Lương hưu thấp lè tè không đủ sống

Với lương hưu chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng, người lao động không đủ trang trải cuộc sống nên mới làm đơn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Ngày 9/5, tại Khu Công nghệ cao TPHCM, Công đoàn viên chức TPHCM đã tổ chức chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề: “Bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp và người lao động”, nhằm trao đổi về thực trạng công tác bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các đơn vị và góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2023.

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam phát biểu

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam phát biểu

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam, nơi có hơn 3.000 CN cho rằng: Người lao động cảm thấy đang bị sức ép “kép” từ nhà nước nên muốn rút BHXH một lần. Theo ông, Luật Lao động tăng tuổi nghỉ hưu, Luật BHXH giảm số năm đóng BHXH. Trong khi lao động lớn tuổi thường bị doanh nghiệp (DN) tìm mọi cách cho nghỉ việc nên không thể giảm số năm đóng để đạt mục đích như mong muốn.

Ông Hồng cũng trăn trở khi lương hưu đang thấp lè tè không đủ sống. Trong khi lương tối thiểu là 4,680 triệu đồng/tháng thì lương hưu nhận về sau thời gian 20 năm làm việc, cống hiến chỉ từ 2-3 triệu đồng/tháng. “Nên chăng cần có quy định về lương tối thiểu cho lương hưu” – ông Hồng đề xuất.

Bà Phạm Thị Hồng Yến – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Việt Nam cho rằng, lương hưu tối thiếu là để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu muốn duy trì và khuyến khích lao động tham gia BHXH thì đây là thời điểm cần xem xét lại.

Người lao động làm thủ tục nhận BHXH tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM

Người lao động làm thủ tục nhận BHXH tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM

Theo bà Yến, nếu mức lương tối thiểu để người lao động về hưu bằng mức lương tối thiểu vùng, tin rằng sẽ chẳng có ai muốn rút BHXH một lần. “Tuy nhiên thực tế lương hưu chỉ nhận được từ 2-3 triệu đồng. Đó là lý do nhiều người muốn rút BHXH, vì với số tiền nhận được còn có thể kinh doanh, buôn bán nhỏ để sinh sống… Lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu, chúng ta trả thấp hơn mức đó thì làm sao người lao động an tâm để trông chờ vào việc nhận lương hưu” – bà Yến lý giải.

Tiếp thu những góp ý của đại diện công đoàn các DN, ông Trần Dũng Hà – Phó giám đốc BHXH TPHCM cho biết, mục tiêu cơ bản của BHXH là giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động, để họ có thu nhập ổn định hàng tháng. Thành phố đã có văn bản tham gia góp ý Luật BHXH gửi các đơn vị liên, cơ quan BHXH TPHCM sẽ tiếp tục đưa các kiến nghị của DN khi tham gia góp ý luật.

Ông Dũng cũng cho rằng, quyền lợi của BHXH ngày càng có lợi, mở rộng quyền lợi cho người lao động hơn nhưng vấn đề là điều kiện, quy trình thụ hưởng ngày càng chặt chẽ, tiệm cận đến xu thế chung.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luong-huu-thap-le-te-khong-du-song-post1532763.tpo