'Lười' sinh con, Indonesia sẽ không còn là nước đông dân thứ 4 thế giới?

Tỷ lệ sinh chậm lại đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này sẽ tụt hạng trong bảng xếp hạng các nước đông dân nhất thế giới trong 2 thập kỷ tới. Vào năm 2045, dân số Indonesia dự báo khoảng 324 triệu người, đứng sau cả Nigeria và Pakistan.

Theo Bộ Kế hoạch Quốc gia Indonesia, trong bối cảnh tỷ lệ sinh đang chậm lại, Indonesia sẽ không còn là nước đông dân thứ 4 thế giới vào năm 2045.

Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Kế hoạch Quốc gia Indonesia tiến hành với cơ quan thống kê nước này cho thấy tốc độ tăng dân số của Indonesia sẽ giảm xuống 0,4% vào năm 2045, từ mức 1,17% vào năm ngoái. Điều đó có nghĩa là, trong 22 năm tới, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ là nơi sinh sống của 324 triệu người, đứng sau Nigeria và Pakistan trong bảng xếp hạng nhân khẩu học.

Tỷ lệ sinh ở Indonesia đang chậm lại. Indonesia dự báo sẽ không còn là nước đông dân thứ 4 thế giới vào năm 2045.

Tỷ lệ sinh ở Indonesia đang chậm lại. Indonesia dự báo sẽ không còn là nước đông dân thứ 4 thế giới vào năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Indonesia - Suharso Monoarfa cho biết: Tăng trưởng dân số Indonesia đang chậm lại hàng năm với mức tăng trung bình hàng năm là 0,67% trong giai đoạn 2020-2050.

Điều này phản ánh sự thay đổi lớn về dân số đang diễn ra trên toàn cầu, đặc biệt là khi thu nhập thay đổi và tỷ lệ sinh chậm lại ở các quốc gia có thu nhập trung bình. Trung Quốc "nhường" danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới cho Ấn Độ, trong bối cảnh Bắc Kinh báo cáo dân số nước này giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ vào năm ngoái.

Indonesia đã và đang dựa vào lợi thế "dân số vàng"- tiềm năng tăng trưởng kinh tế từ việc có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao - để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhiều năm qua, Indonesia đã đưa ra một chiến dịch kế hoạch hóa gia đình không chỉ giúp giảm tỷ lệ sinh mà còn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực như y tế, giáo dục và việc làm.

Tỷ lệ người Indonesia trên 65 tuổi ước tính sẽ tăng lên 14,6% vào năm 2045, từ 6,2% vào năm 2020. Tỷ người trong độ tuổi lao động, từ 15 - 64 tuổi, sẽ giảm từ 69,3% xuống 65,8%vào năm 2045.

Ông Monoarfa cho biết: “Cấu trúc dân số đang trải qua những thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu. Chúng ta sẽ có thể phục hồi sau đại dịch và thực hiện quá trình chuyển đổi kinh tế toàn diện và bền vững trong tương lai".

Dân số Trung Quốc suy giảm và thấp kỷ lục gây nhiều tác động lên nền kinh tế toàn cầu

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luoi-sinh-con-indonesia-se-khong-con-la-nuoc-dong-dan-thu-4-the-gioi-169230517110102404.htm