Lục Yên chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện nghị quyết - Bài 2: Đột phá mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch
Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch huyện Lục Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 là một trong những đột phá mới của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 -2025. Sau đại dịch Covid - 19, với việc khôi phục hàng hoạt các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc ở địa phương, huyện Lục Yên đã tạo được điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch; từ đó, mở ra những cơ hội mới phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế khu vực nông thôn phát triển, kéo theo nhu cầu vui chơi, giải chí của người dân tăng mạnh. Sau nhiều năm ảnh hưởng đại dịch Covid - 19, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa huyện Lục Yên đã khôi phục lại các lễ hội truyền thống, thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến tham quan, hòa mình với nhịp sống vùng cao.
Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Huyện ủy Lục Yên cho biết: huyện Lục Yên xác định phát triển văn hóa, trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc phải gắn với phát triển du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, biến di sản thành tài sản, coi văn hóa là nguồn lực quan trọng, động lực để phát triển bền vững; đặt sự phát triển về kinh tế và văn hóa luôn trong mối quan hệ hài hòa. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển văn hóa bằng các mô hình, phong trào cụ thể, thiết thực, bảo đảm cho văn hóa được quan tâm đúng mức, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Là huyện miền núi, có nhiều dân tộc cùng chung sống, có nền văn hóa đa dạng, phong phú được thể hiện qua các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lễ hội, trang phục, ẩm thực và trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày và hiện nay, huyện Lục Yên có 20 di tích được xếp hạng; trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia, 18 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp tỉnh và một số di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn theo kế hoạch của tỉnh như hát ví Quan làng (hát đón dâu), tục kết tồng (kết phường, kết bạn), nghệ thuật khắp, Coọi của người Tày, hát Páo dung của người Dao đỏ.
Một trong những điểm nhấn mang lại sự khác biệt cho hướng phát triển du lịch ở Lục Yên thời gian qua là việc khôi phục lại các lễ hội truyền thống gắn với đời sống thường ngày của các dân tộc địa phương. Từ năm 2021 đến nay, hàng loạt lễ hội đã được các địa phương khôi phục và duy trì đều đặn.
Tháng 8 năm 2023, huyện đã tổ chức thành công 2 lễ hội độc đáo: Ngày hội văn hóa dân tộc Dao xã Tân Phượng và Lễ hội Pây tái xã Lâm Thượng; trong đó, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao xã Tân Phượng lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút trên 5.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và 5 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc sản ở địa phương đã bán hết ngay trong buổi sáng.
Bà Triệu Thị Di, thôn Khe Pháo, xã Tân Phượng cho biết: "Nhiều người đến tham quan gian hàng của thôn, họ cảm thấy thích thú với những sản phẩm như: đồ dùng hằng ngày, quần, áo, khăn, ví, túi dệt bằng thổ cẩm, đặc biệt là những sản phẩm thêu thủ công”. Trong đời sống hàng ngày, cộng đồng người Dao đỏ xã Tân Phượng vẫn còn lưu giữ được những nét độc đáo riêng như: đám cưới, lễ cấp sắc, tục nhảy lửa… Đặc biệt, người Dao Tân Phượng vẫn còn lưu giữ được nhiều bài thuốc dân gian để chữa bệnh và tắm thuốc. Đây sẽ là những điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Tân Phượng.
Đồng chí Nguyễn Quang Thuần - Bí thư Đảng ủy xã Tân Phượng cho hay: "Từ sự thành công của Ngày hội văn hóa dân tộc Dao lần thứ nhất, năm 2024 xã Tân Phượng tiếp tục tổ chức Ngày hội này vào dịp đầu tháng 7 Âm lịch. Để chuẩn bị cho Ngày hội, chúng tôi đã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân, sự tham gia của các cụ cao niên, người có uy tín trong cộng đồng và được bà con rất hào hứng, tích cực đóng góp cả sức lực, vật lực cho công tác chuẩn bị tổ chức Ngày hội. Việc tổ chức các hoạt động tại Ngày hội cũng bảo đảm mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đỏ với việc tái hiện lễ cấp sắc, tục đón dâu, tục nhảy lửa…”.
