Luôn là địa chỉ tin cậy của bộ đội và nhân dân cả nước

Sáng 30-11, tại Hà Nội, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất; Công bố quyết định đổi tên bệnh viện và gặp mặt kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (1-12-1964 - 1-12-2019).

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thay mặt Đảng, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, ra đời trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ gian khổ và khốc liệt, xuất phát từ thực tế của cuộc chiến tranh, đòi hỏi phải có một chuyên ngành sâu về bỏng để cứu chữa cho thương binh, nhân dân bị bỏng do các loại vũ khí mang tính hủy diệt của đế quốc Mỹ. Xuất phát từ tầm nhìn xa của các lãnh đạo, các thầy thuốc thế hệ đi trước, ngày 1-12-1964, Khoa Bỏng thuộc Viện Quân y 103 được thành lập. Với biên chế ban đầu chỉ có 18 đồng chí, do BS Lê Thế Trung làm Chủ nhiệm khoa.

Đáng tự hào, mặc dù mới thành lập và trong giai đoạn chiến tranh tàn khốc, nhưng Khoa Bỏng Viện Quân y 103 đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong việc cấp cứu điều trị cho thương binh và nhân dân bị bỏng. Nhiều kỹ thuật điều trị bỏng hiện đại như cắt lọc hoại tử, ghép da dị loại, đồng loại, da tự thân đã được áp dụng. Trong điều kiện khó khăn ác liệt của chiến tranh, thiếu thốn mọi bề, nhưng các thầy thuốc khoa bỏng đã sớm nghiên cứu, áp dụng nhiều bài thuốc, vị thuốc từ cây cỏ, thảo dược tự nhiên sẵn có ở Việt Nam trong điều trị toàn thân và tại chỗ vết thương bỏng, trở thành một trong những đơn vị có truyền thống và bề dày kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền có hiệu quả cao...

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại trên cả nước, Khoa Bỏng Viện Quân y 103 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị bỏng trong thời bình cho quân đội và nhân dân; nghiên cứu khoa học chuyên ngành và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về bỏng cho cả nước.

Đứng trước tình hình thực tiễn và nhu cầu bức thiết cần phải có một đơn vị đầu ngành về chuyên ngành bỏng cho cả nước để chỉ đạo, hướng dẫn phát triển chuyên ngành bỏng, ngày 25-4-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập Viện Bỏng quốc gia mang tên Lê Hữu Trác trên cơ sở Khoa Bỏng Viện quân y 103 thuộc Học viện Quân y. Đây là mô hình kết hợp quân dân y ở trình độ cao.

Viện Bỏng quốc gia trở thành bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa bỏng của cả nước, là một trong hai bệnh viện thực hành của Học viện Quân y, với các nhiệm vụ chính như: nghiên cứu các phương pháp phòng và chống bỏng, xử lý bước đầu tại tuyến cơ sở; theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật chuyên khoa bỏng trong cả nước; khám và điều trị bỏng cho nhân dân và quân đội, cũng như các di chứng bỏng do các bệnh viện tuyến dưới gửi lên; hợp tác về khoa học thuộc lĩnh vực chuyên khoa bỏng với các bệnh viện, viện nghiên cứu trong nước, ngoài nước và các tổ chức y tế thế giới theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế...

Từ ngày thành lập cho đến năm 2000, trung bình mỗi năm, Viện đã thu dung, cấp cứu và điều trị từ 3.000 đến 4.000 người bệnh bỏng và di chứng bỏng. Từ năm 2000 đến nay, Viện đã thu dung điều trị cho hơn 70 nghìn người bệnh gồm người bệnh bỏng, sẹo di chứng sau bỏng, phục hồi chức năng, vết thương mạn tính và hơn 30 nghìn người bệnh bỏng nặng và rất nặng.

Trong 5 năm trở lại đây, số lượng người bệnh đến Viện có xu hướng tăng hơn, trung bình hằng năm thu dung hơn 6.000 người bệnh bỏng. Trong số này có nhiều người bệnh nước ngoài. Hầu hết các người bệnh điều trị tại Viện là người bệnh bỏng mức độ vừa, nặng và rất nặng như bỏng hô hấp, tiêu hóa và bỏng hàng loạt do thảm họa cháy nổ...

Đáng mừng, trong 10 năm trở lại đây, chất lượng điều trị bỏng tại Viện Bỏng đã có những thay đổi to lớn và toàn diện. Nếu như trước năm 1980, tỷ lệ tử vong ở người bệnh bỏng thường dao động từ 8% đến 10%, thậm chí có giai đoạn lên tới từ 14% đến 15%, thì trong 10 năm qua tỷ lệ tử vong do bỏng đã được giảm xuống khoảng từ 3% đến 4%, nhất là những năm gần đây chỉ từ 1,5% đến 2%.

Bên cạnh nhiệm vụ điều trị người bệnh, trong 55 năm qua, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã hoàn thành hơn 200 đề tài khoa học các cấp và hơn 50 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Các kết quả nghiên cứu khoa học, cải tiến luôn mang tính thực tiễn cao được áp dụng vào điều trị và đào tạo, qua đó giảm ngày nằm điều trị, hạ thấp tỷ lệ tử vong, giảm chi phí cho người bệnh trên cả nước...

Với những thành tích đạt được trong 55 năm qua, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã được Đảng, Nhà nước tặng các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1989); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2007); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2011); Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Gia Tiến cho biết thêm, trước đòi hỏi chuyển đổi về tính chất, quy mô của Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, đồng thời phù hợp sự phát triển chung của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay và tương lai, ngày 3-7-2019, Bộ trưởng Quốc phòng ban hành Quyết định số 2768/QĐ-BQP về việc đổi tên Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác thành Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Đây là cơ sở, là tiền đề để Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác phát triển thành bệnh viện chuyên khoa đặc biệt, nhằm đáp ứng những đòi hỏi cao hơn của bộ đội và nhân dân cả nước trong tình hình mới.

Tin và ảnh: THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/42421902-luon-la-dia-chi-tin-cay-cua-bo-doi-va-nhan-dan-ca-nuoc.html