Lương tối thiểu vùng có tăng trong năm 2024?
Đây là vấn về đang được nhiều công nhân lao động, cán bộ Công đoàn quan tâm bởi hiện nay mức lương tối thiểu vùng (TTV) chưa đảm bảo cuộc sống người lao động (NLĐ). Trong khi đó, từ năm 2022 đến nay, việc làm, thu nhập NLĐ đều bị ảnh hưởng khiến cuộc sống của họ thêm phần khó khăn.
Hiện chưa có phương án chính thức về việc lương TTV năm 2024 sẽ tăng bao nhiêu bởi sẽ còn phụ thuộc vào phiên họp lần hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
NLĐ vẫn trông chờ
“Từ tháng 8-2023, tôi chỉ làm một tháng có 10 ngày do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng. Thu nhập từ hơn 6 triệu đồng/tháng giảm xuống còn hơn 2 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, chỉ đủ trả tiền trọ, điện nước, còn tiền sinh hoạt, tiền học cho con tôi phải xoay xở đủ đường. Điều mong mỏi của công nhân lúc này là có việc làm và mức lương ổn định” - chị Lê Thị Hà, làm việc tại một DN sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Lương TTV là mức thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Hiện mức lương TTV/tháng của NLĐ làm việc trong DN ở vùng 1 là 4,68 triệu đồng, vùng 2 là 4,16 triệu đồng, vùng 3 là 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.
Chia sẻ của chị Hà cũng là thực trạng chung của nhiều lao động trong thời điểm DN “khát” đơn hàng như hiện nay. Theo chị Hà, hiện mức lương TTV tính theo khu vực của NLĐ còn quá thấp trong khi giá cả thị trường các mặt hàng vẫn tăng. Hàng tháng công nhân phải tính toán “chóng mặt” mới vượt qua bão giá, trụ vững với cuộc sống xa quê. Nếu năm 2024, thu nhập, việc làm vẫn bị ảnh hưởng thì nhiều NLĐ sẽ nghĩ ngay đến phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần để trang trải nhu cầu cuộc sống trước mắt.
Anh Lê Văn Thi, lái xe nâng trong một DN chuyên sản xuất dây khóa kéo ở H.Nhơn Trạch cho hay, việc tăng lương TTV trong năm 2024 rất cần thiết vì hiện tại thu nhập NLĐ đều giảm do không được tăng ca. Nếu cuộc sống tối thiểu không đảm bảo, nhiều người buộc rời nhà máy, chọn về quê sinh sống sau dịp Tết Nguyên đán 2024.
Mới đây, Viện Công nhân và Công đoàn đã khảo sát tình hình việc làm, đời sống công nhân tại các đơn vị, DN trên địa bàn Đồng Nai. Qua khảo sát, nhiều lao động ở trọ cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, việc DN giảm đơn hàng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập hàng tháng của NLĐ. Mức sống không đảm bảo khiến nhiều lao động phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc. Vì vậy, NLĐ đều trông chờ được tăng lương trong năm tới; đi kèm với đó là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương để giúp họ “vực dậy”, yên tâm sản xuất.
Trước đó, kết quả khảo sát về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống NLĐ năm 2023 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, chỉ có hơn 24% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập đủ đáp ứng chi tiêu cho cuộc sống; còn lại hơn 75% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Ngoài ra, 59% lao động không có tiền tích lũy. Do đó, khi thu nhập giảm, NLĐ đều rơi vào tình trạng bị động và chật vật với cuộc sống.
Vẫn chưa có sự thống nhất
Theo kế hoạch, trong quý IV-2023, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào ngày 1-1-2024. Trước đó, đầu tháng 8-2023, Hội đồng Tiền lương đã họp phiên đầu tiên để bàn thảo về việc điều chỉnh lương TTV. Tại phiên họp này, mặc dù đại diện các bên liên quan đều thống nhất cần tăng lương tối thiểu vùng, song chưa thống nhất được thời điểm và mức tăng.
Trong 10 năm qua, lương TTV thường điều chỉnh vào ngày 1-1 hàng năm nhưng riêng năm 2022 lại điều chỉnh vào ngày 1-7 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thời điểm đó, đa số NLĐ đã chia sẻ khó khăn với DN trong 2 năm không tăng lương. Song năm 2024, việc tăng lương TTV là mong mỏi của phần lớn NLĐ khi mà mức lương TTV còn quá thấp, chưa đảm bảo mức sống và giá cả thị trường hiện nay.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương TTV cho NLĐ, bảo đảm thực hiện từ ngày 1-7-2024. Ngoài ra, quan tâm tác động của việc tăng lương đến giá cả, nhất là tình trạng lương chưa tăng thì giá cả đã tăng. Tăng lương mà không kèm theo những biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương sẽ không được bảo đảm.
Các cán bộ Công đoàn cũng cho rằng, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ thì mức điều chỉnh tiền lương TTV năm 2024 cần tăng và cần cân nhắc thời điểm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến cả DN và NLĐ. Đặc biệt, tiền lương phải gắn với mức sống, phản ánh cung, cầu lao động; lương của NLĐ phải bảo đảm mức sống tối thiểu. Một số ý kiến khác cũng mong muốn NLĐ chia sẻ khó khăn với DN để vượt qua giai đoạn này.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) cho hay, tăng lương TTV là mong muốn của tất cả NLĐ cũng như các cán bộ Công đoàn. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều DN đang gặp khó khăn trong sản xuất nên việc tăng lương không dễ dàng, nhất là khi vừa phải lo thưởng Tết, vừa phải điều chỉnh mức lương. Do vậy, cần tính toán kỹ và có sự hài hòa giữa DN và NLĐ.
Thực tế, kinh tế quý III và những tháng đầu quý IV-2023 đã có dấu hiệu khởi sắc. Song các DN vẫn đối mặt nhiều khó khăn khi xuất khẩu giảm mạnh, đơn hàng chỉ đủ đảm bảo việc làm cho NLĐ từ nay đến cuối năm. Năm 2024, tình trạng thiếu hụt đơn hàng được dự báo là vẫn tiếp diễn khi có hơn 17% DN cho biết tình hình thiếu đơn hàng sẽ tăng. Các DN cho rằng, hiện nay, hầu hết vẫn đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương TTV do Chính phủ quy định, nếu lương tối thiểu tăng quá cao sẽ tăng thêm gánh nặng về chi phí nhân công cho DN trong bối cảnh hiện nay.
Việc điều chỉnh tiền lương TTV trong thời gian tới là rất cấp thiết, song cũng được cho là gặp không ít thách thức, nhất là trong bối cảnh tình trạng DN vẫn khó khăn về sản xuất kinh doanh và phụ thuộc vào đơn hàng. Việc tăng lương thời điểm nào, phù hợp khả năng chi trả của DN và mức sống NLĐ đang chờ vào phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới. Song cả DN và NLĐ đều mong có phương án hài hòa đôi bên để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh chung hiện nay.