Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 6

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử 'Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 6.

-Đại tá Rốtlanxa.

-Có thuộc cấp.

Đại tá cùng Đại úy Phoócnande chỉ huy bộ binh bố trí dọc sông Đồng Nai chặn quân Đại Nam không cho chạy về Biên Hòa.

-Thuốc cấp tuân lệnh.

-Thiếu tướng Đơ Vatsoanơ.

-Có thuộc cấp.

-Ngài sẽ cùng ta chỉ huy hệ thống pháo binh từ các chùa Cây Mai, chùa Kiếng Phước, chùa Hiển Trung, chùa Khải Trường đồng loạt tấn công phía nam và đông nam của Đại Đồn, trước tiên là tiêu diệt Đồn Tả, Đồn Hữu của Đồn Tiền, sau đó đánh thẳng vào Đồn Giữa của Đại Đồn.

- Thuộc cấp tuân lệnh.

-Chuẩn úy Lơbebơle và thượng sĩ Doly.

-Có thuộc cấp.

-Chuẩn úy cùng thượng sĩ Doly làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, báo cáo tình hình chiến sự các hướng cho Tổng hành dinh của ta.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Rượu lại được viên đầu bếp của tàu rót ra. Cả bọn lại nâng cốc:

-Chúc các ngài chiến thắng.

-Chúc Đô đốc chiến thắng.

Như vậy quân Pháp đã hình thành một thế trận bao vây tiêu diệt Đại Đồn mà không để cho quân Đại Nam có lối thoát. Ngoài bộ binh thì ở phía Nam Đại Đồn, có đại bác do ngựa kéo từ hệ thống các chùa bắn vào phối hợp với pháo hạm ở các sông Rạch Cát, sông Bến Nghé, sông Sài Gòn thì Đại Đồn còn bị bao vây bởi pháo binh.

4 giờ sáng ngày 24 tháng 2 năm 1861, khi miền Gia Định còn chìm trong giấc ngủ thì Sacnơ Leonard Chamer ra lệnh tấn công Đại Đồn. Đại bác từ hệ thống các chùa và trên các chiến hạm trên các sông Rạch Cát, Bến Nghé, Thị Nghè đồng loạt bắn vào Đại Đồn từ hướng Nam và hướng Đông. Tiếng nổ vang rền như sấm sét. Hàng trăm viên đạn đỏ lừ bay như chớp. Đại Đồn chìm trong lửa khói và tiếng nổ. Đại bác của quân Đại Nam trên các thành cũng bắn ra dữ dội. Hai bên đấu pháo nhau 4 giờ cho đến sáng. Sáng hôm sau ngày 25-2-1861, Sac nơ Leonard Chamer lệnh:

-Bắn 500 quả đại bác yểm trợ cho bộ binh tiến vào.

- Thiếu tướng Đơ Vatsoanơ dẫn bộ binh và pháo hạng nhẹ do ngựa kéo vừa đi vừa bắn tiến vào Đại Đồn

-Tuân lệnh Đô đốc.

Pháo do ngựa kéo nhả đạn. Dưới những làn đạn như hàng trăm tia chớp bay trên đầu, bộ binh Pháp cũng vừa tiến vừa bắn vào Đồn Hữu và Đồn Tả. Đạn đại bác phá tung, đốt cháy mọi thứ, Đại Đồn chìm ngập trong khói lửa. Xác quân Đại Nam bị trúng đạn pháo bay lên không trung rồi rơi xuống, máu thịt đẩm đìa trong lửa đạn. Dù vậy, quân Đại Nam không hề sợ hãi, vẫn bám trụ kiên cường bắn trả. Đại bác và súng quân Đại Nam bắn không xa, rơi xuống không nổ nên hiệu quả không cao. Dù vậy thiếu tướng Đơ Vátsoanơ, Đại tá Rốtlanxa bị trúng đạn trọng thương, rất nhiều lính Pháp cũng chết ngã gục. Leonard Chamer thân chinh thay Vácsoanơ chỉ huy tiếp tục nã đại bác và thúc quân vào chiếm Đồn Hữu và Đồn Tả. Quân Pháp tiếp tục bị chết vì trúng hầm chông, đạn từ các lỗ châu mai. Tham tán Tôn Thất Hiệp ra lệnh:

-Cho tượng binh ra ứng chiến.

