Lương duyên nghệ thuật và đời sống
Ngoài 40 tuổi, chưa khi nào niềm đam mê hội họa vơi bớt trong chị, có những đêm thức đến sáng chỉ để đau đáu 'khai thông' cho một bức họa còn những hạt màu li ti chưa ưng ý. Đó là nữ họa sỹ Hiền Lương, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Theo đề nghị của phóng viên về việc chụp ảnh minh họa cho bài viết nên cuộc hẹn đầu tiên của tôi được nữ họa sỹ Hiền Lương, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh bố trí tại giảng đường tầng 4 trong tiết giảng mỹ thuật cho sinh viên năm thứ 3, Khoa Mầm non, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai - nơi họa sỹ công tác.
Nhìn thoáng qua, phòng học mỹ thuật rộng rãi nhưng có lẽ là nhiều đồ vật nhất trong các môn học, bởi những tủ tường trưng bày hàng trăm mẫu đất nặn, các sản phẩm cắt dán, thủ công, cắm hoa. Phía cuối lớp học là nhiều giá vẽ với các bức họa mẫu bằng tranh sơn dầu; sản phẩm điêu khắc là những bức nhân tượng bằng thạch cao trắng. Trên bục giảng, giảng viên môn mỹ thuật Hiền Lương say sưa nói về vẻ đẹp, nội dung nghệ thuật, ý nghĩa giáo dục, chính trị của bức họa “Bác Hồ với đồng bào vùng cao”. Thời gian còn lại của tiết học, giảng viên cho sinh viên thực hành môn làm tranh bằng việc xé, dán giấy màu, dòng tranh đơn giản, dễ chuẩn bị chất liệu, dễ thực hiện. Chỉ tay vào những sinh viên đang cặm cụi sáng tạo một cách nghiêm túc, họa sỹ Hiền Lương bảo: Các em đang thực hành kỹ năng, kiến thức mỹ thuật, cách tạo hình cơ bản nhất nhưng rất quan trọng đối với giáo viên mầm non, vì chỉ giáo viên hiểu về mỹ thuật mới định hướng, khơi gợi cảm hứng, nuôi dưỡng tâm hồn hội họa ngay từ những “hạt mầm” là các bé ở độ tuổi mầm non.
Sau tiết giảng, họa sỹ Hiền Lương dành cho phóng viên quãng thời gian vừa đủ để biết thêm về mối “lương duyên” giữa đời sống và nghệ thuật hội họa. Họa sỹ Hiền Lương quê ở thành phố Hải Phòng, vốn đam mê với nghệ thuật hội họa từ thủa ấu thơ, cũng bởi thế mà khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị đã lựa chọn ngôi trường sư phạm, chuyên ngành mỹ thuật để sau này vừa có cơ hội tìm việc làm, vừa “giữ lửa” với cọ, màu, khung, giá vẽ. Trong quá trình công tác, chị còn học tập, phấn đấu để có tấm bằng thạc sỹ tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. “Nghệ thuật không có tuổi”, họa sỹ Hiền Lương khẳng định như thế khi ứng với chính mình.
Ngoài 40 tuổi, chưa khi nào niềm đam mê hội họa vơi bớt trong chị, có những đêm thức đến sáng chỉ để đau đáu “khai thông” cho một bức họa còn những hạt màu li ti chưa ưng ý. Họa sỹ Hiền Lương bảo, ngoài giờ giảng trên giảng đường đại học, chị dành phần lớn thời gian cho sáng tác, cho việc lang thang đây đó để dung nạp thêm chất liệu đời sống trong các bức họa. Ngôi nhà của gia đình được thiết kế thêm tầng thứ ba cũng chỉ để phục vụ chị vẽ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.
Ngoài công tác chuyên môn, niềm đam mê mỹ thuật, chị Hiền Lương còn nhiệt thành với công tác hội, đặc biệt là từ khi chị giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Chi hội Mỹ thuật tỉnh hiện có 17 hội viên, 5 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có những họa sỹ tên tuổi đã vượt ra ngoài tỉnh, khu vực như các họa sỹ Đỗ Chung, Nguyễn Lê, Hiền Lương... Đó là những “bóng cả” dẫn dắt, cổ vũ phong trào sáng tác nghệ thuật trong các hội viên mỹ thuật tỉnh Lào Cai. Trung bình mỗi năm, các hội viên có 50 tác phẩm dự thi các triển lãm khu vực, triển lãm chuyên đề toàn quốc, trong đó có những tác phẩm đã đoạt giải ở cấp độ khác nhau.
Họa sỹ Hiền Lương cho rằng số lượng hội viên cấp tỉnh, cấp trung ương của Lào Cai đông hơn nhiều tỉnh trong khu vực đã phần nào phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của tỉnh. Ngoài ra, Lào Cai còn là miền đất hội tụ nhiều tài năng, nơi có kho tàng văn hóa đậm đà, giàu bản sắc, có lịch sử dân tộc hào hùng, có những thắng cảnh thiên nhiên đẹp, đó là nguồn cảm hứng, chất liệu vô tận nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sỹ.
Họa sỹ Hiền Lương chưa bao giờ thỏa mãn với những thành tích và hoạt động phong trào của các hội viên và Chi hội Mỹ thuật, trăn trở lớn nhất của chị tới nay vẫn là Lào Cai có nhiều tài năng nhưng chưa ai thực sự “sống khỏe” hoàn toàn từ hội họa. Lào Cai vẫn thiếu những họa sỹ bán được tranh hoặc mở Gallery “ăn khách”, họ vẫn phải dựa chủ yếu vào “nghề tay phải” để nuôi đam mê “tay trái” như mối lương duyên, biện chứng giữa đời sống và nghệ thuật. Lương duyên ấy mãi tồn tại khi vẻ đẹp của thế giới, cái đẹp trong tâm hồn nghệ sỹ vẫn mãi như một thực thể vĩnh hằng.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363697-luong-duyen-nghe-thuat-va-doi-song