Luôn đồng hành và là chỗ dựa vững chắc cho người làm báo trong bối cảnh báo chí hiện đại đầy thách thức
Trên hành trình phát triển phía trước, cùng với việc kiện toàn tổ chức Hội, củng cố công tác hội viên, nâng cao chất lượng hội viên để họ ngày càng có những đóng góp quan trọng, khẳng định được vai trò của mình trong tổ chức báo chí cũng như trong đời sống xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trước thềm Đại hội XII Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo đều mong muốn Hội tiếp tục phát huy vai trò là “mái nhà chung”, đồng hành và hỗ trợ người làm báo trong bối cảnh báo chí hiện đại đầy thách thức…

Các nhà báo đều mong muốn Hội tiếp tục phát huy vai trò là “mái nhà chung”, đồng hành và hỗ trợ người làm báo trong bối cảnh báo chí hiện đại đầy thách thức…
Nhà báo Hoàng Chiên - Chi hội nhà báo Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt:
“Chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng lên tiếng và hành động mạnh mẽ”
Báo chí luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc phản ánh sự thật và xây dựng dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, người làm báo thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro, áp lực từ nhiều phía. Đôi khi, sự thật bị bóp méo, thông tin bị cản trở, thậm chí là đối diện với những hành vi đe dọa, hành hung.
Với tư cách là một hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, tôi luôn trân trọng những giá trị mà tổ chức mang lại và điều tôi mong mỏi nhất chính là sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm báo. Hội Nhà báo sẽ là chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng lên tiếng và hành động mạnh mẽ khi quyền hành nghề của chúng tôi bị xâm phạm. Một tiếng nói mạnh mẽ và kịp thời từ Hội không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà báo, mà còn tạo ra một niềm tin vững chắc, giúp chúng tôi yên tâm hơn trong công việc, bảo vệ sự thật và lẽ phải, không bị áp lực từ những yếu tố bên ngoài làm lung lay.

Nhà báo Hoàng Chiên - Chi hội nhà báo Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt.
Hơn nữa, tôi kỳ vọng Hội Nhà báo sẽ có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà báo khi gặp khó khăn, rủi ro. Đó có thể là sự hỗ trợ về pháp lý, tư vấn chuyên môn, hay thậm chí là các chương trình bảo vệ thể chất khi cần thiết. Những biện pháp này không chỉ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Hội đối với hội viên, đặc biệt là trong bối cảnh công việc báo chí ngày càng gặp nhiều thách thức.
Tôi tin rằng, khi quyền và lợi ích hợp pháp của người làm báo được bảo vệ một cách đầy đủ, chúng tôi sẽ có thêm động lực để cống hiến hết mình cho nghề, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền báo chí nước nhà. Điều này không chỉ giúp báo chí duy trì được vai trò quan trọng trong xã hội mà còn củng cố niềm tin của công chúng vào sự chính trực và trách nhiệm của người làm báo.
Nhà báo Nguyễn Văn Thắng – Chi hội nhà báo Báo Lao Động:
Tạo không gian cho các nhà báo trẻ thử nghiệm những ý tưởng mới
Để đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức thêm nhiều các khóa đào tạo, tập huấn về các kỹ năng làm báo mới, không chỉ là kỹ năng viết bài truyền thống mà còn bao gồm các kỹ năng làm video, podcast, infographic và sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu. Những kỹ năng này sẽ giúp những người làm báo có thể tạo ra những sản phẩm báo chí hấp dẫn, dễ tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú của độc giả trong kỷ nguyên số.