100 con voi chiến lao ra xông vào quân Pháp dưới làn đạn pháo hoặc súng trường. Voi bị bắn chết hoặc bị thương quay đầu chạy vào. Núp sau những mảnh tường bị phá, quân Pháp ném lựu đạn rồi xông vào dùng lưỡi lê và súng trướng giáp chiến. Quân Đại Nam dùng súng hỏa mai, gươm, dao đánh giáp lá cà với quân Pháp. Trận chiến khốc liệt, thây đổ máu tuôn. Quân Pháp ưu thế vũ khí nên đánh bật quân Đại Nam khỏi Đồn Tiền. Quân Đại Nam không tháo chạy mà bình tĩnh vừa đánh vừa rút vào Đồn Giữa. Hai bên giành dật từng khu vực một. Máu đổ làm ướt sũng các nền đất. Tại Đồn Giữa, Nguyễn Tri Phương nhận được báo cáo:

-Dạ, bẩm Tổng thống quân vụ, quân ta 1.000 người đã hy sinh, trong đó có Tán lý quân vụ Nguyễn Duy đã anh dũng tử trận.

Người lính vừa dứt lời thì một phát đạn đại bác như ánh chớp lao vào. Người lính bay lên trong chớp lửa. Nguyễn Tri Phượng cũng bị trúng một mảnh đạn vào bụng, máu phun ra đầm đìa. Lính hộ vệ vội xé áo băng tạm vết thương cầm máu. Nguyễn Tri Phương ra lệnh:

-Cho đại quân bỏ Đại Đồn rút về Thuận Kiều.

Được lệnh rút nhưng quân Đại Nam không tháo chạy mà vừa đi vừa bắn, dựa vào các bờ tường của thành và đi về các đồn khác và tiếp tục chiến đấu. Lá cờ vàng của đất nước vẫn tiếp tục tung bay kiêu hùng trong gió và trong đạn lửa theo bước chân của quân Đại Nam rút về Thuận Kiều. Sác nơ Leonard chamer ra lệnh:

-Đại tá Cơruzat chỉ huy quận bộ tiến đánh Thuận Kiều.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Tại Thuận Kiều, quân Đại Nam chống trả kịch liệt. Cơruzat bị bắn trọng thương. Quân Đại Nam rút về Biên Hòa. Đại Đồn hoàn toàn thất thủ. Đó là ngày 28 tháng 2 năm 1861. Những người lính Đại Nam không rút kịp hoặc bị thương bị Leonard Chamer ra lệnh giết hết. Cuộc đánh chiếm Đại Đồn kết thúc bằng một cuộc thảm sát của quân Pháp với quân Đại Nam. Trong cảnh tương tàn đổ nát máu lửa, thi hài lính Đại Nam với lính Pháp ngổn ngang. Leonard Chamer quan sát, lòng dạ sắt đá của tên thực dân cướp biển, tên phiêu lưu xâm lược không một chút động lòng. Hắn hỏi sĩ quan tham mưu thuộc cấp:

-Quân ta thiệt hại bao nhiêu?

-Dạ thưa Đô đốc, bên ta thiếu tướng Vátsoanơ bị thương vào cánh tay, đại tá Rốtlanxa bị đạn vào bắp chân, đại tá Cơronzat bị thương vào ngực, chuẩn úy Lơsebơle và thượng sĩ Doly đều bị thương nặng. Trung tá hải quân lục chiến Tơsơtacdơ bị thương và chết ở bệnh viện dã chiến.

Đêm đó, Leonard Chamerna ngồi viết báo cáo gửi Chính phủ Pháp. Viết xong, y tu một cốc rượu vang và đọc lại, báo cáo viết: “Trong trận Đại Đồn, chúng ta đã chiến thắng nhưng có thiệt hại. Phía ta 19 người chết, trong đó có 1 sĩ quan cấp tá, 2/3 trong số 4.000 lính bị thương, trong đó có 5 sĩ quan. Về phía quân Việt 1.000 lính chết và bị thương. Trong hàng tướng lĩnh tử trận có Tham tán Phạm Thế Hiển, Tham tán lang trung Nguyễn Duy, em Nguyễn Tri Phương, Tán tương Tôn Thất Trĩ. Tổng thống quân thứ Gia Định Nguyễn Tri Phương bị trọng thương vào bụng. Chúng ta đã chiếm được Đại Đồn, lấy được 2.000 súng bắn đá lửa, 2.000 kg thuốc súng, 150 súng thần công các cỡ và nhiều lương thực.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-6-a25037.html