Lục Yên chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện nghị quyết - Bài 1: Nghị quyết từ lòng dân
Được biết đến là địa phương có phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) dẫn đầu tỉnh, huyện Lục Yên đang dần hoàn thành hệ thống giao thông liên xã, liên thôn. Từ những mô hình điểm, Lục Yên đã tuyên truyền, biểu dương, khơi dậy ý chí, đoàn kết nỗ lực của nhân dân, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, ở cơ sở, những nghị quyết về làm đường GTNT được đông đảo đảng viên, nhân dân ủng hộ nhiệt tình.
Tuyến đường Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến trước đây nhỏ hẹp, lầy lội, khó khăn cho người dân và học sinh đi lại. Người dân gọi tuyến đường này với cái tên đầy ám ảnh là "con đường đau khổ”. Thấu hiểu nỗi khổ, sự khó khăn vất vả của người dân, bằng sự nỗ lực kêu gọi đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của người dân, 100% người dân sống 2 bên đường ngay sau khi nghe thông báo chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường đều nhất trí hiến đất, cây cối, vật kiến trúc, tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng mà không đòi hỏi đền bù, hỗ trợ.
Có 176 hộ dân của 3 xã Liễu Đô, Vĩnh Lạc, Minh Tiến đã đồng thuận, tự nguyện hiến trên 27.000 m2 đất, chặt bỏ trên 6.600 cây cối các loại, tháo dỡ, đập bỏ 1.500 m2 tường rào, sân bê tông, trụ cổng, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giải phóng mặt bằng để nhà thầu thi công tuyến đường thuận lợi, nhanh chóng. Chính vì vậy, tuyến đường có tổng chiều dài 5 km, tổng kinh phí thực hiện trên 41 tỷ đồng đã hoàn thành sớm hơn dự kiến hơn 3 tháng. Sau khi hoàn thành người dân 3 xã còn nhanh chóng thực hiện thắp sáng tuyến đường.
Ông Mông Văn Vượng, người dân xã Liễu Đô chia sẻ: "Trước đây, tuyến đường này nhỏ hẹp, lưu lượng người qua lại rất lớn, nắng thì bụi mù cả ngày, đóng cửa vẫn bụi trắng đồ đạc trong nhà, mưa thì bùn lầy lội, ổ gà đi lại rất khó khăn, va chạm giao thông thường xuyên. Tuyến đường được nâng cấp đã xóa đi ám ảnh của người dân mỗi khi có việc phải đi qua tuyến đường này”. Chính vì sự quan tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con nhân dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho công trình được sớm khởi công và đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công 8 tháng. Công trình hoàn thành mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của xã vùng cao Minh Chuẩn nói riêng và người dân 2 huyện Lục Yên, Bảo Yên (Lào Cai) nói chung.
Giai đoạn đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã Mường Lai, huyện Lục Yên vẫn là xã đặc biệt khó khăn, với trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân trong xã chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thu nhập không ổn định, trình độ dân trí không đồng đều, một số hộ dân vẫn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Tỷ lệ kiên cố hóa đường GTNT của xã khi đó mới đạt gần 40%.
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện với 3 khâu đột phá chiến lược, Đảng bộ xã Mường Lai đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển GTNT, trọng tâm là vận động nhân dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc để làm đường. Cuối năm 2020, khi nhận được chủ trương cải tạo, nâng cấp tuyến đường Mường Lai - Liễu Đô với chiều dài 4,2 km, nhận định đây là một nhiệm vụ khó, bởi khi mở rộng sẽ ảnh hưởng đến đất đai, cây cối, vật kiến trúc của nhiều hộ dân, một số hộ dân còn có suy nghĩ đền bù, hỗ trợ. Do đó, cần phải có sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy.
Đồng chí Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai cho biết: "Với quyết tâm thực hiện giải phóng "0 đồng”, tuyến đường này làm điển hình để nhân rộng ra toàn xã. Đảng ủy đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bởi như Bác nói: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Xã đã thông tin về chủ trương, mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của nhân dân khi tuyến đường được đầu tư, thông qua các cuộc họp của xã, thôn, thông tin trên hệ thống truyền thanh xã; đồng thời, đăng tải các thông tin quan trọng trên các trang mạng xã hội để nhân dân được biết, được bàn, tham gia ý kiến, phát huy dân chủ”. Trực tiếp các đồng chí cán bộ chủ chốt xã, các tổ chức đoàn thể, cùng với cán bộ thôn, người uy tín trong thôn đến từng hộ gia đình gặp gỡ, làm công tác tuyên truyền, vận động.
