo... đất Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thực sự trở thành trung tâm cây ăn quả chất lượng cao lớn nhất miền Bắc. Tìm nông dân có thu nhập tiền tỉ mỗi năm ở Lục Ngạn - giờ không còn là chuyện khó!

Thu tiền tỉ từ sản xuất nông nghiệp

Lên với Lục Ngạn những ngày cuối tháng 11 - đúng vào dịp Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn diễn ra tưng bừng tại khu vực Quảng trường trung tâm huyện. Bất ngờ bởi hội chợ khá quy mô, đông vui và đậm đà bản sắc địa phương.

Gian hàng được trang trí bằng trái cây tại Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn

Gian hàng được trang trí bằng trái cây tại Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn

80 gian hàng của 30 xã, thị trấn, kết hợp với các nhà vườn ở Lục Ngạn được bài trí chủ yếu bằng hoa tươi và các loại quả hái từ các nhà vườn như: cam, bưởi, ổi, táo, chuối… cùng với đó là các sản phẩm: mỳ gạo, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa. Mỗi gian một vẻ - vừa phô diễn được vẻ đẹp của trái chín, sự màu mỡ của đất đai, vừa cho thấy sự tần tảo, năng động của người nông dân Lục Ngạn. Suốt ba ngày diễn ra hội chợ, bà con các xã của Lục Ngạn đổ về quảng trường đông như trẩy hội, màu áo của đồng bào Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan xen lẫn cờ hoa, rực rỡ trong nắng. Trong không khí rộn ràng bán mua, trao đổi, thi thoảng lại văng vẳng tiếng hát Song Hao da diết, dập dìu.

Trao đổi về vấn đề phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa, kết nối du lịch ở Lục Ngạn, nhắc đến câu chuyện cây trái với lãnh đạo huyện, từ Chủ tịch huyện Nguyễn Thanh Bình, đến Phó Chủ tịch Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Lê Bá Thành… ai cũng say sưa, tâm huyết. Vốn đều là cán bộ ngành nông nghiệp đi lên, nên những vị lãnh đạo này quá hiểu những giá trị lớn lao mà đất nông nghiệp mang lại – nếu có được một hướng đi đúng.

“Năm 2019, diện tích trồng cây ăn quả của Lục Ngạn là hơn 27.000ha với tổng sản lượng quả tươi đạt trên 165.000 tấn. Tổng thu nhập từ cây ăn quả năm 2019 đạt trên 4.300 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt bình quân 136 triệu đồng/ha, cá biệt có những ha vải thiều, táo cho thu nhập cả tỉ đồng/năm” – Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình phấn khởi chia sẻ một vài con số về kết quả sản xuất năm 2019 của Lục Ngạn.

Không vui sao được, khi mà Lục Ngạn vừa trải qua vụ vải thiều thành công ngoài mong đợi với sản lượng quả tươi đạt 98.000 tấn, mang về giá trị kinh tế trên 3.500 tỷ đồng cho nhân dân (tăng gần 1.300 tỷ đồng so với năm trước). Hơn 50 năm cây vải có mặt ở đất Lục Ngạn, lần đầu tiên, có những hộ trồng vải ở Lục Ngạn đã bán được vải tươi với giá lên tới 70.000 – 80.000 đồng/kg.

Khi đường lớn được mở

Sau vải thiều, Lục Ngạn đã có thêm nhiều loại trái cây chất lượng thơm ngon

Sau vải thiều, Lục Ngạn đã có thêm nhiều loại trái cây chất lượng thơm ngon

Quá trình thăm thú Lục Ngạn, thấy tôi đặc biệt ấn tượng với những con đường nông thôn mới chạy dài vào các thôn xóm, ra tận nội đồng – Phó Chủ tịch Lê Bá Thành nhắc lại câu chuyện “Chọn nút thắt nào để gỡ” trong xây dựng nông thôn mới ở Lục Ngạn: Từ thực tế địa phương, chúng tôi xác định, với Lục Ngạn, chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu cây trồng phải đi trước một bước; sau đó sẽ tính đến cơ sở hạ tầng. Bởi khi điều kiện kinh tế của người dân ổn rồi, muốn làm gì cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều… Với cách làm này, đến nay giao thông ở vùng đất miền núi Lục Ngạn rộng cả 1.000km2 đã được cứng hóa cơ bản (riêng năm 2019 Lục Ngạn đã cứng hóa được 750km đường giao thông nông thôn) - đáng nói là ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, sức dân đóng góp là không nhỏ. Có đường lớn, phẳng đẹp, các sản phẩm của hàng hóa của Lục Ngạn đã rộng đường tỏa đi các địa phương, con số tỉ phú nông dân của Lục Ngạn theo đó ngày một nhiều hơn.