Nhà báo Nguyễn Văn Thắng – Chi hội nhà báo Báo Lao Động.
Bên cạnh đó, Hội cũng nên tạo ra một không gian để các nhà báo trẻ có thể thử nghiệm những ý tưởng mới. Các chương trình sáng tạo như cuộc thi viết báo, ươm mầm tài năng, hoặc các dự án báo chí khởi nghiệp sẽ giúp khuyến khích các nhà báo trẻ mạnh dạn thử nghiệm những thể loại báo chí chưa từng được khai thác. Điều này không chỉ giúp các nhà báo trẻ phát triển nghề nghiệp mà còn đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nền báo chí Việt Nam.
Ngoài ra, việc kết nối các nhà báo Việt Nam với các đồng nghiệp quốc tế là vô cùng quan trọng. Hội có thể tổ chức các chương trình trao đổi, giao lưu với các tổ chức báo chí quốc tế, giúp các nhà báo Việt Nam có cơ hội học hỏi, cập nhật xu hướng báo chí mới nhất và mở rộng mạng lưới chuyên môn. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí trong nước, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà báo Việt Nam tham gia vào cộng đồng báo chí toàn cầu.
Để báo chí Việt Nam có thể bắt kịp với xu thế phát triển nhanh chóng của thế giới, chúng tôi kỳ vọng Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có thêm sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ báo chí mới. Việc phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu để phát triển các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, hay blockchain trong báo chí sẽ giúp các nhà báo nâng cao chất lượng và tính chính xác của sản phẩm báo chí. Đồng thời, ứng dụng công nghệ vào quy trình làm báo sẽ giúp tối ưu hóa công việc, bảo vệ thông tin và gia tăng tính minh bạch.
Nhà báo Lê Văn Chương - Liên Chi hội nhà báo Báo Biên phòng:
Hỗ trợ người làm báo có những tác phẩm báo chí mang tính nghiên cứu sâu
Tôi hy vọng Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có những cơ chế và chính sách hỗ trợ để người làm báo có thể tạo ra những tác phẩm báo chí mang tính nghiên cứu sâu, đồng thời tôn vinh những nhà báo có những đóng góp xuất sắc cho ngành nghề và các lĩnh vực chuyên môn.

Nhà báo Lê Văn Chương - Liên Chi hội nhà báo Báo Biên phòng.
Hiện nay, một số hội viên nhà báo đã thực hiện những tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về biển đảo, môi trường, văn hóa... và mong muốn in ấn các tác phẩm này thành sách tổng hợp. Tuy nhiên, hiện tại Hội Nhà báo Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, khiến các hội viên phải tự bỏ kinh phí thực hiện. Do đó, tôi mong muốn Hội Nhà báo có thể có chính sách hỗ trợ, ít nhất là về phần in ấn, xuất bản hoặc phát hành sách điện tử.
Ngoài ra, tôi cũng mong Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đổi mới trong việc hợp tác với các cơ quan, đơn vị để cung cấp thông tin cho báo chí. Hiện tại, việc này đối với hội viên còn nhiều khó khăn, trong khi các cơ quan báo chí yêu cầu thông tin phải được cung cấp nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Vì vậy, Hội Nhà báo cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức, và các cấp chính quyền để thực hiện hiệu quả quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Cần có sự phân định rõ ràng giữa người phát ngôn và người cung cấp thông tin, nhằm tạo điều kiện để hội viên nhà báo tiếp cận thông tin một cách sớm nhất và dễ dàng nhất.
Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, tôi cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo cho hội viên về lĩnh vực này. AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các thể loại báo chí và truyền hình, vì vậy hội viên nhà báo cần làm chủ công nghệ này để tận dụng những ưu điểm của nó. Đồng thời, hội viên cũng cần được hướng dẫn rõ ràng về việc nhận diện và ghi chú khi nào tác phẩm sử dụng AI. Ngoài ra, Hội Nhà báo cũng nên cung cấp các hướng dẫn giúp hội viên sáng tạo những tác phẩm báo chí đặc sắc mà trí tuệ nhân tạo không thể sao chép được.
Nhà báo Lê Văn Trường - Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị:
Bồi dưỡng kỹ năng, định hướng tư tưởng
Hội Nhà báo Việt Nam và các địa phương cần tiếp tục chú trọng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, các sân chơi thể dục thể thao, và mở các lớp sinh hoạt, tập huấn nghiệp vụ. Những hoạt động này không chỉ giúp thu hút, tập hợp hội viên mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi và nâng cao trình độ chuyên môn cho người làm báo.

