Lương, phụ cấp của cán bộ, công chức sau sáp nhập có gì thay đổi?
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, cán bộ, công chức, viên chức được bố trí lại công tác sẽ tiếp tục được giữ nguyên mức lương, phụ cấp hiện hưởng trong thời gian 6 tháng.
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành về việc thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền quyết định bố trí công tác tại các địa phương sau sắp xếp, Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh, thành thực hiện nghiêm quy định tại những văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, khoản 4 Điều 11 Nghị quyết số 76/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính nhưng vẫn đang công tác trong hệ thống chính trị sẽ được giữ nguyên chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) trong thời gian 6 tháng kể từ khi có văn bản bố trí công tác.
Sau thời hạn này, việc hưởng lương và phụ cấp sẽ thực hiện theo quy định mới của pháp luật.

Ảnh minh họa.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ: người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trên địa bàn sau sắp xếp tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách đặc thù theo vùng, khu vực hoặc đơn vị hành chính cũ cho đến khi có quyết định mới từ cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp tên đơn vị hành chính được thay đổi sau sắp xếp, các chính sách đặc thù vẫn tiếp tục được thực hiện theo tên gọi mới.
Tương tự, tại Quyết định số 759 ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, quy định rõ việc bảo lưu chế độ tiền lương và phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng cho cán bộ, công chức, viên chức được bố trí công tác tại các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.
Sau 6 tháng, việc chi trả lương, phụ cấp phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, công bằng trong hệ thống.
Đáng chú ý, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 có quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã được thực hiện thống nhất, không phân biệt cấp hành chính.
Điều này tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách lương và phụ cấp công bằng, đồng bộ sau sắp xếp bộ máy, đảm bảo quyền lợi của cán bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND các xã, phường thuộc phạm vi quản lý khẩn trương triển khai thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương theo đúng quy định pháp luật.
Việc thực hiện cần đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh tình trạng sai lệch, gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị.
Trong đó, Bộ tập trung xây dựng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Đồng thời Bộ cũng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và báo cáo kỹ thuật về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2026...
Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành 5 nghị định và Bộ trưởng Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư liên quan đến chính sách phụ cấp, tiền lương bảo đảm đồng bộ, phù hợp khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.