Dù ở bất cứ nơi đâu, tâm thức người Việt vẫn luôn hướng về Tổ quốc

Đó là chia sẻ chung của các đại biểu trong đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025 diễn ra sáng 19-1 tại Hà Nội.

Không có tết nơi nào ấm áp bằng ở quê hương

Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP bên lề chuỗi sự kiện trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2025 do Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho biết, chương trình Xuân Quê hương có ý nghĩa đặc biệt mà năm nào ông cũng phải sắp xếp để về nước tham dự.

 Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng các kiều bào tại Phủ Chủ tịch, sáng 19-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng các kiều bào tại Phủ Chủ tịch, sáng 19-1. Ảnh: QUANG PHÚC

“Mỗi lần về nước, chúng tôi lại thấy có những sự thay đổi, được tận mắt chứng kiến những thành tựu về sự phát triển của đất nước. Chúng tôi rất tự hào. Theo tôi, Xuân Quê hương là chương trình rất có ý nghĩa với kiều bào khắp nơi trên thế giới, là cơ hội để những người Việt xa xứ có thể gặp gỡ và giao lưu, đồng thời cũng là dịp để kiều bào hiểu hơn về những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong năm qua và những định hướng phát triển trong năm mới”, ông Trần Hải Linh chia sẻ.

 Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA)

Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA)

Với ông Linh, không có cái tết ở đâu ấm áp và vui vẻ bằng tết ở quê nhà. “Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán không quá đặc sắc hay nhiều hoạt động như ở Việt Nam, mà đơn giản chỉ là một kỳ nghỉ lễ để mọi người về nhà và đoàn tụ với người thân. Thời gian nghỉ tết cũng rất ngắn nên cảm giác cái tết ở Hàn Quốc trôi qua rất nhanh. Cũng chính vì vậy mà người Việt ta tại Hàn Quốc hay cả những nước khác luôn mong muốn có cơ hội được về Việt Nam, cảm nhận không khí tết truyền thống của quê hương”, ông Linh bày tỏ.

Cũng theo ông Trần Hải Linh, trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang có sự phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, cùng với đó là nhiều cơ hội được mở ra. “Trong thời gian qua, có một số địa phương tại Việt Nam đã chủ động liên hệ với chúng tôi khi biết rằng VKBIA đang kết nối và hoạt động rất tốt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi thấy đó là sự chủ động, là sự thay đổi tất yếu và cần thiết”, ông Linh cho biết.

 TS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc)

TS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc)

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc), 1 trong số 100 kiều bào tiêu biểu về nước dự chương trình Xuân Quê hương 2025 cũng cho biết, hiện nay kiều bào đang là “kênh” kết nối hữu hiệu cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các bên. “Chúng tôi cũng đã giới thiệu với những nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược để họ hiểu rõ hơn về các địa phương đó. Nhờ vậy, bên cạnh những khuôn khổ hợp tác cũ là chỉ đưa những gì chúng ta có, chúng ta hiểu được những nhà đầu tư cần gì và cách thu hút họ”, TS Nguyễn Thanh Liêm nói.

Theo TS Nguyễn Thanh Liêm, chính kiều bào là những người hiểu rõ đối tác nước sở tại nhất để từ đó có những tham vấn hiệu quả cho các đối tác là doanh nghiệp trong nước.

"Có thể nói, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, các địa phương của Việt Nam đã có những tiệm cận khác nhau để “khai thác tiềm năng” của kiều bào nhằm tăng cường phát triển, triển khai hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, trong đó có hợp tác địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc. Chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện các công việc hỗ trợ kết nối các địa phương này bằng tất cả khả năng của mình”, TS Nguyễn Thanh Liêm khẳng định.

Tâm luôn hướng về Tổ quốc

Là 1 trong số 100 kiều bào tiêu biểu về dự chương trình Xuân Quê hương 2025, Đặng Đình Hùng, hiện đang học Thạc sĩ Kinh doanh tại Trường Đại học New South Wales, Phó Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam tại New South Wales (Australia) cho biết, anh dự định về nước làm việc sau khi hoàn thành việc học tập tại Australia. “Ở Việt Nam còn bố mẹ, gia đình, bạn bè và nhất là môi trường làm việc cũng đã được cải thiện rất nhiều, mở ra nhiều cơ hội”, anh Hùng nói.

 Anh Đặng Đình Hùng, Phó Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam tại New South Wales (Australia)

Anh Đặng Đình Hùng, Phó Chủ tịch Hội Du học sinh Việt Nam tại New South Wales (Australia)

Theo anh Đặng Đình Hùng, tại Australia, hiện đang có gần 300.000 người Việt Nam sinh sống và công tác. Số du học sinh Việt Nam đang theo học tại Australia cũng rất lớn, với khoảng 40.000 người, tập trung chủ yếu ở hai bang Sydney và Melbourne, trong đó có nhiều trường danh tiếng với nhiều ngành đào tạo nhân lực chất lượng cao, có tính “mũi nhọn” mà Việt Nam đang rất cần như về AI, công nghệ, tin học.

Trong số những du học sinh được đào tạo tại Australia, có những người không chọn về nước làm việc mà có thể chọn ở lại làm việc ở nước ngoài. Song, điều này không có nghĩa là họ không đóng góp gì cho đất nước. Bởi thông qua môi trường làm việc ở nước ngoài, được đào tạo và nâng cao trình độ, họ sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm cũng như kiến thức đã có thông qua các cơ chế liên kết hợp tác song phương và điều này cũng đang rất hiệu quả.

Theo thống kê của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), trong số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% (khoảng 600.000 người), với nhiều nhà khoa học thành danh trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, kinh tế, tài chính... Nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, NVNONN là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Thêm vào đó, đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia gốc Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng đang trưởng thành, tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của thế giới, như công nghệ điện tử - thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học; lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như AI, học máy (machine learning), dữ liệu lớn (Big Data); lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán.

Thực tế, trong những năm gần đây, Việt Nam đã thiết lập nên các mạng lưới kết nối các chuyên gia, trí thức là kiều bào Việt Nam. Có thể kể đến mạng lưới “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ KH-CN, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn ở trong nước để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.

Các chuyên gia không chỉ mang đến tư duy và tầm nhìn toàn cầu mà còn hỗ trợ các startup Việt tiếp cận thị trường quốc tế, góp phần đưa những giải pháp sáng tạo trở thành hiện thực.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan trọng hơn bao giờ hết, khi đang đóng góp cả tài lực và trí lực cho xây dựng phát triển đất nước.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-o-bat-cu-noi-dau-tam-thuc-nguoi-viet-van-luon-huong-ve-to-quoc-post778517.html