Lương không đủ sống, giảng viên phải làm cả 'cò' bất động sản
Một số trường đại học lo ngại trước tình trạng giảng viên lương không đủ sống, phải đi làm thêm ngoài, làm xao nhãng công việc chuyên môn, giảm chất lượng đào tạo.
Nêu ý kiến về thực trạng đời sống, thu nhập của giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học, TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn trường Đại học Nha Trang nêu thực trạng, hiện nay lương công việc của giảng viên, người lao động trong các trường đại học lớn, chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn.
Từ đó dẫn đến hệ quả không ít giảng viên, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, để đủ trang trải cuộc sống, nhiều giảng viên dành nhiều thời gian, tâm huyết làm việc khác ngoài công việc chính, như: bán hàng online, bất động sản...
"Công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo rất nhiều", ông Đạo lo ngại.
Do đó, ông đề xuất nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Dẫu biết đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác.
Ông cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho giảng viên, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học nâng cao chuyên môn với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10 - 20 năm), phương thức trả nợ vay.
Ông Đinh Ngọc Thắng, trường Đại học Sư phạm Vinh cũng trăn trở kiến nghị Bộ GD&ĐT và các bộ ngành cần các chủ trương, quyết sách lớn gắn liền với sứ mệnh của những người đã lựa chọn nghề giáo. Bởi, hiện nay, những người lựa chọn nghề giáo đang gặp khó khăn, trở ngại trong đó có áp lực nghề nghiệp, áp lực thu nhập.
Lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các trường, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động ở các trường đại học cần tính toán để đảm bảo cuộc sống.
"Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 đã nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập", Bộ trưởng Sơn nêu.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, hơn 200 ý kiến của giảng viên, người lao động trong các trường đại học gửi ý kiến đến chương trình đối thoại với Bộ trưởng GD&ĐT ngày 15/8.
Trong nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách đối với giáo dục đại học, số đông các ý kiến phản ánh thu nhập của giảng viên các trường đại học. Đặc biệt là lương giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng thầy cô không yên tâm công tác.
Hiện tượng giảng viên có trình độ cao bỏ việc ở trường công, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn đang diễn ra ngày càng nhiều…
Bên cạnh đó, các ý kiến giảng viên bày tỏ mong muốn có phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chuyển sang làm cán bộ quản lý; chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học.
Từ những ý kiến trên, các giảng viên đề nghị sửa đổi một số điểm của Thông tư 08 về tính chế độ cho cán bộ công đoàn cơ sở giống như tính phụ cấp của tổ trưởng chuyên môn nhằm động viên cán bộ công đoàn trong các trường học.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/luong-khong-du-song-giang-vien-phai-lam-ca-co-bat-dong-san-ar812978.html