Lương thấp, người lao động không mặn mà
Thị trường lao động dù đã có những khởi sắc nhất định nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến trái chiều. Thực tế cho thấy dù nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao nhưng số doanh nghiệp tuyển dụng được lao động lại không nhiều. Lý do chính là do mức lương thấp, người lao động không mặn mà.
Doanh nghiệp yêu cầu lao động trình độ cao
Tại phiên giao dịch việc làm quận Cầu Giấy (Hà Nội) do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, nhiều người đến tìm kiếm việc làm nhưng số người tìm được công việc như mong muốn không nhiều. Phiên giao dịch có tới gần 1.200 chỉ tiêu (trên tổng gần 3.000 chỉ tiêu việc làm) dành cho lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (chiếm hơn 45% tổng chỉ tiêu việc làm tại phiên).
Tiếp sau đó là nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, lao động kỹ thuật. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông xếp cuối cùng. Điều đáng nói là trong khi xu hướng tuyển dụng có sự thay đổi thì mức thu nhập lại gần như đứng im. Thu nhập của người lao động vẫn tập trung nhiều ở phân khúc từ 7-10 triệu đồng/tháng. Cá biệt có những vị trí quản lý lương cao hơn khoảng từ 15 triệu đồng/tháng.
Thất nghiệp gần 6 tháng nay nhưng anh Lê Hữu Văn cũng không vội tìm kiếm việc làm mới. Theo anh Văn, dù nhu cầu tuyển dụng khá nhiều nhưng yêu cầu cao hơn mà mức lương vẫn giữ nguyên so với năm ngoái. Trong khi đó hiện nay mức phí sinh hoạt cũng như tiêu dùng đều tăng.
“Dù nghỉ việc 6 tháng nay nhưng tôi vẫn đi làm bán thời gian, lúc rảnh rỗi tranh thủ chạy xe ôm, giao hàng. Tính ra tổng thu nhập vẫn hơn so với đi làm tại công ty trong khi đó về thời gian nghỉ ngơi mình được chủ động hơn. Các công ty tuyển dụng nhiều nhưng mức lương chỉ dao động từ 6 đến 8 triệu đồng, thực sự rất khó sống nhất là nhà có 2 con đang học cấp 2 như tôi. Đi làm ngoài công việc thất thường không ổn định, không được đóng bảo hiểm xã hội, tôi cũng lo cho tuổi già của mình nhưng vì nhu cầu trước mắt nên đành chấp nhận” - anh Văn chia sẻ.
Trong khi đó, bà Dương Minh Anh - Trưởng nhóm thu hút nhân tài Dự án AEON Xuân Thủy cho biết, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400 vị trí việc làm gồm nhiều các vị trí tuyển dụng đa dạng. Mức lương cho các vị trí việc làm dao động trong khoảng từ 6-7 triệu đồng, với các vị trí trưởng nhóm hoặc vị trí đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao mức lương sẽ cao hơn. Đơn vị chủ yếu tuyển lao động làm toàn thời gian. So với trước đây, thì các vị trí việc làm cần ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng nhiều hơn.
Còn theo chị Nguyễn Thùy Linh, cán bộ tuyển dụng của nhãn hàng thời trang TORANO, khối cửa hàng thường không gặp khó khăn trong việc tuyển dụng do có nhiều sinh viên làm part-time. Các vị trí yêu cầu về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ lại khó tuyển hơn do nguồn nhân lực hạn chế và yêu cầu cao.
Mức lương không hấp dẫn khó tuyển lao động
Không chỉ riêng miền Bắc, việc khó tuyển dụng lao động xảy ra hầu khắp các doanh nghiệp (DN) trong cả nước. Báo cáo của Bộ LĐTBXH cũng nhận định thị trường lao động vẫn tiềm ẩn những thách thức, cung - cầu lao động còn lệch pha. Theo Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) thị trường lao động 5 tháng đầu năm nhu cầu tập trung ở phân khúc lao động phổ thông, chiếm gần một nửa tổng số. Trong khi đó nhu cầu tuyển lao động đại học, trên đại học chỉ khoảng 19%; trong khi tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn cao, ở mức gần 8%. Còn khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11% tổng số thanh niên cả nước).