Đưa cho tôi xem bản danh sách các hộ có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả (số hộ đạt từ 500 triệu đồng đến vài tỉ đồng/năm lên đến con số hàng trăm), Phó Chủ tịch Cao Văn Hoàn nhẩm tính, ngoài các quỹ tín dụng, hiện đang có 6 ngân hàng có chi nhánh, phòng giao dịch tại Lục Ngạn. Tất cả đều có mức tăng trưởng tốt. Người nông dân Lục Ngạn đa phần đều có giao dịch thường xuyên, liên tục với ngân hàng. “Vay nhiều mà gửi vào còn nhiều hơn. Mùa thu hoạch vải, ngân hàng lo đếm tiền, chuyển tiền đi đã đủ mệt” – ông Cao Văn Hoàn nói thật mà ngỡ tưởng như đang nói cho vui.

Nhờ sản xuất nông nghiệp, Lục Ngạn ngày càng có thêm nhiều nông dân có thu nhập từ vài trăm triệu đồng/năm

Nhờ sản xuất nông nghiệp, Lục Ngạn ngày càng có thêm nhiều nông dân có thu nhập từ vài trăm triệu đồng/năm

Chính quyền “xuống chợ” cùng nông dân

Gặp gỡ các chủ nhà vườn ở Lục Ngạn mới hay, việc tiêu thụ trái cây ở Lục Ngạn mấy năm gần đây ít gặp khó khăn. Thậm chí, quả chưa chín đã có thương lái đến tận vườn đặt cọc để thu mua. Tuy nhiên, trong lúc nhiều địa phương cũng đang đua nhau trồng cây có múi, việc tổ chức sản xuất thế nào để nguồn cung không bị thừa, sản phẩm không bị rớt giá cũng là bài toán mà Lục Ngạn đã tính đến.

“Chúng tôi đã có chiến lược quy hoạch bài bản cho từng loại cây. Trước mắt, sẽ tập trung áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho diện tích hiện có, bao gồm 15.300ha vải thiều, gần 7.000ha cam, bưởi và trên 5.000 ha các loại cây ăn quả khác. Song song với đó, sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã xây dựng chỉ dẫn địa lý, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ cây có múi, từng bước đưa các sản phẩm tiêu thụ xa hơn, với số lượng và giá trị cao hơn” - Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Cam, bưởi Lục Ngạn giới thiệu tại hệ thống siêu thị Hà Nội được người tiêu dùng ưa chuộng

Cam, bưởi Lục Ngạn giới thiệu tại hệ thống siêu thị Hà Nội được người tiêu dùng ưa chuộng

Sau những tâm huyết, nỗ lực để trái vải thiều có chỗ đứng, có thương hiệu; để việc xuất khẩu vải thiều được qua cửa riêng, thông quan không kể giờ giấc; giờ đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn lại tiếp tục tìm cách tiêu thụ cho cam, bưởi, ổi táo. Với người nông dân ở Lục Ngạn, không chỉ lao động với tinh thần “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, đa phần các hộ sản xuất nay đã chủ động, tự tin hơn khi nắm vững kĩ thuật để quyết định cho cây ra trái thời điểm nào, điều chỉnh kích cỡ, độ đậm - nhạt ra sao... Tất cả đang tạo nên những chuyển biến tích cực từ tổ chức sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở Lục Ngạn; đi cùng với đó là thu nhập vượt trội của các nhà vườn. Làm được như nông dân, như nông nghiệp ở Lục Ngạn… theo đó trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người, nhiều địa phương.

Tháng 12 về, trong cái nắng đầu đông óng ả, đi giữa vườn cam, vườn bưởi lúc lỉu trái vàng ươm, căng mọng; ngắm nhìn những ngôi nhà tiền tỉ được xây dựng từ lao động nông nghiệp... thấy yêu hơn, trân trọng hơn huyện miền núi Lục Ngạn – nơi có những người nông dân đi lên, làm giàu từ chính đồng đất quê mình.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luc-ngan-khi-dat-khong-phu-cong-nguoi-129179.html