Lục Yên sôi động phong trào hiến đất làm đường
Thời gian qua, nhiều tuyến giao thông trọng điểm của huyện Lục Yên đã được UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư như đường Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh, đường Khánh Hòa - Văn Yên, công trình cầu Tô Mậu… Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân vùng đất Ngọc nhờ tạo được sự đồng thuận, nhân dân đồng lòng hiến đất, vật kiến trúc, ngày công làm đường.
Khát vọng mở đường
Những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở huyện Lục Yên đã thực sự lan tỏa đến từng ngõ, từng nhà, từ tổ dân phố đến những thôn bản vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn. Người dân dù còn khó khăn, vất vả nhưng sẵn sàng góp công, góp sức, hiến đất làm đường, từ đó mở ra cơ hội mới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thâm Pất là thôn đặc biệt khó khăn của xã Lâm Thượng. Toàn thôn có 52 hộ dân, 208 nhân khẩu, trong đó có 17 hộ nghèo. Khó khăn là vậy nhưng tinh thần xây dựng nông thôn mới nơi đây đã và đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, đặc biệt là việc mở rộng, kiên cố các tuyến đường giao thông.
Con đường chính từ trung tâm xã Lâm Thượng vào thôn Thâm Pất chỉ hơn 2 km nhưng trước đây là đường đất, đèo dốc đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, sự đổi thay, phát triển đang dần hiện hữu nơi đây bởi tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đóng góp cả về sức lực, vật lực của người dân.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh là một trong những hộ còn nhiều khó khăn, nhưng chị cũng như các hộ dân trong thôn đều cho rằng, việc thay thế con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội, đi lại vất vả bao năm nay bằng con đường mới và bê tông hóa, thuận lợi để phát triển kinh tế là điều vui mừng nhất. Chị Thanh tự nguyện viết đơn hiến hơn 100 m2 đất, chặt bỏ nhiều cây cối đang phát triển tốt để mở rộng đường thôn lên 3m.
Chị Thanh chia sẻ: "Đóng góp để xây dựng cho thôn, bản phát triển và chính mình được hưởng lợi thì không có gì tiếc cả. Sau khi con đường hoàn thành, gia đình tôi sẵn sàng đăng ký với thôn hiến thêm hơn 300 m2 đất vườn để làm sân chơi cho trẻ em và người dân ở đây”.
Ông Cố Kim Đồng - Bí thư Chi bộ thôn Thâm Pất cho biết: "Năm 2022, thôn Thâm Pất, xã Lâm Thượng được giao nguồn vốn để kiên cố hóa 2,5 km đường giao thông từ Đề án phát triển giao thông nông thôn và 1,2 km đường theo nguồn vốn Chương trình 135. Các chương trình đều được Chi bộ, thôn tổ chức họp đảng viên, nhân dân để bàn bạc, thống nhất. Cùng với nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của đường giao thông đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội người dân trong thôn đã đoàn kết, đồng thuận tự nguyện hiến hơn 5.000 m2 đất, chặt bỏ trên 600 cây cối các loại, phá dỡ vật kiến trúc mà không đòi hỏi hỗ trợ, đền bù để mở rộng các tuyến đường lên 3 m”.
Tuyến đường liên xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh với chiều dài trên 18 km được gần 550 hộ dân sống dọc tuyến đường đồng thuận, tự nguyện hiến gần 100.000 m2 đất các loại, trên 24.000 cây cối, trên 6.000 m tường rào xây và trên 400 m2 sân bê tông, trụ cổng để mở rộng nền đường lên hơn 7 m. Có nhiều hộ cắt một phần tường xây, mái nhà, đập cổng, hàng rào bê tông kiên cố mà không đòi hỏi đền bù hay hỗ trợ gì.
Bà Trương Thị Nô, xã Tân Lập chia sẻ: "Người dân xã Tân Lập từ lâu mong mỏi có một con đường bê tông. Sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ không còn xảy ra cảnh thương lái ép giá hàng nông sản của bà con như trước đây”.
Sự lan tỏa của phong trào làm đường giao thôn nông thôn không chỉ gói gọn ở riêng một xã nào, mà nhân dân ở nhiều xã lân cận trong huyện đều có sự đoàn kết thống nhất chung tay cùng tham gia.
Qua phong trào hiến đất, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả với nhiều tập thể điển hình, tiên tiến như: tại xã Tân Lập có hộ gia đình ông Đào Kim Cương hiến 2.353 m2 và 1.561 cây quế; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Trung Sỹ, Hoàng Công Minh mỗi hộ hiến trên 1.000 m2; tại xã Minh Chuẩn hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung hiến 1.505 m2, 1.500 cây quế; hộ ông Hà Văn Đoàn hiến 2.000 m2, 1.500 cây quế… Và còn rất nhiều gia đình tiêu biểu trong phong trào hiến đất, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Với quyết tâm, trách nhiệm cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Lục Yên đã chỉ đạo ký kết chương trình phối hợp giữa UBND huyện Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, trọng tâm là phong trào vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối để làm đường giao thông. Ban Tuyên giáo Huyện ủy tăng cường hoạt động tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 35 và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội tận dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội trong việc định hướng dư luận cho nhân dân về các vấn đề liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, trong đó có các vấn đề liên quan đến hiến đất làm đường giao thông.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện đã phối hợp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực vào phong trào hiến đất, làm đường giao thông nông thôn. Trong đó, quan tâm tập trung phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; tổ chức tuyên truyền, vận động lồng ghép vào các cuộc họp, các cuộc sinh hoạt của chi bộ; tăng cường tổ chức "Ngày cùng dân”…, từ đó tạo sự đồng thuận của nhân dân trong hiến đất làm đường.
Từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tầm quan trọng của việc hiến đất làm đường phát triển giao thông nông thôn, người dân đã tích cực hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động xây dựng hạ tầng nông thôn theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Từ năm 2020 đến nay, người dân trong huyện đã triển khai thực hiện 133 dự án mở mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp làm đường giao thông nông thôn với tổng số 4.527 hộ gia đình tự nguyện hiến 556.328 m2 đất, 25.821 công trình, vật kiến trúc trên đất, trên 160.000 cây cối, ước tổng giá trị gần 214 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo huyện Lục Yên, kinh nghiệm của địa phương trong công tác vận động nhân dân là phải đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ huyện đến cơ sở; phát huy được vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đặc biệt coi trọng công tác dân vận, phát huy tính dân chủ, đa dạng trong công tác tuyên truyền, tổ chức qua các hoạt động gặp gỡ, lắng nghe cùng trao đổi với nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, từ những tấm gương, những nhân tố tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để tuyên truyền, lan tỏa và nhân rộng.
Bám sát sự định hướng chỉ đạo của cấp ủy các cấp, ban hành nghị quyết lãnh đạo sát thực tế, xây dựng kế hoạch cụ thể, khả thi, phân công rõ trách nhiệm trong triển khai, tổ chức thực hiện.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, người có uy tín, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, vận động và tổ chức "Ngày cùng dân” đảm bảo rộng khắp, hiệu quả. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân, điển hình trong phong trào hiến đất làm đường.
Bằng những việc làm thiết thực, phong trào hiến đất làm đường ở Lục Yên đã thu được kết quả đáng tự hào. Những con đường "Ý Đảng - lòng dân” ngày càng được nối dài, rộng mở hơn bởi tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong huyện, tạo động lực cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng huyện Lục Yên phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện nông thôn mới.