Lùm xùm chuyện tiếp viên bay đường dài bị phơi nhiễm phóng xạ dẫn đến ung thư

Hãng bay Korean Air đang bị một gia đình một tiếp viên hàng không qua đời vì ung thư kiện song họ khẳng định, luôn quản lý chặt chẽ tình trạng phơi nhiễm phóng xạ vũ trụ đối với thành viên phi hành đoàn.

Tiếp viên hàng không bị ung thư liên quan tới phóng xạ vũ trụ

Ngày 7/11, hãng tin AFP cho biết, tháng trước, tổ chức Dịch vụ Phúc lợi và Bồi thường cho Người lao động Hàn Quốc đã kết luận nguyên nhân một nam tiếp viên hàng không của hãng bay Korean Air qua đời vì ung thư là do phơi nhiễm phóng xạ vũ trụ và cho rằng, vụ việc liên quan đến tai nạn lao động.

Theo AFP, đây là lần đầu tiên một tổ chức về quyền người lao động của Chính phủ Hàn Quốc kết luận trường hợp tiếp viên hàng không bị ung thư liên quan tới phóng xạ vũ trụ là tai nạn lao động.

Trong vụ việc này, nam tiếp viên hàng không họ Song đã phục vụ trên các chuyến bay của Korean Air trong 25 năm và có 1.022 giờ trên máy bay mỗi năm.

Một nửa số chuyến bay ông Song phục vụ hàng năm là các chuyến bay đường dài tới châu Mỹ và châu Âu.

Phi hành đoàn trên những tuyến bay này có thể phơi nhiễm với mức phóng xạ vũ trụ cao hơn do máy bay thường bay qua Bắc cực - nơi bức xạ cao hơn vì từ trường của Trái đất.

Máy bay của hãng hàng không Korean Air (Ảnh: AFP).

Máy bay của hãng hàng không Korean Air (Ảnh: AFP).

Ông Song được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn 4 vào tháng 4/2021 và qua đời một tháng sau đó.

Hãng bay Korean Air từ chối đưa ra bình luận trước kết luận của tổ chức Dịch vụ Phúc lợi và Bồi thường cho Người lao động Hàn Quốc.

Tuy nhiên, hãng hàng không khẳng định, luôn quản lý sát sao và cập nhật hàng tháng dữ liệu cá nhân về mức độ phơi nhiễm phóng xạ vũ trụ của thành viên phi hành đoàn. Đồng thời, thành viên phi hành đoàn của Korean Air có thể tự xem lại mức độ phơi nhiễm phóng xạ vũ trụ của bản thân trong kho dữ liệu thống kê.

Hãng Korean Air cũng khẳng định hạn chế mức độ phơi nhiễm phóng xạ của hành viên phi hành đoàn ở mức thấp hơn 6mSv/năm, tức thấp hơn nhiều so với giới hạn tối đa là 50mSv/năm theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, hãng bay Korean Air cũng cho rằng không có mối liên quan giữa căn bệnh ung thư của ông Song với phóng xạ vũ trụ.

Nhiều thành viên phi hành đoàn của Korean Air mắc ung thư

Tuy nhiên, tổ chức Dịch vụ Phúc lợi và Bồi thường cho Người lao động Hàn Quốc bác bỏ luận điểm trên, cho rằng nguyên đơn có khả năng đã bị phơi nhiễm với mức phóng xạ tổng cộng lên tới hơn 100mSv và phương pháp đo đạc của Korean Air cho kết quả thấp hơn mức độ phơi nhiễm trên thực tế.

Ông Kim Seong-hyun - luật sư đại diện cho gia đình ông Song cũng cho rằng, hãng bay Korean Air sử dụng phương pháp cũ để đo mức độ phơi nhiễm phóng xạ.

Ông Kim cũng chỉ ra nhiều thành viên phi hành đoàn của hãng bay đã được chẩn đoán mắc ung thư máu, ung thư vú và nhiều người đã phải xin nghỉ phép do gặp vấn đề về sức khỏe.

“Korean Air cần minh bạch về vấn đề này và tiến hành điều tra toàn diện”, ông Kim nêu quan điểm.

Quy định rõ số chuyến quốc tế tối đa mỗi tiếp viên phục vụ

Tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc đã thông qua luật sửa đổi, quy định số lượng tối đa chuyến bay quốc tế mỗi thành viên phi hành đoàn được phục vụ để giảm thiểu mức phơi nhiễm phóng xạ vũ trụ.

Theo AFP, thành viên phi hành đoàn có nguy cơ phơi nhiễm với mức phóng xạ vũ trụ cao hơn do càng lên cao, khả năng che chắn tia bức xạ của bầu khí quyển Trái đất giảm dần.

Một nghiên cứu trên 5.000 tiếp viên hàng không tại Mỹ đăng tải trên tạp chí Environmental Health vào năm 2018 cho thấy thành viên phi hành đoàn có tỷ lệ mắc một số loại bệnh ung thư cao hơn trung bình.

Hoàng Hương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lum-xum-chuyen-tiep-vien-bay-duong-dai-bi-phoi-nhiem-phong-xa-dan-den-ung-thu-192231108112115404.htm