Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (gọi tắt là Nhà máy Ethanol Dung Quất) được khởi công vào tháng 9/2009, tại Khu Kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Dự án do Công ty CP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (BSR-BF - thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) làm chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Dự án có tổng vốn ban đầu gần 1.850 tỷ đồng, sau đó đội vốn lên khoảng 2.200 tỷ đồng, trên diện tích 24ha. Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học lớn nhất miền Trung với công nghệ hiện đại, công suất tối đa đạt 100.000m3 Ethanol/năm. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Sản phẩm Bio - Ethanol do nhà máy cung cấp được sản xuất từ sắn lát khô (khoai mì) và dùng pha trộn với xăng A92 để tạo ra xăng E5 phân phối ra thị trường. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Sự ra đời của nhà máy không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp nhiên liệu sạch mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho mặt hàng nông sản khoai mì và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở Quảng Ngãi… Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Tháng 2/2012, nhà máy đi vào hoạt động. Nhưng trái với những kỳ vọng, chỉ sau hai năm, nhà máy liên tục phải sản xuất cầm chừng và rơi vào thua lỗ. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Tháng 4/2015 nhà máy tạm dừng sản xuất do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn so với giá thành sản xuất, nhà máy thua lỗ, đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Đến tháng 3/2016 thì nhà máy đứt vốn lưu động, tạm ngừng trả lương cho người lao động. Càng về sau, tình cảnh nhà máy này càng cam go vì càng “đắp chiếu” càng đổ nợ, hoạt động thì thua lỗ. Dự án này là một trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương nằm trong diện phải cơ cấu lại trong nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhà máy Ethanol Dung Quất hiện rơi vào tình trạng hoang vắng. Những kho sắt xù xì bề thế vốn là các bể chứa, ống dẫn, khu xử lý nguyên liệu, nhiên liệu sinh học và cồn đến nay đang dần xuống cấp, gỉ sét, nhiều hạng mục đứt gãy. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR; Công ty mẹ của BSR-BF, nắm giữ 65,54% vốn cổ phần), BSR-BF bị 3 ngân hàng khởi kiện ra tòa do phát sinh các khoản vay quá hạn, nợ gốc và lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng. Ngày 22/2/2024 công ty này đã nộp đơn đến Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu mở thủ tục phá sản. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Tính đến 31/12/2023, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn 1.532 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.588 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán khoảng 1.566 tỷ đồng. Các khoản nợ quá hạn thanh toán tính đến ngày 31/12/2023 gồm, lãi vay khoảng 439 tỷ đồng, số dư gốc vay khoảng 1.127 tỷ đồng. BSR-BF đã thế chấp toàn bộ nhà cửa, máy móc, thiết bị và các tài sản cố định hữu hình từ nhà máy Ethanol Dung Quất để đảm bảo cho khoản tiền vay ngân hàng… Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Dự án “lụi tàn”, đứng bên bờ vực phá sản đã kéo theo nhiều hộ dân ở thôn Đông Lỗ (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) cũng sống khổ, chẳng biết tương lai đi về đâu. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Bà Trần Thị Loan (trú thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận) cho hay, để xây dựng nhà máy, trước đây người dân thôn Đông Lỗ đã nhường đi hàng chục ha đất lúa và cây trồng, vườn tược cho dự án. Tuy nhiên, khi bồi thường chính quyền thu hồi sổ đỏ, nhưng chờ mãi không thấy bố trí tái định cư nơi ở mới, nên hơn 10 năm qua gia đình bà sống mắc kẹt bên nhà máy. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
“Từ việc nhường đất cho dự án, nay nhà máy thì bỏ hoang sắp thành kho sắt vụn lãng phí, còn dân thì phải “sống chui, ở lậu” trên chính mảnh đất của mình”, bà Loan nói. Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Đỗ Minh Huấn cho biết, địa phương đã đề xuất các cấp xem xét hủy thông báo và quyết định thu hồi đất trước kia để khoanh nợ, giải quyết khó khăn cho các hộ dân ven nhà máy. Tuy nhiên, việc hủy bỏ thông báo, quyết định thu hồi đất này rất khó thực hiện nên mọi chuyện vẫn đang chờ… Ảnh: Nguyễn Ngọc.
Nguyễn Ngọc