Lương tâm thầy thuốc
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức với công trình 'Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ của phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh ở bụng' giúp cho 16.000 bệnh nhân giảm bớt đau đớn và tai biến khi phẫu thuật vừa được vinh danh là 1 trong 12 cá nhân xuất sắc của giải thưởng Vinh quang Việt Nam do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng vào tháng 7/2019 vừa qua.
Sinh ra là con út trong một gia đình có 4 anh, em. Tuy nhiên, GS Trần Bình Giang cho biết, gia đình ông có đến 9 người con, nhưng 5 người đã mất vì đau ốm bệnh tật. Đặc biệt, câu chuyện buồn của chị gái ông là một nỗi ám ảnh ghê gớm với ông khi chị 5 lần sinh nở nhưng 3 lần phải chứng kiến cảnh con bị sốt cao, co giật và mất. Chưa kể, bản thân ông từ bé cũng là người hay ốm đau và ám ảnh với những mũi tiêm đau đớn mỗi lần phải đến trạm xá.
Chứng kiến nỗi đau của sự mất mát và chia xa của gia đình, ông cảm nhận rõ ràng sự khắc nghiệt của cuộc sống, sự bất lực của con người trước bệnh tật, vậy nên, vốn là người có năng khiếu văn chương, đã từng tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhưng lại quyết tâm thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội với suy nghĩ giản đơn đây là một nghề có thể cứu người, giúp họ giảm bớt nỗi đau thể xác và sinh ly tử biệt.
Vốn học giỏi lại say mê nghiên cứu nên những năm học Đại học Y Hà Nội, GS. Giang đều lọt vào top đầu và là một trong số ít sinh viên được nhận học bổng. Ông cũng là một trong 3 sinh viên của trường được dự Đại hội Sinh viên xuất sắc các trường đại học toàn quốc lần đầu tiên năm 1983.
Năm thứ 5, ông đỗ đầu vòng thi Nội trú và chọn môn ngoại để theo học. Và sau khi ra trường, ông tiếp tục đứng đầu lớp học tiếng Pháp, để tháng 5/1990 được lựa chọn là người Việt Nam đầu tiên được sang BV danh tiếng COCHIN, Đại học PARIS 6 học tập, nghiên cứu về ghép tạng.
Sau đó, ông tiếp tục được sang học tại Bệnh viện- Trường Đại học NICE-SOPHIA-ANTIPOLIS một Trung tâm nổi tiếng ở Pháp để học chuyên sâu về phẫu thuật nội soi và cũng là người đầu tiên được cấp bằng DIPLOME D,UNIVERSITE về lĩnh vực này. Đây chính là dấu mốc để lĩnh vực phẫu thuật nội soi ở Việt Nam được mở ra và phát triển.
GS Giang chia sẻ, lần đầu tiên nhìn thấy các chuyên gia Pháp mổ một ca nội soi khi đang trong kỳ học cuối cùng tại Pháp, ông ngỡ ngàng đến bất ngờ bởi sự thay đổi quá lớn cho người bệnh. Từ chỗ một vết mổ to, dài trên bụng được thay thế bằng một vài lỗ nhỏ trên thành bụng vẫn có thể giải quyết hiệu quả bệnh tật cho bệnh nhân. Ông ao ước có thể mang kỹ thuật này về Việt Nam.
Sau một quá trình được đào tạo dài lâu tại quốc gia có nền y học phát triển, GS. Giang về Việt Nam và muốn triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi, tuy nhiên, cơ sở vật chất trong nước lúc này rất thiếu thốn, không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của kỹ thuật.
“Chúng tôi có được sự nâng đỡ, hỗ trợ của các thầy, những người chưa từng làm về nội soi nhưng hết sức ủng hộ học trò. Nếu không có những sự ủng hộ đó, chúng tôi không bao giờ có thể làm được”- GS Giang chia sẻ.
Đến giờ, sau gần 30 năm gắn bó với chuyên ngành phẫu thuật nội soi tiêu hóa, ông vẫn nhớ ca phẫu thuật nội soi đầu tiên mà ông thực hiện trước đó 27 năm.
Đây là ca bệnh bị trào ngược thực quản. Căn bệnh này xảy ra khi “van” ngăn bị hỏng, bác sĩ sẽ phải mổ để sửa chữa lại. Đây là một phẫu thuật rất khó khi mổ mở thực quản, nhưng với nội soi lại có cơ hội hơn do dụng cụ có thể lách vào để soi rõ, bác sĩ sửa chữa van qua nội soi.
Nghiên cứu khoa học của GS. Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế từ năm 2002. Cho đến nay, đã có hàng nghìn bệnh nhân được phẫu thuật nội soi và BV Việt Đức trở thành một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận.
