Lương, thưởng cho người lao động: Tết này, cố gắng bằng Tết trước!

Nhiều người lao động đang băn khoăn trước cái Tết Nguyên đán đang cần kề trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Lo cái Tết cho người lao động như thế nào? Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trao đổi vài nét về nội dung này...

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Thưa ông, Tết Nguyên đán năm nay vẫn là một cái Tết rất khó khăn cho người lao động, người nghèo… Vậy để “không ai bị rớt lại phía sau” nhất là dịp năm hết Tết đến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những đễ xuất, kế hoạch gì cho chuyện Tết này?

Năm 2021, doanh nghiệp và người dân đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp bị lỗ hoặc là có lãi không đáng kể. Cho nên, để đảm bảo trả lương cho người dân, người lao động thì cũng gặp khó khăn. Trước những khó khăn đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị các doanh nghiệp cố gắng hết sức mình để đảm bảo, trước tiên là trả đủ lương cho người lao động, cố gắng để có tiền thưởng Tết cho người lao động về với gia đình có cái Tết ấm cúng hơn.

Mặt khác, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp để vận động Quỹ vì người nghèo cùng với các nguồn xã hội hóa khác nhau, thực hiện chương trình thăm hỏi, chúc Tết những người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Mục đích làm sao mọi người dân đều có quà, dù không đầy đủ hết, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tối đa.

Ngoài ra, Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương quan tâm chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà và trợ giúp xã hội trong dịp tết; vận động các tổ chức, cá nhân, bố trí ngân sách địa phương chăm lo tết cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trên địa bàn của mình đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt quan tâm nhất đến đối với các đối tượng yếu thế nhất, để họ có Tết và giúp mọi người đều cảm thấy đầm ấm, vui vẻ.

Đối với những địa phương không cân đối được ngân sách, cần phải báo cáo về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính sớm để có phương án hỗ trợ. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Chủ tịch nước tặng quà cho đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với tổng kinh phí đề xuất tặng quà là hơn 435 tỉ đồng. Mức quà tặng giữ nguyên như dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Qua sơ bộ qua báo cáo của một số địa phương, ông đánh giá như thế nào về bức tranh thưởng Tết năm 2022 này?

Như trên tôi đã nói, thưởng Tết năm nay cho người lao động sẽ rất khó khăn bởi tình hình tại các khu vực doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hiện chúng tôi đang tập hợp báo cáo từ các địa phương lên nhưng chưa đầy đủ. Nhưng nhìn chung là mức thưởng cũng ngang bằng như năm trước hoặc một số doanh nghiệp là thấp hơn năm trước. Bởi thực ra, qua 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid thì các nguồn dự phòng, nguồn tích lũy của doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn.

Vì vậy, chúng tôi cũng động viên doanh nghiệp cố gắng chăm lo đến đời sông ngườ lao động. Còn con số cụ thể như thế nào thì hiện vẫn chưa tính được. Qua làm việc với một số doanh nghiệp chúng tôi thấy các doanh nghiệp đang cố gắng cơ bản ngang bằng với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp rất quan tâm chăm lo chính sách phúc lợi về lương thưởng cho người lao động.

Thưa ông, gần đây thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, người lao động đang quay trở lại doanh nghiệp là rất tốt. Ông có lời nhắn nhủ gì cho doanh nghiệp cũng như người lao động?

Hiện nay, việc người lao động quay trở lại doanh nghiệp là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp. Hơn nữa, khi người lao động đã làm ở doanh nghiệp thì cũng nên ở lại doanh nghiệp, không làm khó doanh nghiệp về việc đảm bảo nguồn cung ứng lao động.

Muốn làm được điều này thì nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp, những chính sách hết sức linh hoạt đối với người lao động để giữ chân người lao động. Có nơi thì trả thêm lương thưởng là những chính sách an sinh như hỗ trợ tiền vé xe, vé tàu, quà Tết rất linh hoạt để giữ chân người lao động.

Với khả năng và cách làm của mỗi doanh nghiệp thì về cơ bản, các doanh nghiệp mong muốn để cho sau Tết, tất cả lao động quay trở lại làm việc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính lược thích ứng an toàn kiểm soát dịch bệnh đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất bình thường thì phía doanh nghiệp và người lao động cần hỗ trợ lẫn nhau để phát triển doanh nghiệp, đảm bảo đời sống người lao động.

Về phía Nhà nước cũng sẽ có những giải pháp hỗ trợ để từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hà Lê -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/luong-thuong-cho-nguoi-lao-dong-tet-nay-co-gang-bang-tet-truoc.htm