Lượng khách quốc tế sẽ phục hồi bằng với mức trước dịch
Trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp lữ hành ghi nhận lượng khách quốc tế gia tăng ấn tượng. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch lạc quan đạt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng thời điểm trước Covid-19.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 98,5% so với khi chưa xảy ra Covid-19.
Ghi nhận tại Vietravel, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, doanh nghiệp phục vụ số lượng khách quốc tế tăng 175% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, tăng trưởng nhiều ở khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Ấn Độ.
Còn tại Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist), so với cùng kỳ năm trước, dịp Tết Nguyên đán năm nay ghi nhận lượt khách quốc tế tăng trưởng 30 - 50%. Trong đó, tăng nhiều nhất là nhóm khách Đài Loan do du khách đến từ thị trường này cũng có kỳ nghỉ Tết tương tự Việt Nam, nên rất thuận lợi để sắp xếp thời gian đi du lịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng trưởng khách đến từ Hà Lan, Ấn Độ và Philippines…
Mặc dù tình hình kinh tế còn không ít khó khăn, tác động đến hoạt động mua sắm, vui chơi giải trí của người dân, nhưng nhìn chung, những ngày đầu năm mới, ngành du lịch đã chứng kiến tín hiệu tích cực, nhiều doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận lượng khách gia tăng.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt thông tin, thống kê của doanh nghiệp về các điểm đến được nhiều du khách lựa chọn nhất là liên tuyến Hà Nội kết nối Đông và Tây Bắc. Riêng du khách lựa chọn tour ngắn ngày thường ưu tiên các hành trình nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Hội An…
“Trong những ngày Tết Nguyên đán, doanh thu mảng inbound của doanh nghiệp tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 60/40 so với mảng outbound. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách ở các thị trường đều tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023”, ông Vũ chia sẻ.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, ông Trần Tường Huy đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Việt Nam, là thành quả của chính sách thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu du lịch, cũng như nỗ lực của Chính phủ, người dân trong thực hiện quảng bá, xúc tiến thời gian qua.
“Với khởi đầu thuận lợi như vậy, cùng nỗ lực của cộng đồng du lịch Việt Nam, sự cầu thị của Chính phủ, cộng với tiềm năng du lịch và chính sách quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, tôi tin rằng, mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024 hoàn toàn đạt được”, ông Huy nói.
Về “khẩu vị” của du khách, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Du lịch quốc tế BenThanh Tourist, khách có xu hướng ưu tiên các chương trình tour giá tiết kiệm và đi theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình, bạn bè. Do đó, để có thể mang tới những sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn, BenThanh Tourist đang áp dụng chiến lược tiếp thị linh hoạt, tập trung khai thác các công cụ trực tuyến như website, fanpage, mạng xã hội… để tiếp cận trực tiếp tới khách hàng và giảm thiểu chi phí cho khâu trung gian.
Với Du lịch Việt, ngoài các thị trường inbound và các tuyến tour có thế mạnh sẵn, năm 2024, doanh nghiệp này đã làm mới nhiều chương trình truyền thống theo tiêu chí sát nhất với xu hướng mới như: du lịch gắn với thiên nhiên, cộng đồng, MICE… dành cho các nhóm khách gia đình, tổ chức.
Tuy nhiên, thị trường du lịch năm 2024 vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, từ sự bất ổn chính trị và kinh tế, đến giá xăng dầu tăng, giá vé máy bay tăng cao, một số chuyến bay phải bay vòng hoặc nối chuyến, khiến chi phí bị đội lên khá nhiều. Do đó, để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, tiếp tục hoàn thiện chính sách nhập cảnh cho khách nước ngoài có mục đích du lịch.
“Đối với chính sách visa, cần cân nhắc đến việc miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (6 - 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 - 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đề xuất.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quảng bá để du khách quốc tế biết đến Việt Nam là quốc gia thân thiện, đậm đà bản sắc dân tộc, ẩm thực hấp dẫn, đa dạng và là điểm đến an toàn.