Luồng sinh khí mới từ sinh viên quốc tế

Đa dạng hóa quốc tịch của sinh viên góp phần tạo môi trường đa văn hóa, thúc đẩy quốc tế hóa đại học...

Sinh viên Trường ĐH Lincoln (New Zealand) trải nghiệm các trò chơi dân gian của Việt Nam dưới sự hướng dẫn của sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Lincoln (New Zealand) trải nghiệm các trò chơi dân gian của Việt Nam dưới sự hướng dẫn của sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Trải nghiệm học tập đa văn hóa

Anaïs Campana - sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Côte d’Azur (Cộng hòa Pháp) lựa chọn học trao đổi ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Anaïs Campana chia sẻ, sau khi tìm hiểu chương trình học, Trường Đại học Kinh tế là lựa chọn đầu tiên và cảm thấy đây là môi trường tốt, phù hợp để đến trao đổi học tập và giao lưu văn hóa.

Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tiếp nhận sinh viên từ các trường đại học đối tác đến từ Cộng hòa Pháp, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào... tham gia chương trình trao đổi ngắn hạn trong 1 học kỳ. Sinh viên Manon Brun và Gihan Zhiri đến từ Trường Đại học Côte d’Azur cho biết: “Khoảng thời gian học tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) không những được tích lũy thêm về kiến thức mà còn đầy ắp những cơ hội để giao lưu và khám phá. Từ lớp học đến khuôn viên trường, mọi góc nhỏ đều là một chương mới đầy kỷ niệm và chúng tôi rất hào hứng được trở thành một phần trong câu chuyện đó”.

Ngoài các giờ học tại giảng đường, Manon Brun và Gihan Zhiri cùng các sinh viên quốc tế còn tham gia hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, phong tục, tập quán địa phương ngay tại thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp. Từ đó giúp sinh viên quốc tế có những kỷ niệm đáng nhớ về mảnh đất và con người miền Trung thân thiện, mến khách, nhất là trong môi trường giáo dục đại học gắn kết với cộng đồng.

Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) thường xuyên tiếp nhận sinh viên, học viên từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Lào... đến học tập, giao lưu, trao đổi và nghiên cứu. Tính riêng năm 2024, nhà trường có hơn 200 sinh viên quốc tế theo học tại các khoa Quốc tế học, Ngôn ngữ Anh, trao đổi ngôn ngữ, văn hóa và học các chương trình tiếng Việt, văn hóa Việt Nam dành cho người nước ngoài.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có số sinh viên quốc tế theo học nhiều nhất, với khoảng 400 sinh viên đến từ 24 quốc gia. Trong đó, sinh viên Lào chiếm khoảng 50%, tiếp đến là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sinh viên quốc tế đang theo học tại trường gồm 3 nhóm chính là học tiếng Việt; học chuyên ngành trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và sinh viên trao đổi diện thực tập sư phạm, sinh viên 3+1.

PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ: “Sinh viên đến từ nhiều trường ở các quốc gia khác nhau mang theo những nét văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống đặc sắc. Sự hiện diện của lưu học sinh không chỉ làm phong phú thêm môi trường học tập mà còn có vai trò quan trọng trong xây dựng những thế hệ sinh viên toàn cầu, cải thiện kỹ năng giao tiếp, khả năng thích ứng xuyên văn hóa, tạo nền tảng để xây dựng mạng lưới quốc tế sâu rộng”.

 Đoàn giảng viên, sinh viên ĐH Otemae (Nhật Bản) thực hành điều dưỡng với sinh viên Trường Y Dược (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Đoàn giảng viên, sinh viên ĐH Otemae (Nhật Bản) thực hành điều dưỡng với sinh viên Trường Y Dược (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Nhiều giá trị cộng thêm

Trong tháng 11/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) có chương trình giao lưu giáo dục và văn hóa với đoàn giảng viên, sinh viên của Học viện Anabuki (Nhật Bản). Theo TS Huỳnh Ngọc Mai Kha - Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong xu thế hội nhập quốc tế, những lớp học đa quốc gia sẽ góp phần truyền cảm hứng để hình thành tư duy “công dân toàn cầu” cho sinh viên.

Đại diện Học viện Anabuki cho biết, những chương trình như vậy là nền tảng để thúc đẩy hợp tác, đem lại các giá trị và cơ hội trải nghiệm, trao đổi văn hóa, ngôn ngữ cho thầy và trò của hai bên, góp phần vun đắp nhịp cầu hữu nghị đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản.

