Lùm xùm bản quyền 'Giấc mơ trưa': Giáng Son và BH Media, ai sai?
Ngày 27/10, BH Media – đơn vị vừa bị nhạc sĩ Giáng Son tố 'đánh' bản quyền ca khúc của chính mình tổ chức họp báo về 'Bản quyền âm nhạc trên môi trường số'.
Theo BH Media, vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son thực ra rất đơn giản, chỉ giải quyết trong vòng "một nốt nhạc" nhưng nhạc sĩ Giáng Son từ chối đối thoại khiến vụ việc chưa được giải quyết thấu đáo. Chính vì thế, đơn vị này tổ chức họp báo để giải đáp tất cả mọi thắc mắc từ phía dư luận. Phía BH Media khẳng định, nhạc sĩ Giáng Son nói đơn vị này “đánh gậy bản quyền” tác phẩm của mình là không chính xác.
“Đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Nhạc sĩ Giáng Son nhận thông báo từ YouTube chứ không phải từ BH Media. Thông báo đó nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và thông báo đó không làm ảnh hưởng đến quyền up bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi là chủ sở hữu bản ghi kia sẽ xác minh lại và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video", đại diện BH Media cho biết.
Phía BH Media giải thích, nhạc sĩ Giáng Son đã rất cẩn thận trong vấn đề bản quyền nên đã đưa lên kênh của mình một bản ghi Giấc mơ trưa thuộc quyền sở hữu của chị. Nhưng trên YouTube có nhiều bản ghi Giấc mơ trưa của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó khi phát hiện bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son hơi giống với bản ghi Giấc mơ trưa của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã up lên trước đó, YouTube tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.
Và ngay sau khi nhạc sĩ Giáng Son phản ánh trên trang cá nhân, BH Media đã kiểm tra và nhả ngay bản quyền. YouTube đã ghi nhận quyền tác giả của nhạc sĩ Giáng Son trong bản ghi âm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ Dương Thùy Anh do Hồ Gươm Audio cung cấp và YouTube sẽ trả phí tác quyền về cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị được nhạc sĩ Giáng Son ủy quyền về quyền tác giả trên YouTube.
BH Media cho rằng, những hiểu lầm về quyền tác giả, quyền bản ghi rất phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nghệ sĩ lớn trên thế giới như Justin Bieber, Taylor Swift,... đều có những hiểu lầm như vậy.
Theo đó, mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành, sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: Quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; Quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo luật bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.
Chẳng hạn với trường hợp của Taylor Swift sáng tác và hát các ca khúc trong các album Red nhưng quyền bản ghi âm của các album này thuộc về hãng đĩa Big Machine Records. Vậy sau khi chấm dứt hợp đồng với hãng, Taylor Swift đã phải thu âm lại toàn bộ các album của mình với phần hòa âm phối khí mới để có thể tiếp tục sử dụng và trình diễn các bài hát đó.
"Tại Việt Nam, có rất nhiều nghệ sĩ chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Có nhạc sĩ nghĩ mình là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình. Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ, bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự", BH Media giải thích.
Về phía mình, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ, việc BH Media đổ tại YouTube quét là sai. YouTube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền từ BH Media).
“Người thực thi là network, họ thông qua công cụ mà YouTube cấp đó để thực hiện các hành vi cần thiết. Nếu hành vi đó là hợp lệ thì YouTube cho phép. Nhưng nếu đó là hành vi lạm dụng (như BH Media không phân rõ nguồn gốc tác phẩm) thì hành vi này là không được phép.
Rõ ràng là BH Media đặt content ID khi không có quyền (vì Dương Thùy Anh mượn, xin mà không hề có hợp đồng nào hết) BH Media chỉ được phép bật khi Dương Thùy Anh là chủ sở hữu độc quyền đối với phần phối khí đó. Về quyền thì có 2 quyền: Quyền tác giả - tôi không có hợp đồng gì với Dương Thùy Anh. Quyền hòa âm phối khí – Dương Thùy Anh xin từ người phối khí của tôi”, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.
Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định rằng, người làm ẩu, sai đầu tiên trong sự việc này là Dương Thùy Anh. Phía BH Media chịu trách nhiệm liên đới vì không xác minh rõ quyền tác phẩm.
“BH media không được phép bật ContentID (CID) nếu đó không phải là tác phẩm mà đơn vị này có độc quyền sở hữu. BH Media đổ cho YouTube claim, báo cáo claim, nhưng sau đó lại thừa nhận BH đã nhả, gỡ claim. Vậy BH điều khiển YouTube?”, nhạc sĩ Giáng Son đặt câu hỏi.
Nhạc sĩ Giáng Son cũng cho biết, chị đã làm việc với luật sư của VCPMC và đang chờ kết quả.
Cũng liên quan đến bản quyền âm nhạc, gần đây nhạc sĩ Trần Thanh Tùng than rằng: "Họ ký với tôi có 3 tác phẩm mà trong hợp đồng đồng ghi tuyển tập tác phẩm".
Bên cạnh đó nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng kêu: "Bài 'Tình ta biển bạc đồng xanh' BH Media ký hợp đồng 30 triệu là một bản hợp đồng khác mà khi trả lại đã bị đánh tráo bằng một văn bản khác mà nội dung lại ghi là được quyền sử dụng suốt đời".
BH Media khẳng định sau khi nhận được hợp đồng do BH Media gửi qua email, chính nhạc sĩ là người xem xét kỹ lưỡng và in, ký từng trang, gửi tới trụ sở của BH Media, kèm theo chứng minh thư công chứng của nhạc sĩ, không có cớ gì nói nhạc sĩ không đọc.