Lúng túng luật hóa quy định quản trái phiếu doanh nghiệp
Trong khi nhiều ý kiến đồng thuận rằng nên luật hóa Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thì hiện có ý kiến trái chiều về việc nên luật hóa vào Luật Chứng khoán sửa đổi hay Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Những quan ngại trên thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ năm 2018 đến nay có sự sôi động hơn hẳn giai đoạn trước.
Tổng hợp của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, ước tính, 8 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã huy động được 117.142 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu, qua đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh lên khoảng 10,2% GDP.
Sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở chừng mực nào đó là tín hiệu đáng mừng, bởi nền kinh tế bớt phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến, thị trường trái phiếu đang xuất hiện một số dấu hiệu tăng trưởng nóng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, tới 14 - 14,5%/năm…
Trong công văn gửi các ngân hàng thương mại mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về rủi ro của hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, trong các tháng đầu năm 2019, một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Số dư đầu tư trái phiếu vào các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019, đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát…
Ðiểm đáng chú ý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là số lượng các đợt phát hành riêng lẻ, khối lượng vốn huy động qua phương thức này chiếm tỷ trọng chủ yếu.
Với xu hướng này, nhiều chuyên gia quan ngại, quy định hiện hành về thời hạn hạn chế chuyển nhượng với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Cụ thể, theo Nghị định 163/2018/NÐ-CP, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Thời gian hạn chế này là quá ngắn. Trong khoảng thời gian này, tình trạng tài chính của tổ chức phát hành có thể có biến động, các nhà đầu tư cá nhân không đủ thời gian và hiểu biết để lường trước các rủi ro có thể xảy ra khi nhận chuyển nhượng.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến đề xuất Nghị định 63/2018/NÐ-CP nên được sửa đổi theo hướng trái phiếu phát hành riêng lẻ phải bị hạn chế giao dịch trong suốt thời hạn của trái phiếu.
Ðồng thời, loại trái phiếu này chỉ được phép chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau, để tránh rủi ro cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Việc luật hóa Nghị định 63/2018/NÐ-CP cũng được kiến nghị nhằm tạo sự thông thoáng cho thị trường trái phiếu phát triển, đồng thời quản lý hữu hiệu hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững.
“Rào” pháp lý theo hướng nào?
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các cơ quan chức năng luật hóa tối đa Nghị định 163/2018/NÐ-CP với phạm vi điều chỉnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.
Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, khi thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), ý kiến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sau khi rà soát thấy nổi lên một số vấn đề mà nếu luật hóa thì có thể gặp một số khó khăn.
Theo đó, cùng một doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng, việc thực hiện nhiệm vụ huy động vốn được quy định ở hai luật khác nhau.
Ðối với việc phát hành cổ phiếu thì theo Luật Doanh nghiệp, nhưng phát hành trái phiếu thì phải tuân thủ Luật Chứng khoán, nên có thể gặp những mâu thuẫn, xung đột.
Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp đã có những quy định liên quan đến việc bán trái phiếu riêng lẻ, nên không cần thiết phải quy định ở Luật Chứng khoán.
Nghị định 163/2018/NÐ-CP mới thi hành được 8 tháng, chưa đánh giá được tác động, nếu đưa vào Luật Chứng khoán lần này thì có thể có hệ lụy.
Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 163/2018/NÐ-CP mở ra tương đối rộng, nên việc bán trái phiếu doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút vốn, nhưng tính rủi ro lại cao.
Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với hoạt động phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động phát hành chứng khoán (trong đó có trái phiếu riêng lẻ) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.
Các nội dung về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tại Nghị định số 163/2018/NÐ-CP sẽ được luật hóa trong Luật Doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của 2 luật đối với 2 loại hình là công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là luật hóa tối đa Nghị định 163/2018, nhưng không có nghĩa là bê toàn bộ Nghị định 163/2018 đặt vào dự thảo Luật Chứng khoản sửa đổi; đồng thời, phải xác định nếu đưa những vấn đề mới vào thì cần phải có đánh giá tác động.
Bởi khi cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng nếu không có quản lý tốt, để doanh nghiệp phát hành tràn lan không kiểm soát được thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đủ sức để quản lý. Ðiều này có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính quốc gia, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ý kiến từ phía cơ quan quản lý thị trường trái phiếu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho rằng, trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng là hàng hóa trên thị trường chứng khoán.
Ðây là nội dung thuộc nhóm chính sách thứ nhất trong đề xuất xây dựng luật.
Việc quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán là phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Mặt khác, việc đưa phát hành trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng sang Luật Doanh nghiệp không thực sự phù hợp, vì luật này không thể quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục phát hành, công bố thông tin, quản lý, giám sát sau khi phát hành để bảo vệ các nhà đầu tư.
Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy chưa đủ điều kiện để luật hóa Nghị định 163/2018 vào Luật Chứng khoán sửa đổi, mà cần phải cân nhắc thêm, nếu có xem xét thì xem xét ở Luật Doanh nghiệp.
CIEM sẽ tổ chức hội thảo để chính sách sát với thực tế
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Ðể có thể luật hóa Nghị định 163/2018/NÐ-CP vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan có liên quan, để nắm bắt thông tin, trên cơ sở đó đánh giá tác động và đề xuất chính sách, cũng như hướng bổ sung nội dung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo phương thúc riêng lẻ vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Chúng tôi đang dự định tổ chức hội thảo để nắm bắt thông tin đa chiều từ nhiều phía, để phục vụ cho việc xây dựng chính sách sát thực tế, đảm bảo tính khả thi.
Các yêu cầu quan trọng đặt ra trong hoàn thiện quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo phương thúc riêng lẻ gồm:
Thứ nhất là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu, để giúp doanh nghiệp giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, qua đó giúp làm mạnh hóa thị trường tài chính. Ðây là định hướng quan trọng để giúp phát triển kênh huy động vốn cổ phần cho doanh nghiệp bên cạnh kênh vốn tín dụng hiện tại.
Thứ hai, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo hài hòa với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ ba, đảm bảo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chuyên nghiệp, minh bạch theo thông lệ quốc tế tốt.
Nếu không thống nhất được thì có thể quy định ở hai luật…
Luật sư Trương Thanh Ðức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico
Việc luật hóa các nội dung tại Nghị định 163/2018 là cần thiết, để đảm bảo cho các quy định pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp thống nhất, đồng bộ.
Nhìn về ngoài, thì phát hành riêng lẻ (đối tượng quản lý của Luật Doanh nghiệp) và phát hành đại chúng (phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán) có một số điểm khác nhau, nên có thể quy định vấn đề này ở hai luật khác nhau nếu cơ quan quản lý chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, xét về bản chất, việc phát hành cho 100 nhà đầu tư (phát hành đại chúng) với phát hành cho 98, 99 nhà đầu tư (phát hành riêng lẻ) chẳng khác gì nhau, nên đòi hỏi từ thực tiễn xây dựng luật thì một vấn đề cần được quy định gọn vào một luật để một đầu mối chịu trách nhiệm, đồng thời dễ thực thi với doanh nghiệp.
Do đó, có thể luật hóa quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ vào Luật Chứng khoán sửa đổi.