Tại TPHCM, thị trường lao động tồn tại một nghịch lý là lao động phổ thông thất nghiệp rất nhiều nhưng các DN lại không tuyển đủ lao động như mong muốn. Trong khi đó, mặc dù địa phương có tỉ lệ lao động đã qua đào tạo rất cao trong cơ cấu nguồn nhân lực nhưng nhóm này lại đang có ít lựa chọn việc làm hơn.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, 5 tháng đầu năm, có 48.837 vị trí tuyển dụng trong khi chỉ có 8.568 người lao động tìm việc. Trong đó có 15.374 vị trí tuyển dụng lao động phổ thông (chiếm 31,48%); 6.968 vị trí ngành thực phẩm - đồ uống (chiếm 14,27%) và 7.039 vị trí cần tuyển trong ngành sản xuất da giày - may mặc (chiếm 14,41%). Trong khi đó, chỉ 2.736 người tìm việc lao động phổ thông, 257 người tìm việc ngành thực phẩm - đồ uống, 645 người tìm việc ngành da giày - may mặc.
Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội thừa nhận thời gian gần đây thị trường lao động cũng "vắng" lao động. Các DN khá chật vật trong việc tìm kiếm lao động. Nguyên nhân khiến DN không tuyển được đủ lao động là vì thiếu lao động chất lượng cao. Ngoài ra các DN cũng thay đổi xu hướng tuyển dụng, họ cần nhiều hơn lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cho rằng, nhiều khả năng quý III và quý IV tình trạng thiếu lao động sẽ được cải thiện do nguồn cung lao động dồi dào hơn. Thời gian này sẽ có nhiều lao động trẻ học các trường cao đẳng, trung cấp, đại học tốt nghiệp ra trường. Đây sẽ là nguồn cung lao động dồi dào cho các DN.
Chia sẻ thêm về câu chuyện nhiều DN thiếu lao động, nhất là lao động phổ thông, đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội cho rằng, hiện nay cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Lao động phổ thông có thể chọn bỏ làm công nhân để ra ngoài bán hàng online; chạy grab... miễn là có thu nhập cao. Vì thế sẽ rất khó để DN tuyển dụng lao động nếu DN không có mức tiền lương và chế độ làm việc hấp dẫn với người lao động.
Còn theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, qua khảo sát thì thấy thị trường lao động đang có những khởi sắc. Theo đó, số DN quay lại thị trường lao động nhiều hơn, các đơn hàng cũng dồi dào hơn. Điều này khiến nhiều DN mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh vì thế cũng cần nhiều lao động hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lao động đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn.
Theo ông Đỗ Đức Chí - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Nhân Kiệt, DN ngày càng yêu cầu chất lượng lao động cao hơn từ sức khỏe, khả năng tiếp thu công nghệ mới. Việc đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các DN đang có nhu cầu về nhóm nhân lực thuộc phân khúc này. Với khối DN FDI, khi không tìm kiếm được nguồn lao động chất lượng cao trong nước, họ phải tuyển dụng lao động nước ngoài vào để thực hiện các công việc có tính chất chất lượng cao, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất. Đây là vấn đề cần dành sự quan tâm lớn, từ đó thực hiện đào tạo được lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu cao của DN. “Trước mắt để tìm việc nhanh chóng, các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ thông tin về tuyển dụng như yêu cầu vị trí, mức lương, phúc lợi, đãi ngộ. Về lâu dài, cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia cung cấp thông tin chính xác, kiểm chứng, đầy đủ để thuận lợi cho người lao động, nhất là thanh niên tìm việc, tránh bị lợi dụng, lừa đảo” - ông Chí nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/luong-thap-nguoi-lao-dong-khong-man-ma-10283563.html