Lượng nước đổ về hồ Dầu Tiếng tăng mạnh
Ngày 13/11, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, mực nước hồ Dầu Tiếng tính đến ngày 13/11 đạt cao trình 24,48 m, ở mức báo động III.
Lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Dầu Tiếng đang tăng mạnh, khoảng từ 400 - 600 m3/s, mực nước hồ tăng trung bình từ 5 - 7 cm/ngày (có thời điểm tăng 14 cm/ngày), lưu lượng xả lũ hiện đang ở mức khoảng 200 m3/s.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, công ty đã xây dựng các phương án vận hành, đảm bảo an toàn cho công trình và đảm bảo ba mục tiêu: an toàn cho đập hồ chứa nước, an toàn cho vùng hạ du; đảm bảo được nguồn nước để phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên toàn bộ hệ thống; chủ động dung tích chứa phòng lũ, cân đối lưu lượng xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du của Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ 7 giờ ngày 10/11/2023 trở đi, mọi hoạt động trên hệ thống Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa phải duy trì thực hiện nghiêm theo quy chế trực ban phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai (ban hành theo Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ) ở mức báo động III.
Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam đã yêu cầu Phòng Quản lý nước và công trình tăng cường công tác quan trắc khí tượng thủy văn, trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định; phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh, các đài khí tượng thủy văn khu vực để tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ huy công tác vận hành, điều tiết hồ chứa nước Dầu Tiếng kịp thời.
Đội Bảo vệ hồ Dầu Tiếng tăng cường phối hợp với lực lượng Công an làm nhiệm vụ thường trực tại các vị trí đã được phân công, kiểm tra, quan trắc, tuần tra, bảo vệ các hạng mục công trình theo quy định, nhất là khu vực trấn xả lũ, đập chính, đập phụ Suối Đá, đập phụ Bầu Vuông, nghiêm chỉnh thực hiện chế độ báo cáo kịp thời.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam Trần Quang Hùng cho biết, để chủ động với tình hình mưa trên diện rộng và cường độ lớn, Công ty đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi Tây Ninh rà soát lại những điểm liên quan đến trục tiêu thoát nước giữa hạ tầng thủy lợi của công ty và các địa phương; cho trục vớt rác, nạo vét, khơi thông dòng chảy tạo hành lang thoát lũ an toàn. Công ty khuyến cáo người dân ở vùng hạ du chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, có bờ bao an toàn…
Để đảm bảo hành lang thoát lũ trên sông Sài Gòn khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Thủy lợi miền Nam đề nghị, UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch hệ thống đê bao phòng lũ, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các hoạt động nằm trong phạm vi hành lang thoát lũ theo phương án ứng phó thiên tai và tình huống khẩn cấp hồ chứa nước Dầu Tiếng; có giải pháp nạo vét nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa và vùng hạ du.
Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, thuộc phạm vi 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, dung tích thiết kế chứa 1,58 tỷ m3 nước, ứng với cao trình mực nước dâng bình thường +24,40 m, cao trình mực nước chết +17,00 m, với diện tích mặt nước hồ 270 km2; có đập chính dài 1,1 km, đập phụ dài 27 km và hệ thống kênh mương phục vụ tưới, tiêu là công trình cấp I, cấp II với tổng chiều dài khoảng 150 km.