Lục Ngạn: Tập trung sản xuất vải thiều bảo đảm năng suất, chất lượng

Năm nay, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ được mùa quả. Để đưa sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng, thời điểm này người dân đang tập trung cao nhất cho khâu sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuân thủ quy trình sản xuất

Lục Ngạn có diện tích vải thiều hơn 10,3 nghìn ha. Trong đó, vải áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 6,9 nghìn ha (đạt 66,96%).

 Cán bộ xã Tân Mộc kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất vải thiều tại thôn Tân Thành.

Cán bộ xã Tân Mộc kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất vải thiều tại thôn Tân Thành.

Địa phương hiện có 60 mã vùng trồng vải xuất khẩu với diện tích hơn 6 nghìn ha (Trung Quốc 24 mã, Hoa Kỳ 9 mã, Úc 7 mã, Nhật Bản 17 mã, Thái Lan 3 mã). Với chất lượng vượt trội, nhiều năm qua thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã được khẳng định không chỉ ở thị trường trong nước mà ở hầu khắp các thị trường lớn có tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới.

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, công tác chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất được ngành chức năng và địa phương triển khai đồng bộ, người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.

Năm nay, sản lượng vải thiều huyện Lục Ngạn dự kiến đạt khoảng 60,5 nghìn tấn. Trong đó, vải sớm diện tích hơn 2 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn 13,8 nghìn tấn, còn lại là vải chính vụ. Theo cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của thời tiết, thời gian thu hoạch vải thiều tại Lục Ngạn dự kiến muộn hơn so với các năm trước (vải chín sớm bắt đầu cho thu hoạch từ đầu tháng 6, vải chính vụ từ 15/6).

Xã Tân Mộc có khoảng 500 ha vải thiều (diện tích sản xuất áp dụng quy trình Viet GAP khoảng 300 ha). Đây là vùng trồng vải chín sớm (U hồng) lớn nhất huyện với khoảng 250 ha. Thời điểm này, các vườn vải chín sớm trên địa bàn xã đang bắt đầu kéo cùi, một số diện tích chớm đỏ vai, dự kiến khoảng 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch.

 Bà Vũ Thị Huế làm sạch cỏ xung quanh gốc vải thiều bằng phương pháp thủ công.

Bà Vũ Thị Huế làm sạch cỏ xung quanh gốc vải thiều bằng phương pháp thủ công.

Gia đình bà Vũ Thị Huế ở thôn Tân Thành (xã Tân Mộc) có 0,5 ha vải chín sớm chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và nằm trong vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vườn vải sai trĩu quả của gia đình bà đang vào giai đoạn chớm chín nên bà dùng kéo cắt bỏ phần cành hoa không ra quả, loại những quả vẹo vọ, sâu bệnh, mã kém, chỉ để lại những quả to, đẹp. Xác định chất lượng phải đặt lên hàng đầu, nhiều năm nay, thay vì phun thuốc trừ cỏ, công đoạn làm cỏ được thực hiện thủ công và bằng máy.

“Được các cơ quan chức năng trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh và làm cỏ. Theo đó, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học có thời gian cách ly ngắn và những sản phẩm này đều trong danh mục được phép sử dụng, nước tưới vải lấy từ các giếng khoan trong vườn”, bà Huế cho biết.

Tương tự, gia đình anh Diệp Văn Hai, thôn Tân Giáo, xã Tân Mộc trồng 0,4 ha vải thiều chín sớm theo hướng VietGAP, sản lượng ước đạt 6 tấn. Anh Hai chia sẻ, thời gian qua, người trồng vải trên địa bàn nói chung, gia đình anh nói riêng đã nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác để tạo ra sản phẩm thực sự bảo đảm chất lượng và an toàn. Gia đình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các biện pháp đồng bộ như canh tác, bón phân, tưới nước, chế phẩm sinh học để phòng trừ có hiệu quả bệnh sâu bệnh.

Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Úc, Trung Quốc, Thái Lan... Đặc biệt, năm 2021, vải Lục Ngạn trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Việc được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý này không chỉ giúp vải thiều của địa phương được mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn nâng cao giá trị thương hiệu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống, thu nhập của người trồng vải.

Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường

Để bảo đảm năng suất, chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năm nay huyện Lục Ngạn đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, trong đó tập trung hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc vải phù hợp với từng giai đoạn, thời vụ.

 Vải thiều chín sớm đang trong giai đoạn tròn quả, tích lũy dinh dưỡng.

Vải thiều chín sớm đang trong giai đoạn tròn quả, tích lũy dinh dưỡng.

Mọi quy trình như: Cắt tỉa cành, khoanh gốc, tưới nước, bón phân và xử lý bằng chế phẩm sinh học đều được giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn, thân thiện với môi trường. Địa phương cũng chú trọng lựa chọn xây dựng, mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ.

Hiện nay, vải sớm đang trong giai đoạn phát triển dày cùi, tròn quả, tích lũy dinh dưỡng và chuyển hóa đường; vải chính vụ đang trong giai đoạn phát triển cùi. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo Nhân dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của quả cũng như sâu bệnh hại và thực hiện một số biện pháp như: Tưới đủ ẩm, tưới nhẹ khi thời tiết nắng hạn kéo dài, tưới đều xung quanh gốc, khơi thông rãnh thoát nước không để vườn ngập úng khi trời mưa.

Ngoài ra, tiến hành làm sạch cỏ trong và ngoài tán cây, không trừ cỏ bằng các loại hóa chất, đối với những vườn không chủ động nước có thể bổ hốc xung quanh tán cây sau đó bón phân, lấp đất...

Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lục Ngạn, thời gian qua, người trồng vải trên địa bàn huyện đã nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác để tạo ra sản phẩm thực sự bảo đảm chất lượng và an toàn. Đặc biệt là công tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh nên chất lượng, mã quả vải được nâng cao.

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cần đặt lên hàng đầu.

Do đó cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát mọi khâu trong quá trình sản xuất. Đồng thời tích cực kiểm tra, theo dõi, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Địa phương cũng khảo sát, khoanh vùng, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để tham gia duy trì và mở rộng vùng vải xuất khẩu; quan tâm phổ biến đến người dân thực hiện quy định đối với mã vùng trồng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, hữu cơ.

Song hành với đó, cơ quan chức năng đã phối hợp quản lý chặt chẽ thị trường kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn người trồng vải không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly theo quy định. “Chúng tôi khẳng định sản phẩm vải thiều Lục Ngạn luôn có chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc“, ông Lưu Anh Đức nói.

Cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu và hỗ trợ phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu.

Với sự chỉ đạo, hỗ trợ, giám sát quy trình sản xuất chặt chẽ, cộng thêm kinh nghiệm của người dân và những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, vải thiều Lục Ngạn hứa hẹn sẽ tiếp tục chinh phục được nhiều thị trường khó tính trong và ngoài nước, xứng đáng với sự tin tưởng của khách hàng bốn phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luc-ngan-tap-trung-san-xuat-vai-thieu-bao-dam-nang-suat-chat-luong-postid418430.bbg