Lưỡng đảng vẫn bất đồng sau hạn chót, nền kinh tế Mỹ lâm vào viễn cảnh u ám
'Đà phục hồi kinh tế đang chững lại', ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, gần đây chia sẻ với Fortune.
Tối ngày 19/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra hạn chót 48 giờ để lưỡng đảng Mỹ cùng thảo luận về gói cứu trợ COVID-19 tiếp theo. Tuy nhiên, hạn chót nay đã kết thúc mà hai bên chưa đi đến thỏa thuận nào và tình cảnh của nền kinh tế Mỹ khó có thể khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm.
Cũng chính bởi đã quá hạn chót nên các chuyên gia nhận định phải đến ngày 20/1 năm sau (tức ngày nhậm chức của tổng thống Mỹ tiếp theo) thì nước Mỹ may ra mới có một gói cứu trợ khác. Khi kì vọng về gói kích thích tài khóa mới giảm dần trước thềm ngày bầu cử 3/11, các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ đều mất điểm trong phiên giao dịch ngày 21/10.
Tổng thống Trump đã tức tối đăng tweet ngay sau thông tin này: "Không thấy bất kì dấu hiệu nào chỉ ra Nancy Pelosi và Chuck Schumer sẵn sàng thông qua gói cứu trợ vì người dân Mỹ, vì nước Mỹ tuyệt vời của chúng ta. Họ chỉ quan tâm cứu trợ cho các chính quyền địa phương của phe Dân chủ, mà đám này điều hành rất kém cỏi và có tỉ lệ tội phạm cao ngất ngưởng. Đáng lẽ ra họ nên chăm sóc người dân Mỹ, người dân đâu có tội tình gì khi mà COVID-19 là căn bệnh đến từ Trung Quốc!", ông Trump tiếp tục.
Được biết bà Pelosi và ông Schumer là hai nhà lãnh đạo cấp cao của đảng Dân chủ, đang lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch Hạ viện và Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện.
Đảng Dân chủ Hạ viện của bà Pelosi đề xuất gói cứu trợ trị giá 2.200 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn trong đại dịch. Nhà Trắng đưa ra đề xuất 1.800 tỉ USD và ông Trump khẳng định ông có thể chi nhiều hơn.
Song, ông Mitch McConnel, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện, cho biết ông đã khuyên Nhà Trắng không nên thống nhất thỏa thuận với bà Pelosi trước ngày bầu cử. Ông McConnell cảnh báo phần lớn thành viên Đảng Cộng hòa không nhất trí với đề xuất cứu trợ quá lớn của Đảng Dân chủ Hạ viện.
Sau khi hạn chót 48 giờ kết thúc mà không có thỏa thuận, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin phải đàm phán lại vào ngày 22/10 (theo giờ Mỹ).
Hệ quả khi không có gói cứu trợ mới ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động Mỹ khi họ mất đi trợ cấp bổ sung, doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản trên diện rộng và quá trình phục hồi của thị trường lao động cũng như nền kinh tế đều mờ mịt.
Theo ông Brett Ryan, chuyên gia cấp cao về kinh tế Mỹ tại Deutsche Bank, việc không có một dự luật kích thích kinh tế bổ sung trong năm nay có thể tác động tiêu cực đến thu nhập của người lao động. Hơn 25 triệu người Mỹ đang được hưởng một số dạng trợ cấp thất nghiệp. Nếu không có một gói kích thích mới, người lao động khó có thể nhận thêm các trợ cấp thất nghiệp bổ sung. Trước khi chương trình cũ hết hạn vào cuối tháng 7, người lao động thất nghiệp nhận được 600 USD trợ cấp thất nghiệp hàng tuần bên cạnh mức trợ cấp mà chính quyền các bang thường chi trả.
Rõ ràng, việc lưỡng đảng Mỹ không thông qua một gói cứu trợ mới trước thềm bầu cử tổng thống không đồng nghĩa rằng họ sẽ không duyệt bất kì thỏa thuận nào. Nhưng trong tình hình hiện nay, các nhà kinh tế như ông Ryan dự đoán phải đến đầu năm sau, có thể là tháng 2, Mỹ mới có thêm trợ cấp COVID-19.