Thực hiện Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch, huyện Lục Yên đã từng bước xây dựng được những sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có như: Lễ hội Xo may, xã Mường Lai; lễ hội Cắc kéng, xã Khánh Thiện; Lễ hội Pay tái, xã Lâm Thượng, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao, xã Tân Phượng... Ở đây, bà con cùng bàn bạc, đóng góp công sức, tiền của để làm nên lễ hội của nhân dân, mang niềm vui cho cả làng, xã và du khách thập phương.
Bên cạnh đó, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, hoạt động du lịch tâm linh không ngừng phát triển trên miền đất Ngọc như Lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh; Lễ hội đền Suối Tiên, xã Tô Mậu; Lễ hội đình Bản Phố, xã Mai Sơn… ngày càng tổ chức quy mô, bài bản, hấp dẫn, lôi cuốn du khách.
Chị Phùng Thị Hoàn ở xã Yên Thắng chia sẻ: "Đã trở thành thông lệ, hằng năm, cứ vào ngày Rằm tháng Giêng, tôi và gia đình đều đi Lễ hội đền Đại Cại cầu bình an, sức khỏe và cũng là dịp để nghỉ ngơi, tìm về chốn thanh tịnh. Đến đây, có rất đông du khách trong và ngoài huyện và việc tổ chức cũng quy mô, bài bản, không có tình trạng lộn xộn về an ninh trật tự”.
Chương trình "Du lịch về miền đất Ngọc" đã được huyện Lục Yên tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, với chuỗi các hoạt động du lịch rất bản sắc, hấp dẫn, làm nổi bật được các giá trị di sản văn hóa của vùng đất Ngọc. Qua đó, đã khơi dậy được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, góp phần phát triển du lịch, tăng thêm thu nhập và làm thay đổi diện mạo của quê hương.
Năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện trên 110.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế trên 15.000 lượt; doanh thu 94,4 tỷ đồng, tạo việc làm cho 800 lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ. Điều đặc biệt hơn cả là đã khơi dậy được khát vọng phát triển, nhân dân tự nguyện, tự giác góp công, góp của để tổ chức các lễ hội.
Với việc mở rộng và phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng phù hợp với địa phương, huyện Lục Yên đang tiếp tục tập trung khai thác sản phẩm du lịch như: khám phá hang động kết hợp với du lịch trải nghiệm, sinh thái, du lịch cộng đồng tại xã Khai Trung, Tân Lập; khai thác sản phẩm du lịch tâm linh gắn với du lịch cộng đồng, sinh thái tại các xã: Tân Lĩnh, Tô Mậu; phát triển sản phẩm đá quý, hàng lưu niệm từ đá trắng, các đặc sản của Lục Yên tại thị trấn Yên Thế.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu về những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, văn hóa; những nét văn hóa và lễ hội đặc sắc của địa phương; chú trọng phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với những lợi thế của huyện, liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch; liên kết tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách du lịch về địa phương như tổ chức các lễ hội văn hóa, chương trình du lịch, những giải thể thao lớn, xây dựng sản phẩm mang tính thương hiệu của địa phương; liên kết các tour, tuyến trong và ngoài tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của các địa phương...
Thông qua việc đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, đã góp phần nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa, giảm bớt sự chênh lệch giữa các vùng miền; tạo môi trường ổn định thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương với phương châm "Phát triển kinh tế để đẩy mạnh phát triển văn hóa; phát triển văn hóa làm động lực phát triển kinh tế”, tạo ra sự hài hòa trong quá trình phát triển chung của huyện để phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch nhân văn từ các di sản văn hóa, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng Lục Yên phát triển "Xanh - hài hòa - bản sắc và hạnh phúc”; quyết tâm phấn đấu năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới.
Anh Dũng
Bài cuối: Những miền quê đổi mới