'Lực sĩ bầu trời' C-130 lâm nạn khi tham gia chữa cháy tại Australia
Ngày 23-1-2020, chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules của hãng hàng không Canada gặp nạn trong khi đang trên đường tới dập đám cháy rừng ở Australia làm toàn bộ 3 người trên máy bay thiệt mạng.
Nhà chức trách Australia cho biết, các nạn nhân là công dân Mỹ. Họ cũng không biết tại sao máy bay gặp nạn trong khi chở các chất chữa cháy.
Ông Shane Fitzsimmons, trưởng cơ quan chữa cháy của New South Wales nói: “Thật bi kịch, không ai sống sót khi nó bị rơi ở khu vực Snowy Monaro”.
Theo báo cáo ban đầu, một quả cầu lửa lớn có liên quan tới chiếc máy bay khi nó rơi xuống đất. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguyên nhân vụ tai nạn.
Người phát ngôn của Cơ quan an toàn hàng không dân dụng của Australia cho biết, chiếc máy bay này đã bay vào một thung lũng để thả các chất chữa cháy và biến mất. Ông Fitzsimmons cho biết, chiếc máy bay này đã được công ty hàng không Coulson thuê lại và đây là chiếc C-130 Hercules thứ 2 đang làm việc trong dự án chữa cháy của Australia.
Coulson là công ty có đội ngũ máy bay cứu hỏa lớn. Hiện nay đội ngũ máy bay này đã được tạm dừng hoạt động để xem xét các vấn đề hệ thống, chẳng hạn như các vấn đề về nhiên liệu.
Hiện Australia đã cử đội ngũ các nhà điều tra tới hiện trường để thu thập chứng cứ và phân tích các dữ liệu trên máy bay, thông tin thời tiết và các nhân chứng.
Nhà chức trách Australia cho biết, phải mất ít nhất 30 ngày để có thể ra báo cáo ban đầu. Tuy nhiên, nếu quá trình điều tra cho thấy có các vấn đề về an toàn, họ sẽ báo ngay lập tức cho các cơ quan liên quan.
Theo dữ liệu bay, chiếc máy bay này đã xuất phát tại cơ sở không quân Richmond ở miền Tây Sydney vào khoảng 12h15 và bị mất tín hiệu radar vào lúc 14h.
Nhận định ban đầu cho thấy có thể chiếc máy bay này đã chở quá tải. Nó có thể chuyển hướng hoặc thay đổi độ cao quá nhanh so với tải trọng của nó và làm cho nó bị mất độ cao đột ngột.
Mỗi chiếc máy bay cứu hỏa C-130 "Lực sĩ Hercules" như thế này có thể chở được 15.000 lít nước và chất làm chậm lại quá trình cháy. Nước và hóa chất sẽ được thả ra khi đi qua đám cháy lớn.
Biến thể đầu tiên C-130 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23-8-1954 và được đưa vào trang bị đại trà trong 2 năm sau đó. Tính đến năm 2019, đã có khoảng gần 2.700 chiếc C-130 với các biến thể xuất xưởng.
Mặc dù ra đời trên 50 năm, nhưng nhờ những đặc tính kỹ thuật ưu việt của mình như khả năng cất cánh dã chiến tốt từ các sân bay có đường băng ngắn, có thể chuyển đổi thành các biến thể khác nhau, bao gồm cả cường kích tấn công mặt đất, C-130 có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử hàng không thế giới.
Biến thể mới nhất mang tên C-130J Super Hercules mà quân đội Mỹ đang đặt mua thêm với nhiều cải tiến mạnh mẽ như động cơ khỏe hơn và tiết kiệm hơn, có thể chuyên chở nhiều binh sĩ hơn, số lượng hàng hóa mang theo mỗi chuyến bay cũng được tăng lên.