Một đóng góp mang ý nghĩa đặc biệt trong y học Việt Nam của GS. Trần Bình Giang là điều trị bảo tồn vỡ các tạng. Theo đó, nếu như trước đây 100% ca chấn thương vỡ gan, lá lách, thận đều phải mổ, thì nhờ có nghiên cứu của GS. Giang mà nay 95% ca chỉ điều trị bảo tồn, giúp người bệnh không bị đau nhiều như mổ, ít mất máu, ít biến chứng, thời gian hồi phục nhanh.
Bên cạnh đó, GS. Giang cũng là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tụy. Đây là những kỹ thuật chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được.
Ông cũng người đầu tiên thực hiện và xây dựng đội ngũ chuyên sâu của Trung tâm Phẫu thuật nội soi, BV Việt đức thực hiên phẫu thuật nội soi điều trị bệnh béo phì, góp phần vào công bố quốc tế về béo phì của châu Á trên tạp chí khoa học chuyên ngành OBESITY.
Là một trong những người tham gia phẫu thuật nội soi đầu tiên, GS Giang đánh giá phẫu thuật nội soi đem đến một cuộc cách mạng cho bệnh nhân, thay thế cho những ca mổ mở nặng nề, chậm hồi phục sau mổ và tỉ lệ tai biến, biến chứng sau mổ cũng rất cao.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, tại Việt Nam, phẫu thuật nội soi là một trong lĩnh vực khoa học đi gần với sự phát triển của chuyên ngành này trên thế giới. Năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện, chỉ sau 5 năm, Việt Nam tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. GS Giang là một trong những người đầu tiên mổ trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa và đã phát triển để trở thành một thế mạnh mà nhắc đến mổ nội soi tiêu hóa là không ai không nghĩ đến Bệnh viện Việt Đức.
Hiện nay, Giám đốc BV Việt Đức đang tập trung vào nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để phẫu thuật cắt bỏ thành công nhiều ca u đại tràng nằm ở vị trí thấp, rất phức tạp mà nhiều bệnh viện lớn đã trả về, mà vẫn bảo toàn được cơ thắt đại tràng cho bệnh nhân.
Mặc dù đã qua 30 năm, trải qua nhiều chức vụ, nhiều bằng khen, nhưng lòng khát khao trị bệnh cứu người của GS-TS Trần Bình Giang vẫn vậy. Mới đây, trước tình trạng khan hiếm máu dữ trữ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, sáng 11-12, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tổ chức Chương trình hiến máu “Blouse trắng – Trái tim hồng” huy động các cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện tham gia hiến máu tình nguyện phục vụ cấp cứu, phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết tại bệnh viện này mỗi ngày mổ khoảng 250 bệnh nhân, trong đó có 25-30 trường hợp cấp cứu các loại, hầu hết là bệnh nhân tai nạn giao thông bị chấn thương, hoặc đa chấn thương phức tạp cần truyền lượng máu rất lớn.
“Có những bệnh nhân cấp cứu do vỡ gan, lượng máu cần truyền trong một lần có khi lên tới cả chục đơn vị máu. Hàng chục người hiến máu mới đủ máu để truyền cho bệnh nhân nên với một bệnh viện ngoại khoa và cũng một trong những trung tâm phẫu thuật lớn nhất Việt Nam thì nhu cầu máu để cấp cứu, điều trị cho người bệnh mỗi ngày là rất lớn”- GS Giang nói.
Để chủ động cho việc cung cấp nguồn máu dự trữ cũng như nguồn máu sống phục vụ người bệnh, GS Giang cho biết Bệnh viện đã huy động cán bộ, viên chức, người lao động trong Bệnh viện, đồng thời kêu gọi cộng đồng, người dân tham gia hiến máu tình nguyện nhằm mang lại cuộc sống cho rất nhiều người bệnh. Số lượng máu thu được hôm nay 11-12 đều được Trung tâm Truyền máu – Bệnh viện Việt Đức xét nghiệm sàng lọc an toàn truyền máu bằng các kĩ thuật hiện đại đảm bảo mang đến những đơn vị máu an toàn cho người bệnh.
Hàng trăm y bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức hào hứng đăng ký khám sàng lọc và hiến máu cho bệnh nhân cấp cứu, điều trị tại đây. Rất nhiều bác sĩ cho biết họ đã tranh thủ đến sớm đăng ký hiến máu để còn kịp giờ vào phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết trong sáng nay ông có 2 ca phẫu thuật và việc hiến máu này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến việc sau đó ông thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân theo lịch.
Nhiều y bác sĩ khác cũng cho biết lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo trong quá trình tuần hoàn nên việc thực hiện các ca mổ cũng như chăm sóc, cấp cứu người bệnh tại Bệnh viện Việt Đức vẫn diễn ra bình thường ngay sau khi họ hiến máu xong.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/luong-tam-thay-thuoc-tintuc457301