Lương tối thiểu vùng 2024: Tăng bao nhiêu là phù hợp?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2022 để có căn cứ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.
Cần thiết phải tăng lương
Hơn 20 năm làm công nhân tại một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), chưa có năm nào thu nhập của chị Nguyễn Thị Thảo (quê Vĩnh Phúc) bị giảm sút như năm nay. Chị Thảo cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình đơn hàng của công ty gặp khó khăn, chị cũng như bao đồng nghiệp khác bị cắt giảm từ 2-3 ngày làm việc trong tuần nên tính chung cả tháng, thu nhập của chị còn vỏn vẹn 6-7 triệu đồng. Cá biệt có tháng phải nghỉ hết tháng vì công ty hết đơn hàng. “Năm 2022 lương tối thiểu vùng tăng 6% so với năm 2021 nhưng thực tế thu nhập người lao động (NLĐ) lại giảm vì không có việc làm thêm, phải nghỉ luân phiên. Công nhân như chúng tôi chỉ biết sống dựa vào tiền lương, tăng ca nên năm 2024 lương tối thiểu vùng cần phải tăng gấp đôi với năm 2022 thì may ra mới giúp bù chi phí” - chị Thảo nói.
Theo chị Thảo, từ đầu năm 2022 dù công ty không có đơn hàng, cuộc sống NLĐ gặp nhiều khó khăn song các chi phí khác đều đội lên vì giá cả tăng chóng mặt. Đến ngay rau xanh, thứ thiết yếu nhất cũng tăng chóng mặt, giá cả vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thu nhập thấp nhưng mỗi tháng chi phí sinh hoạt đội lên từ 2-3 triệu đồng do giá cá tăng kéo theo giá nhà, tiền gửi trẻ…cũng tăng.
Bộ LĐTB&XH cũng chỉ ra một thực tế, năm 2022, thu nhập bình quân của NLĐ đạt 6,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 12% so với năm 2021. Dù vậy, từ tháng 9/2022 trở lại đây, trước biến động trên toàn cầu, một số DN bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm việc làm, ảnh hưởng tới một bộ phận NLĐ. Thống kê của các địa phương cho thấy, cả nước có hơn 528 DN bị cắt giảm đơn hàng. Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trên 637 nghìn người.
Đề cập về mức sống hiện nay của NLĐ, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội cho rằng, hiện do đơn hàng giảm sút nên công nhân không thể làm thêm giờ. Trong khi đó, nếu thu nhập của công nhân là 10 triệu đồng/tháng thì có khoảng 3-4 triệu đồng là từ tiền làm thêm giờ, tăng ca (chiếm 30-40%). Nhiều DN cũng đang tìm cách giữ NLĐ thông qua việc trả đủ lương tối thiểu - mức lương DN đã chi trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Cần có mức tăng phù hợp
Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2022 để có căn cứ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Đối với lương tối thiểu theo tháng, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức tiền lương tối thiểu; trong đó có việc triển khai quy định tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ theo quy định tại khoản 3 điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP.
Trong đó, công văn cũng lưu ý kiểm tra, giám sát thực hiện các thỏa thuận về trả tiền lương cho NLĐ làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát mức lương, đời sống NLĐ tại các DN. Qua khảo sát cho thấy, tính cả lương và khoản tiền làm thêm giờ của NLĐ chỉ đủ trang trải các chi phí tối thiểu hàng ngày, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều lao động cho biết, mức lương tối thiểu vùng hiện tại quy định tại khu vực rất thấp, chưa đảm bảo đời sống NLĐ. Việc nâng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống của NLĐ trong năm 2024 là rất cần thiết và phù hợp.
Tại Hưng Yên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Trần Văn Dũng cho biết, khi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, hầu hết các DN không cắt giảm hoặc xóa bỏ các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, cũng như trong thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động, luôn đảm bảo mức lương trả cho người lao động làm các công việc đơn giản. “Thực tế có nhiều DN đã trả mức lương tối thiểu cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng (từ 4.500.000 đồng đến 6.500.000 đồng/người/tháng chưa bao gồm các loại phụ cấp khác theo thỏa thuận). Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ, Bộ LĐTB&XH cần tham mưu Chính phủ tăng lương tối thiểu năm 2024 lên từ 10 đến 15% so với mức lương hiện hành” - ông Dũng đề xuất.
Tương tự, lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thanh Hóa cũng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024 thêm 5-7%; Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Nông đề xuất tăng 7 - 7,5% so với mức lương hiện hành.
“Để đảm bảo thu nhập cho người lao động, trước hết doanh nghiệp phải thực hiện đúng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng theo quy định. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh đó, cần tăng lương định kỳ theo chính sách riêng của doanh nghiệp nhằm đãi ngộ xứng đáng cho người lao động khi họ có tiến bộ về năng lực và năng suất lao động, tạo động lực và sự gắn bó của người lao động” - Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội.