Lương đủ sống, chẳng ai muốn ở lại nhà máy tăng ca
Thay vì giờ làm thêm tính bằng 150% so với ngày thường, cần phải tính lũy tiến giờ thứ hai trở đi mức cao hơn.
Có hiệu lực kể từ ngày 1-4-2022, Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 đã tăng giới hạn thời gian làm thêm tối đa trong tháng và trong năm so với quy định tại Bộ luật Lao động 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo đó, người sử dụng lao động khi có nhu cầu được phép tăng giờ làm thêm với người lao động (NLĐ), nếu có sự đồng ý của họ. Thời gian làm thêm tối đa 60 giờ/tháng, không quá 300 giờ/năm.
Rã rời tăng ca
Trước việc tăng giờ làm thêm đã có luồng ý kiến cho rằng đây là… tin vui. Tuy nhiên, công nhân và các chuyên gia về lao động - việc làm cho rằng cực chẳng đã, do lương tối thiểu thấp không đủ sống nên NLĐ mới tăng ca để bù đắp. Nay tăng giờ làm thêm, đồng nghĩa thời gian chăm lo cho gia đình, con cái và vui chơi thu hẹp, thậm chí không còn thời gian để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Với công nhân lớn tuổi trong ngành dệt may, giày da, chế biến thủy sản, tăng ca nhiều khiến sức khỏe họ giảm sút do ngồi, đứng thao tác làm việc quá lâu trong thời gian dài trong một ngày làm việc.
Nói về thời gian tăng ca, anh Nguyễn Hưng, công nhân cơ khí, giãi bày vợ chồng anh làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) gần 10 năm nay. Đợt dịch vừa rồi bùng phát, hai vợ chồng được tỉnh Quảng Bình hỗ trợ vé tàu để về quê sinh con. Nay vợ chồng anh quay lại TP.HCM tiếp tục công việc. Anh cho hay vợ mình làm công nhân giày da những thời điểm công ty có đơn hàng gấp, công ty tăng ca liên miên, về đến nhà luôn trong tình trạng mệt mỏi, một phần áp lực tăng ca và chăm con nhỏ.
Theo anh, dù thời gian tăng ca nhiều nhưng thu nhập vợ anh tròm trèm 7 triệu đồng. Còn với công việc nặng nhọc như anh, tăng ca rất mệt nhưng mức lương tăng ca chỉ tính một mức, không đủ bù đắp hao tổn sức lao động bỏ ra. “Nếu lương đủ sống thì vợ chồng em không tối mặt tăng ca để tối mịt mới tất tả về đón con. Nay thời gian tăng ca tiếp tục tăng lên 60 giờ/tháng, thực sự nói công nhân vui là vui trong nước mắt và mồ hôi đổ ra nhiều hơn” - anh chạnh lòng.
Không cào bằng cách tính giờ làm thêm
Đề cập đến vấn đề tăng thời gian làm thêm lên 60 giờ/tháng, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng các nhà máy không ngừng mở rộng công suất nhưng lực lượng lao động không tăng thêm, do vậy tăng thời gian làm việc là giải pháp ít tốn kém nhất đối với doanh nghiệp (DN) vì không phải tăng thêm quỹ lương quá lớn, chưa kể không phải đóng BHXH cho lực lượng lao động tuyển mới và đội ngũ quản lý.
“Giai cấp vô sản đã đấu tranh để giành ra 8 tiếng làm việc, 8 tiếng nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi, chưa kể xu hướng thế giới đang giảm giờ làm để tăng thời gian thụ hưởng cuộc sống. Thậm chí có nước giảm còn 35 giờ làm/tuần. Cùng đó, có sự khập khiểng giờ làm của cán bộ, công chức làm 40 giờ/tuần; còn NLĐ làm 48 giờ/tuần. Như vậy, so với Bộ luật Lao động 2019, giờ làm thêm hiện tăng thêm 180%, từ 40 giờ lên 60 giờ/tuần. Đành rằng sau đại dịch DN thiếu lao động nhưng cần tính toán đến lợi ích của NLĐ. Đó là thay vì giờ làm thêm tính bằng 150% so với ngày thường, cần tính lũy tiến giờ thứ hai trở đi mức cao hơn. Chẳng hạn, nếu lấy mức chuẩn 200 giờ làm thêm/năm mức 150%, từ 201 giờ là 200%...” - ông Chính nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chuyên gia về lao động và tiền lương, cũng cho rằng làm thêm giờ đáp ứng nhu cầu của DN giải quyết đơn hàng gấp trong giai đoạn ngắn hạn, làm việc với cường độ cao. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ bất ổn, ảnh hưởng đến sức khỏe, nòi giống và tinh thần của NLĐ nên cần phải nghiên cứu đầy đủ để chăm lo tốt hơn cho họ. Còn phía NLĐ cần làm thêm để tăng thu nhập do nền lương tối thiểu thấp.
Theo ông Huân, lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là câu chuyện dài, đeo đuổi bấy lâu nay. Tuy nhiên, hai năm qua do đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống nên việc điều chỉnh lương bị nén lại, thay vì theo lộ trình điều chỉnh hằng năm. “Cần điều chỉnh lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho NLĐ nhưng tăng bao nhiêu cần tính toán kỹ lưỡng” - ông Huân kiến nghị.
Nói về nền lương tối thiểu mức thấp, chưa đáp ứng mức sống của NLĐ, chưa nói đến dư dả, ông Huân nhìn nhận chi phí nhân công nằm trong cấu thành mặt bằng tổng chi phí để DN tính toán có nên đầu tư hay không. Như vậy, thời gian với mặt bằng lương là một lợi thế cạnh tranh nên các nhà đầu tư nhảy vào Việt Nam nhưng về lâu dài cần có sự tính toán để thu hút đầu tư có lựa chọn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/luong-du-song-chang-ai-muon-o-lai-nha-may-tang-ca-1052192.html