Lương y hành thiện

Hơn bốn năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nào vị lương y tuổi đời ngoại thất thập cũng chạy xe gắn máy mấy chục cây số hai lượt đi về từ nhà đến Phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện chùa Phước Lâm, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) chẩn trị cho nhiều bệnh nhân nghèo trên địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên và các địa phương lân cận. Ông chính là lương y Phạm Văn Đức, người thầy thuốc đông y đang miệt mài với công tác chữa bệnh cứu người bằng y học cổ truyền, hết lòng với công tác hành thiện cứu người.

Lương y Phạm Văn Đức ngụ ấp Phước Lợi, xã Phú Tân (Châu Thành), sinh năm 1948, năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Ông đang ngày đêm góp phần trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân bằng y học cổ truyền. Nhất là những bệnh nhân là bà con nghèo, bà con thuộc các vùng nông thôn xa, điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Chính vì vậy, suốt mấy chục năm qua, từ khi trở thành lương y, lúc nào ông cũng giúp đỡ bà con khắp các địa phương trong tỉnh bằng nghề nghiệp của mình.

Ngay từ nhỏ ông đã luôn có tâm nguyện đi làm công tác xã hội từ thiện để giúp người, nhất là người nghèo khó, những người không may mắc phải bệnh tật không có điều kiện chạy chữa. Từ tâm nguyện đó ông quyết tâm là trở thành thầy thuốc giúp đời, cứu người. Từ đó, ông xin vào học y sĩ đông y tại các lớp tập huấn ngắn hạn và dài hạn, cũng như theo học ở các danh y Võ Hữu Đức, sư ông Giác Thuận, sư ông Giác Liên, tiến sĩ Huỳnh Minh Đức, bác sĩ Võ Tấn Hưng, bác sĩ Trương Thìn… Đến năm 1978, chính thức trở thành lương y.

Lương y Phạm Văn Đức. Ảnh: DNT

Lương y Phạm Văn Đức. Ảnh: DNT

Thời gian sau đó, ông công tác tại Hội Đông y huyện Mỹ Tú, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Đông y, về hưu và mở phòng mạch tại nhà để tiện giúp đỡ bà con. Trong thời gian này, ông tham gia công tác hành thiện tại nhiều phòng chẩn trị y học cổ truyền từ thiện trong tỉnh và đến năm 2015, chính thức hành y tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện chùa Phước Lâm.

Tại đây, mỗi ngày ông khám và điều trị bằng y học cổ truyền cho hơn 30 bệnh nhân, từ 7 giờ đến 11 giờ, từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần. Luôn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả. Phòng chẩn trị hoạt động theo phương thức phước thiện, cứu khổ ban vui, giúp đỡ mọi người. Bà con đến khám và chữa bệnh hoàn toàn không phải thanh toán gì nên tiết kiệm chi phí rất nhiều, nhất là đối với bà con nghèo thì càng ý nghĩa. Qua đó, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân. Sức khỏe của người bệnh cũng chính là động lực để ông và mọi người ở đây ngày càng yêu nghề, cố gắng nâng cao tay nghề, nghiên cứu những bài thuốc mới, hay trong điều trị bệnh. Ngoài ra, tại phòng khám ở gia đình, ông còn châm cứu miễn phí cho bà con bệnh nhân.

“Hàng ngày, có từ vài chục người tìm đến Phòng Chẩn trị y học cổ truyền từ thiện chùa Phước Lâm để khám, chữa bệnh, đa số là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng nông thôn xa. Nhiều cảnh đời cũng éo le lắm nên càng thấy đồng cảm và mong muốn giúp đỡ mọi người nhiều hơn. Bởi vì, khi bà con đến chữa bệnh thì họ đã rất lo lắng, mình phải đối xử ân cần, nhẹ nhàng, động viên, trấn an để mọi người thấy an tâm hơn về tình hình sức khỏe, từ đó công việc chữa bệnh mới đạt kết quả tốt. Ngoài xem mạch, chữa bệnh, còn hướng dẫn mọi người biết cách giữ gìn sức khỏe bản thân. Tôi và mọi người ở đây luôn cố gắng làm việc, đối đãi với mọi người bằng cả tấm lòng người hành y, cũng như luôn trau dồi, nâng cao tay nghề, giúp đỡ bà con được sức khỏe, bệnh nhân khỏe mạnh là chúng tôi vui rồi. Năm nay tôi cũng ở tuổi ngoại thất tuần nhưng còn sức khỏe thì vẫn còn làm, không phải suy nghĩ gì hết, chỉ biết một điều phải hết lòng phục vụ người bệnh “Lương y phải như từ mẫu” - Lương y Phan Văn Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông luôn dành thời gian học tập, thực hành với sự đam mê, yêu thích về y học đông phương, kế thừa, phát huy, phát triển đông y Việt Nam trong tỉnh. Tham gia cộng tác với các báo, tạp chí để phổ biến các bài thuốc cổ truyền hay; thu thập, tổng hợp các bài thuốc nam, thuốc bắc, dược liệu và châm cứu.

Sư cô Thích Nữ Tăng Trí - phụ trách Tuệ Tĩnh Đường (chùa Phước Lâm) cho biết: “Lương y Đức giúp cho chùa trong việc chữa trị cho các vị sư, ni trong chùa, cũng như nhiệt tình với công tác khám, chữa bệnh cho bà con ở đây và chữa trị cho bà con hoàn toàn bằng từ thiện. Qua đó, giúp bệnh nhân nghèo có thêm điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công tác từ thiện của chùa”.

DNT

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/luong-y-hanh-thien-31265.html