Cảm nhận được những khó khăn ban đầu của xã trong triển khai giải phóng tuyến đường, các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy Lục Yên đã sát sao từng bước đi của xã, chỉ đạo, định hướng và gợi ý những cách làm rất mới mẻ. Trực tiếp Bí thư Huyện ủy Hoàng Hữu Độ cùng làm công tác vận động quần chúng, thể hiện bằng việc kịp thời đến gặp gỡ, động viên, biểu dương hộ gia đình ông Hoàng Văn Kê, là người tiên phong hiến đất mở đường. Những thông tin, hình ảnh về hộ gia đình ông Kê hiến đất, đặc biệt là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện thân mật, gần gũi, đến từng hộ gia đình để thăm hỏi, biểu dương, khích lệ những đóng góp của nhân dân được thông tin kịp thời đến người dân, nhanh chóng lan tỏa trên các trang mạng xã hội đã nhân lên niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền, tạo phong trào thi đua sôi nổi.
Tất cả các hộ dân trên tuyến đường đều xung phong hiến đất, phá dỡ cổng xây, tường rào, chặt bỏ cây cối, tạo mặt bằng sạch bàn giao cho đơn vị thi công... Tuyến đường nhanh chóng hoàn thành sau 4 tháng thi công mà không có bất cứ vướng mắc nào; kết quả toàn tuyến có 32 hộ dân hiến trên 3.000 m2 đất, trên 1.200 cây cối có giá trị như quế, keo, mít, bồ đề.
Câu chuyện về tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh cũng mang đầy tự hào, tinh thần đoàn kết của nhân dân 3 xã. Mặc dù chưa nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn của tỉnh nhưng với ý chí và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân 3 xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh, đầu năm 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã hai lần về 3 xã này để khảo sát.
Sau đó, tỉnh ra chủ trương đầu tư kinh phí làm đường; cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc, công trình, cây cối trên đất để tiến hành thi công. Ngay sau khi được thông báo, 540 hộ dân của 3 xã sống dọc tuyến đường đã tự nguyện hiến trên 81.800 m2 đất, chặt hạ trên 36.100 cây cối, tháo dỡ gần 10.000 m2 tường rào vật kiến trúc mà không đòi hỏi đền bù, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng.
Cùng với sự nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện mà tuyến đường đã được tỉnh sớm phê duyệt đầu tư 110 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng nền đường lên 7,5 m với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường đá dăm láng nhựa, tổng chiều dài tuyến đường hơn 18 km. Trong quá trình thi công, người dân thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thực phẩm cho nhà thầu; các xã cử lực lượng ứng trực tại các điểm lầy lội, trơn trượt trong những ngày mưa để giúp nhân dân đi lại an toàn, tạo sự gắn bó và thể hiện nét riêng có về con người Lục Yên "Đoàn kết, thân thiện, nhân ái, sáng tạo, hội nhập”. Nhờ đó, tuyến đường rút ngắn thời gian thi công 6 tháng, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Những đóng góp của người dân các địa phương trong hiến đất mở đường đã góp phần lan tỏa phong trào hiến đất mở đường trên toàn huyện. Những tuyến đường giải phóng "0 đồng” tiếp tục được nối dài, điển hình như tuyến đường Lục Yên - Bảo Yên; tuyến Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến; tuyến Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh...; hay nhiều tuyến đường đi qua "đất vàng” tại thị trấn Yên Thế như: đường Hoàng Văn Thụ, đường tổ dân phố 7...
Thực tế cho thấy, với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân nhiều tuyến đường đã được đầu tư, tạo đột phá lớn trong phát triển giao thông trên địa bàn huyện trong những năm qua. Toàn huyện có hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn được đổ bê tông, trên 200 km đường được thắp sáng. Từ năm 2021 đến nay, nhân dân trên địa bàn huyện Lục Yên tự nguyện hiến trên 593.000 m2 đất, chặt hạ gần 220.000 cây cối; phá bỏ hơn 45.000m2 vật kiến trúc, trị giá trên 322 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường. Nhờ đó, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn được mở rộng, nhiều công trình được đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn huyện có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Hoàng Kim Trọng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Yên cho biết: "Để phong trào hiến đất làm đường giao thông nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, lan tỏa một cách mạnh mẽ trên địa bàn, huyện Lục Yên đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên tổ chức chương trình "Ngày cùng dân”, cùng lao động, giúp đỡ người dân những khi cần, từ đó tạo sự đoàn kết, gần gũi với nhân dân. Đối với những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào hiến đất mở rộng đường được huyện kịp thời biểu dương, khen thưởng qua lễ tôn vinh, tại các hội nghị, tổng kết của ngành, địa phương. Các xã, thị trấn được cấp "sổ vàng” ghi danh những hộ gia đình tiêu biểu trong đóng góp xây dựng quê hương. Khi những tuyến đường lớn hoàn thành đều được gắn biển, dựng phiến đá có khắc dòng chữ để ghi nhận, tri ân sự đóng góp của nhân dân”.
Tất cả những việc làm tưởng chừng đơn giản, nhỏ bé nhưng thể hiện rõ nét phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Phong trào hiến đất làm đường ở Lục Yên là một minh chứng cho thấy những nghị quyết sát với thực tế, nhu cầu của nhân dân sẽ được nhân dân ủng hộ vô điều kiện. Đúng như lời Bác Hồ từng căn dặn: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Anh Dũng
Bài 2: Đột phá mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch