Lương sắp tăng 'kịch khung', giáo viên vẫn nhiều trăn trở
Theo phương án cải cách tiền lương từ 1/7, dự kiến lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo vẫn còn băn khoăn, lo lắng.
Lương giáo viên thay đổi thế nào từ 1/7?
Luật Nhà giáo được đề xuất xây dựng từ năm 2018, đến nay dự thảo đang được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây.
Dự thảo có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo. Trong đó khẳng định tiền lương của nhà giáo (gồm lương, phụ cấp) được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung liên quan đến cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, lương giáo viên sẽ được tính theo chính sách cải cách tiền lương, bao gồm lương cơ bản chiếm 70% tổng lương, phụ cấp 30% và thêm 10% tiền thưởng (10% tiền lương trích từ quỹ tiền lương của năm và không bao gồm phụ cấp). Lương xếp theo vị trí việc làm, phân định rõ năng lực, trách nhiệm giáo viên. Phụ cấp mới dành cho giáo viên gộp 3 khoản phụ cấp: ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương giáo viên trung bình sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Còn nhiều băn khoăn
Khi biết tin lương nhà giáo sắp tới sẽ được chi trả theo vị trí việc làm và được ưu tiên xếp cao nhất, cô Nguyễn Lan Anh - giáo viên một trường tiểu học ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) không khỏi vui mừng và hy vọng chế độ tiền lương sắp tới sẽ giúp các thầy cô "sống được bằng lương".
"Bất cứ giáo viên nào cũng mong muốn được tăng lương. Để giáo viên sống hạnh phúc, yên tâm công tác thì việc tăng lương là điều đúng đắn. Việc tăng lương cho nhà giáo sẽ giúp chúng tôi đảm bảo cuộc sống, không phải làm nhiều việc "tay trái", toàn tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người".
Cô Lan Anh cho biết, tuy đây là một tin vui nhưng cô cũng như nhiều đồng nghiệp vẫn có những băn khoăn và trăn trở về việc nhiều khoản phụ cấp sẽ bị bãi bỏ theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Giáo viên sẽ không còn được nhận các loại phụ cấp như: thâm nhiên, chức vụ, công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
"Tôi công tác trong ngành đã hơn 20 năm nên lo lắng không biết bỏ phụ cấp thâm niên thì lương có giảm hay không bởi khoản phụ cấp này ngoài là phần thu nhập tăng thêm cho giáo viên thì cũng là sự ghi nhận công sức cũng như sự cống hiến của nhà giáo trong nhiều năm qua. Chúng tôi mong rằng lương mới không thấp hơn lương cũ và nhà giáo chúng tôi không bị thiệt thòi", cô Lan Anh chia sẻ.
Là một giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội) rất mong chờ vào chế độ tiền lương mới. Cô Hằng cho biết, công việc hằng ngày của một giáo viên mầm non rất vất vả, nhiều áp lực nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. "Chúng tôi mong mỏi đợt cải cách tiền lương vào đầu tháng 7 tới đây sẽ trở thành hiện thực để nhà giáo chúng tôi yên tâm công tác, dành thời gian nhiều hơn cho công việc chuyên môn mà không phải nghĩ đến gánh nặng cơm áo gạo tiền".
Theo cô Hằng, việc lương nhà giáo có thể sẽ được xếp ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp nhưng lại cắt bỏ phụ cấp thâm niên đang khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng rằng lương mới dự kiến áp dụng từ 1/7 sẽ thấp hơn lương hiện tại.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, (Hà Nội) băn khoăn: "Từ trước đến nay, lương giáo viên rất thấp, chủ yếu dựa vào các loại phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên. Từ 1/7 này giáo viên sẽ không được hưởng những loại phụ cấp này, tức là lương giáo viên có thể giảm đến 30%.
Như vậy, dù đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp được thực hiện và có tăng đến kịch khung đi chăng nữa thì vẫn không bù lại được 30% lương đã bị bãi bỏ".
Về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập.
Theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.
Ông Đức khẳng định, theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.
Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội thảo xin ý kiến chuyên gia trong và ngoài ngành với các quy mô khác nhau; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của 547.786 nhà giáo, cán bộ quản lý để phục vụ phân tích, đánh giá, phục vụ hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.