Lưới thép Bình Tây bị xử phạt hơn 450 triệu đồng do vi phạm về môi trường
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định 3643/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Lưới thép Bình Tây (117 Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM).
Theo Quyết định, Lưới thép Bình Tây bị xử phạt 455 triệu đồng do có vi phạm hành chính về môi trường khi thực hiện dự án tại Lô số 07, đường 5C, KCN Nhơn Trạch II, thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với 03 hành vi vi phạm.
Thứ nhất, Lưới thép Bình Tây không có Giấy phép môi trường theo quy định đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường theo quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh.
Công ty đã đi vào hoạt động sản xuất, có nhiều thay đổi trong quy trình sản xuất, xử lý chất thải (đặc biệt là xử lý bề mặt, xi mạ) và cho thuê nhà xưởng từ năm 2019 nhưng không có Giấy phép môi trường theo quy định.
Thứ hai, Công ty bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, cụ thể: Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định (mái tôn bị mục nát, không có biện pháp che chắn và gờ để kiểm soát chất thải, đặc biệt là khi trời mưa gió,...).
Thứ ba, khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường của Công ty tại nhà máy Đồng Nai không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Cụ thế, Công ty bố trí khu vực lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định (các loại chất thải để lẫn lộn, không phân loại, không có biện pháp che chắn và gờ để kiểm soát chất thải,...).
Về hình thức xử phạt bổ sung, Lưới thép Bình Tây không bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có Giấy phép môi trường và không phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc di dới dự án, cơ sở.
Được biết, CTCP Lưới thép Bình Tây chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm: lưới rào B40, dây thép gai, dây mạ, lưới rọ đá, lưới thép hàn, và các sản phẩm theo đơn đặt hàng khác. Tại thời điểm 30/6/2024, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) nắm 40,06% vốn của doanh nghiệp này.