Nhà báo Lê Văn Trường - Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị.
Đặc biệt, việc duy trì các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm báo là rất quan trọng, đặc biệt là đối với đội ngũ nhà báo trẻ. Các khóa học cần tập trung vào các kỹ năng làm báo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), báo chí trong kỷ nguyên 4.0, và báo chí gắn với hội nhập quốc tế.
Song song đó, tổ chức các hội nghị báo cáo viên sẽ giúp đội ngũ hội viên, nhà báo luôn giữ vững bản lĩnh chính trị. Trong bối cảnh hiện nay, khi quá trình sáp nhập và tinh gọn tổ chức đang diễn ra mạnh mẽ, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục định hướng tư tưởng để mỗi người làm báo kiên định lập trường, theo đúng định hướng chung của ngành.
Điều quan trọng là không để những cảm xúc cá nhân chi phối, thể hiện ý kiến chưa thấu đáo qua mạng xã hội. Thay vào đó, mỗi nhà báo cần chủ động nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ để tự làm mới bản thân và cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí của mình. Nhờ đó, mỗi hội viên sẽ có đủ năng lực để bắt kịp xu thế làm báo hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, khi dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ.
Nhà báo Nguyễn Công Nguyên - Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang:
Hướng về nguồn cội, vun đắp tình yêu nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Nhà báo các cấp cần tiếp tục chú trọng hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Hiện nay, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang có một số lượng hội viên đông đảo, vì vậy việc đầu tư vào các tác phẩm báo chí chất lượng cao trở thành vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hoạt động báo chí trong giai đoạn mới.

Nhà báo Nguyễn Công Nguyên - Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang
Tôi mong muốn trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này, với việc triển khai hỗ trợ sớm hơn, có thể từ quý 2 hoặc quý 3 hàng năm thay vì đợi đến cuối năm. Điều này sẽ tạo động lực cho hội viên nghiên cứu, lựa chọn đề tài và thực tế sáng tác.
Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ những tác phẩm dài kỳ, như các tác phẩm báo chí đa phương tiện, báo chí điều tra, phóng sự, ký sự dài kỳ, để tạo sự đa dạng trong các hình thức hỗ trợ và khuyến khích hội viên sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp tập huấn cần được chuyên sâu hơn, phù hợp với từng thể loại báo chí và đặc thù của từng chi hội. Ví dụ, các phóng viên chuyên về media, phóng viên ảnh, phóng viên sản xuất tác phẩm cho các nền tảng mạng xã hội, cần được đào tạo riêng biệt để nâng cao hiệu quả công việc.
Trong bối cảnh hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi nói chuyện về các vấn đề thời sự và những vấn đề dư luận đang quan tâm. Điều này sẽ giúp bồi dưỡng lý luận chính trị cho các nhà báo, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hội viên nhà báo chính là lực lượng cán bộ chính trị của Đảng và đoàn thể, đóng vai trò xung kích trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi hy vọng Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội Nhà báo sẽ tổ chức các hoạt động về nguồn cho hội viên, như thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, tham quan nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Những hoạt động này sẽ giúp mỗi hội viên thêm yêu mến, tin tưởng và trân trọng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Nhà báo Nguyễn Văn Toản – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân:
Xây dựng môi trường báo chí lành mạnh, đề cao đạo đức nghề nghiệp
Chúng ta đang sống trong thời đại mà công nghệ và truyền thông phát triển với tốc độ chóng mặt, khiến cho việc kiểm chứng thông tin trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mỗi thông tin sai lệch hay thiếu kiểm chứng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng, làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với báo chí. Do đó, việc duy trì và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trở thành nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhà báo Nguyễn Văn Toản – Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.
Được đứng dưới mái nhà chung của Hội Nhà báo Việt Nam là một điều vinh hạnh của tôi. Tôi mong muốn Hội sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc xây dựng và duy trì một môi trường báo chí lành mạnh, nơi mà đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, tôi mong muốn Hội sẽ tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền về đạo đức nghề nghiệp, xây dựng và thực thi các quy tắc đạo đức nghề nghiệp một cách nghiêm túc, tạo ra một diễn đàn để các nhà báo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đạo đức nghề nghiệp và phối hợp với các cơ quan báo chí để xây dựng môi trường làm việc đề cao đạo đức nghề nghiệp.
Hơn thế nữa, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần có những chương trình đào tạo chuyên sâu, giúp các nhà báo nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng và tính chính xác của thông tin mà họ truyền tải. Chỉ khi người làm báo thực sự hiểu được vai trò của mình trong việc xây dựng xã hội và bảo vệ sự thật, chúng ta mới có thể tạo ra một nền báo chí vững mạnh, đáng tin cậy.
Khi đạo đức nghề nghiệp được đề cao, báo chí Việt Nam sẽ ngày càng được xã hội tin tưởng và tôn trọng. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của báo chí mà còn góp phần vào việc xây dựng một xã hội minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.