Lười vận động - mối đe dọa thầm lặng đối với sức khỏe
Vận động thể lực là yếu tố cần thiết giúp cơ thể phát triển, các cơ quan, hệ cơ quan hoạt động điều hòa, tăng chuyển hóa, đào thải các chất độc ra bên ngoài. Lười vận động thể lực hay vận động thể lực không đủ có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm.
Ở một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng acid uric máu..., vận động thể lực được xem là một trong ba biện pháp điều trị cơ bản (chế độ ăn - thuốc và vận động thể lực). Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của KT-XH, sự phát triển của các phương tiện phục vụ đời sống, vận động thể lực đang có xu hướng giảm, dẫn đến nguy cơ gia tăng một số bệnh. Lười vận động thể lực đặt người trưởng thành vào nguy cơ mắc các bệnh: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường týp 2, mất trí nhớ, ung thư vú, ung thư đại tràng...
Những con số đáng lo ngại
Tháng 6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo: Năm 2022, có 31% số người trưởng thành trên thế giới (tương đương 1,8 tỉ người) có nguy cơ bị bệnh do vận động thể lực không đủ. Điều đáng lo ngại hơn là xu hướng lười vận động thể lực gia tăng 5% trong giai đoạn 2010-2022. Nếu xu hướng này còn tiếp tục thì đến năm 2030, số người vận động thể lực không đủ sẽ tăng lên 35%.
Điều này sẽ cản trở mục tiêu giảm tình trạng lười vận động thể lực đến năm 2030 của thế giới. Giám đốc WHO đề nghị cần đổi mới cam kết tăng mức độ vận động thể lực là ưu tiên bao gồm mở rộng chính sách và tăng ngân sách để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này.
Lười vận động thể lực ghi nhận chiếm tỉ lệ cao ở các nước có thu nhập cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (48%) và Nam Á (45%). Tỉ lệ người lười vận động ở những khu vực khác dao động từ 28% ở các quốc gia phía Tây đến 14% ở châu Đại Đương. Đáng lo ngại, sự chênh lệch vẫn còn giữa giới và tuổi. Lối sống lười vận động thể lực phổ biến ở nữ hơn nam giới, trên phạm vi toàn cầu, với tỉ lệ lần lượt là 34% và 29%. Tại một số quốc gia, sự chênh lệch này lên đến 20%.
Theo các nghiên cứu trong nước và thế giới, người Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động thể lực. Một nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng thế giới cũng cho thấy, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng với giới văn phòng chỉ khoảng 600 bước mỗi ngày, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước/ngày. Đáng chú ý, có tới 30% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực.
Đẩy lùi mối đe dọa đối với sức khỏe
Có thể nói, lười vận động thể lực là một đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu, góp phần đáng kể tạo gánh nặng bởi mắc các bệnh mạn tính. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra nhiều cách thúc đẩy mọi người hoạt động thể lực nhiều hơn, chú trọng đến các yếu tố như tuổi, môi trường, nền tảng văn hóa..., từ đó giảm một cách đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, các bệnh không lây nhiễm để nâng cao sức khỏe cho người dân, thúc đẩy sản xuất.
WHO khuyến cáo người trưởng thành vận động thể lực 150 phút với cường độ trung bình, hoặc 75 phút cường độ cao hoặc tương đương mỗi tuần. Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia của WHO và các viện nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy tăng cường hoạt động thể lực làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, cải thiện tốt sức khỏe tâm thần.
WHO đề nghị các quốc gia mở rộng chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thể lực ở nông thôn và thành thị: xây dựng các khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng; mở rộng các loại hình thể dục thể thao; xây dựng, cải tạo hệ thống đường giao thông, dành khu vực cho người đi bộ, người khuyết tật tham gia giao thông một cách thuận lợi... Trong quy hoạch phát triển kinh tế, cần bố trí đủ không gian dành cho vận động thể lực, vui chơi giải trí nhưng phải bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Tại Phú Yên, thời gian gần đây, phong trào vận động thể lực phát triển khá mạnh mẽ; các dịch vụ công cộng phục vụ cộng đồng phát triển ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nhiều sân bóng, khu phức hợp thể dục thể thao được đầu tư khá bài bản; hệ thống đường giao thông mở rộng có chú trọng đến nhu cầu của người dân, nhất là phục vụ người khuyết tật. Các sân vận động, khu vui chơi giải trí đều bố trí đường đi bộ thuận lợi, dụng cụ thể dục được lắp đặt ở nhiều công viên trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tập luyện thể dục, thể thao, vui chơi giải trí...
Tuy nhiên, số người tham gia vận động thể lực vẫn còn thấp so với yêu cầu, nhất là ở độ tuổi trưởng thành, người cao tuổi. Vì vậy chúng ta cần có các giải pháp bền vững để nâng cao tỉ lệ người tham gia vận động thể lực hơn nữa, trước mắt là đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích, xã hội hóa trong đầu tư các dịch vụ phục vụ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao.
BS NGUYỄN VINH QUANG