Trần Hoài Thương - sinh viên lớp 23CDT2, ngành Cơ điện tử, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có cơ hội tham gia dự án Learning Express cùng sinh viên Trường Singapore Polytechnic (Singapore). 60 sinh viên của 2 trường có gần nửa tháng tham gia trực tiếp vào dự án thực địa tại các làng nghề truyền thống của TP Đà Nẵng, thực hiện nội dung học tập và trải nghiệm thực tế, gặp gỡ, giao lưu với sinh viên giữa hai nước.

Trần Hoài Thương cho biết: “Việc phối hợp giữa hai trường đã tạo ra môi trường học tập, thực hành bổ ích, đặc biệt là sinh viên Việt Nam. Chúng em có cơ hội được giao tiếp, nâng cao năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ngoài được học tập thêm nhiều kiến thức về Design Thinking (tư duy thiết kế), em còn có cơ hội tích lũy thêm một số kỹ năng như: Lãnh đạo, làm việc nhóm, thuyết trình đặc biệt là bằng tiếng Anh”.

Với xu hướng quốc tế hóa đại học, ngoài giảng dạy bằng ngôn ngữ quốc tế thì thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập sẽ tạo cách nhìn đa dạng hơn cho sinh viên. Chia sẻ quan điểm, TS Đặng Đức Long - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: “Muốn quốc tế hóa đại học thì phải có sinh viên quốc tế để tạo môi trường đa văn hóa. Sinh viên được tiếp xúc, hiểu biết về cách nghĩ, cách làm việc và các nền văn hóa khác nhau rất quan trọng, qua đó nhanh chóng thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế”.

Mô hình tiếp nhận sinh viên quốc tế đến thực tập trong thời gian từ 2 - 4 tháng đang được các Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Viện DNIIT của Đại học Đà Nẵng triển khai. Sinh viên quốc tế, đa phần đến từ Cộng hòa Pháp, có cơ hội thực tập, làm việc chuyên môn và tham gia vào nhiều dự án thực tế. Đây là tín hiệu tích cực từ cách đổi mới, trong xây dựng chương trình tiếp nhận sinh viên quốc tế ngắn hạn, sao cho hấp dẫn, thu hút nhiều hơn sinh viên quốc tế.

Để tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế, nhiều trường đại học đã xây dựng các chính sách ưu tiên đặc biệt như: Học bổng truyền cảm hứng; học bổng miễn học phí, ký túc xá; tạo điều kiện cơ sở vật chất; các chương trình trải nghiệm văn hóa... Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, để hỗ trợ sinh viên quốc tế sớm hòa nhập tại môi trường mới, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa cổ truyền của Lào, Trung Quốc; ngày hội sinh viên quốc tế để các quốc gia cùng tham gia giao lưu, gắn kết.

Theo PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, thu hút sinh viên quốc tế không những đem lại giá trị cho người học, kết nối, trao đổi phát triển học thuật, mà còn góp phần nâng cao uy tín, kiến tạo môi trường quốc tế hóa giáo dục đại học.

Chỉ số sinh viên quốc tế cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong các bảng xếp hạng quốc tế. Đại học, trường đại học có xếp hạng quốc tế cao, cũng chính là những nơi thu hút đông sinh viên quốc tế và đa dạng quốc tịch nhất.

Theo ThS Hồ Lộng Ngọc - Phó ban Hợp tác quốc tế, Đại học Đà Nẵng, để thu hút sinh viên quốc tế, các trường đại học cần có cán bộ phụ trách lưu học sinh tại các khoa, phòng, bảo đảm đội ngũ cố vấn học tập, tăng cường tính chuyên nghiệp và trách nhiệm. Tuyển dụng và quản lý tốt mô hình Câu lạc bộ “Buddy”, bao gồm tình nguyện viên từ các khoa, câu lạc bộ trong trường, có sự phân công chặt chẽ trong hỗ trợ sinh viên quốc tế khi họ chưa sang Việt Nam, cho đến hoàn thành khóa học, trở về nước.

“Các trường đại học cần cung cấp cơ hội trao đổi sinh viên quốc tế giúp người học tiếp cận nhiều nền văn hóa, hệ thống giáo dục khác nhau và mở rộng tư duy toàn cầu; đưa vào chương trình những môn học về giao tiếp đa văn hóa, phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường toàn cầu và hiểu biết về các vấn đề quốc tế.

Muốn vậy, cơ sở giáo dục đại học cần mở rộng hợp tác đào tạo với các trường đại học quốc tế có uy tín để sinh viên nhanh chóng tiếp cận kiến thức mới thông qua khóa học trực tuyến”. - GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Hà Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luong-sinh-khi-moi-tu-sinh-vien-quoc-te-post716424.html