Lương hưu được điều chỉnh liên tục
Lương hưu giúp người lao động bảo đảm khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Từ năm 1995 đến...
Năm 1995, ông Đinh Thế Phong - ngụ thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - nhận quyết định nghỉ hưu sau nhiều năm công tác tại Phòng Tài chính huyện Quảng Trạch. Lúc này, ông nhận mức lương hưu chỉ 370.000 đồng/tháng. Với mức lương này, ông từng nghĩ sẽ khó bảo đảm cuộc sống sau này.
Lương hưu tăng gần 10 lần
Sau 22 lần điều chỉnh lương hưu, đến nay, lương hưu của ông Đinh Thế Phong cũng tăng liên tục. Tính đến thời điểm hiện tại, ở tuổi 78, mức lương hưu của ông Phong hơn 3,4 triệu đồng/tháng. "So với thời điểm ban đầu, lương hưu của tôi đã tăng lên gần 10 lần. Với mức lương này, tôi tạm đủ trang trải cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức chi trả 95%. Tôi rất thoải mái vì không trở thành gánh nặng cho con cái" - ông Phong chia sẻ.
Bà Lý Hoàng Minh, Phó trưởng Phòng Hưu trí - Ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam, cho biết mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Đặc biệt, trong 2 năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1-1-2022. Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1-1-1995, nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% trên nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng. "Qua đó, chúng ta có thể thấy nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu…" - bà Minh nói.
Gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu
BHXH Việt Nam cho biết hiện cơ quan này đang thực hiện chi trả cho khoảng gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỉ đồng/tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng). Qua đó cho thấy, lương hưu là mức thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống cho người hưởng. Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Theo bà Lý Hoàng Minh, thời gian qua, cơ quan BHXH đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng, cho những người hưởng lương hưu mắc bệnh hiểm nghèo, nan y bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe. Không những thế, trong thời gian hưởng lương hưu, nếu không may qua đời thì thân nhân còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi… "Lương hưu là chỗ dựa vững chắc cho người hết tuổi lao động. Điều này được chứng minh rõ nét trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, đặc biệt là 2 năm qua khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống khi không có thu nhập…" - bà Minh lý giải.
Đại diện BHXH Việt Nam cho hay hệ thống chính sách pháp luật BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Trước thực trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện... Việc đề xuất sửa đổi Luật BHXH lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, cũng chính là đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.