Lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép chất lượng cao Hòa Phát lập đỉnh
Được mệnh danh là 'vua thép', Tập đoàn Hòa Phát đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh khá tốt. Theo số liệu mới nhất, lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép chất lượng cao của doanh nghiệp này trong tháng 4 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng…
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, tháng 4/2024, Tập đoàn đã sản xuất 738.000 tấn thép thô, giảm nhẹ so với tháng trước. Hoạt động bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3/2024.
Trong đó, riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 471.000 tấn, tăng 24% so với tháng trước đó. Đây là sản lượng bán hàng cao nhất của Tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm 2024 cũng như lượng tiêu thụ tháng 4 cao nhất từ năm 2022.
Theo Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng đáng kể so với tháng sau Tết nhờ nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng dần. Đồng thời, lượng hàng tồn kho ở các đại lý, nhà phân phối đã xuống thấp trong tháng 4, thúc đẩy các đơn vị phân phối thép Hòa Phát nhập thêm hàng phục vụ thị trường. Điều này đã giúp tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng, mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở miền Bắc với 73%, miền Trung với 37%.
Bên cạnh đó, thép cán nóng HRC đạt 252.000 tấn, giảm 4% so với tháng 3 vừa qua. Tập đoàn đã cung cấp nhiều sản phẩm hạ nguồn HRC bao gồm 70.000 tấn ống thép, 48.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong tháng 4/2024.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép HRC, phôi thép đạt 2,65 triệu tấn. Trong đó, Hòa Phát đã xuất khẩu 952.000 tấn thép bao gồm thép xây dựng, thép chất lượng cao, thép HRC và phôi thép.
Hoạt động xuất khẩu hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm thị trường nội địa chưa thực sự khởi sắc, đa dạng hóa kênh bán hàng.
Từ đầu năm đến hết tháng 4, ống thép Hòa Phát ghi nhận sản lượng 201.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2023. Tôn mạ các loại đạt 146.000 tấn.
Với công suất hiện tại 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Tập đoàn Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, Hòa Phát giữ thị phần số 1 về thép xây dựng, ống thép và nằm trong top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam.
Tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Dự kiến khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn/năm, tương đương top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Liên quan đến ngành thép, mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) cho biết đã tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngày 3/5, cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại. Theo đó, trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Nội dung thẩm định hồ sơ bao gồm xác định tư cách đại diện hợp pháp của ngành sản xuất trong nước của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương.
Cùng với đó là xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.
Để phục vụ công tác thẩm định và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cơ quan điều tra đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất/kinh doanh hàng hóa tương tự nêu trên cung cấp các thông tin về doanh nghiệp, công suất thiết kế và sản lượng của sản phẩm thép mạ trong giai đoạn 2019 – 2023, ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến), bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc. Thời hạn cung cấp các thông tin trên là ngày 20/5/2024.