Lụt tới nóc nhà, nhiều điểm ở Nghệ An bị cô lập, chia cắt
Ảnh hưởng của bão Wipha gây mưa lớn ở thượng nguồn sông Cả, khiến hàng nghìn ngôi nhà tại các xã biên giới như Mường Xén, Tương Dương, Con Cuông... bị ngập sâu từ 1,8 đến gần 3 m.

Nước lũ bao vây, chia cắt địa bàn xã Con Cuông. Ảnh: Thành Cường.
Ngày 23/7, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước lũ từ sông Nậm Mộ một phụ lưu của sông Cả dâng cao, khiến hàng chục ngôi nhà hai bên bờ đoạn qua xã Mường Xén (trung tâm huyện Kỳ Sơn cũ) ngập sâu gần 2 m.
Khu vực này hiện có hàng trăm hộ dân bị cô lập, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Trước đó, chính quyền địa phương đã chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn, một số hộ dân kịp thời di chuyển lên tầng hai để tránh lũ.

Trung tâm xã Mường Xén, Nghệ An nước lũ đang rút. Ảnh: CTV.
Suốt đêm 22 đến trưa 23/7, người dân tất bật chạy lũ, di dời tài sản như tivi, tủ lạnh gửi nhờ nhà người thân. Tuy nhiên, do nước lũ lên nhanh, nhiều vật dụng trong nhà không kịp di chuyển đã bị cuốn trôi ra đường.
Khoảng 1h sáng ngày 23/7, nước lũ bất ngờ dâng cao, tràn vào khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2, ngập đến nửa cổng trường. Lũ cuốn tràn lên cả dãy nhà hai tầng, khiến 12 tivi, 5 tủ lạnh, 22 máy tính bị hư hỏng nặng. Khoảng 1,7 tấn gạo dự trữ phục vụ học sinh bán trú cùng nhiều hồ sơ, giấy tờ quan trọng cũng bị ngấm nước.
Sáng nay, trường chỉ còn mỗi dãy nhà hai tầng, các dãy nhà cấp 4 đã bị nước cuốn trôi.

Trung tâm xã Tương Dương, bị ngập lụt nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV.

Lúc 1h ngày 23/7, nước lũ dâng cao gây ngập đến nửa cổng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mỹ Lý 2.
Cách Mường Xén khoảng 80 km về phía hạ du, tại xã Tương Dương (huyện Tương Dương cũ), mưa lớn kéo dài suốt hai ngày qua khiến nước sông dâng cao gần 2 mét, nhấn chìm nhiều nhà dân.
Chợ Hòa Bình, trung tâm buôn bán của xã cũng bị ngập sâu hơn 2 mét. Mưa lớn trên diện rộng, kết hợp với lũ đổ về từ phía Lào, khiến lưu lượng nước đổ vào hồ thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na) đạt đỉnh tới 12.800 m³/s vượt xa mức thiết kế. Trước áp lực khổng lồ, nhà máy buộc phải tăng lưu lượng xả lên 4.300 m³/s nhằm giảm tải cho hồ chứa có dung tích gần 1,83 tỷ m³.

Tại thôn Vĩnh Hoàn, có 40/50 hộ bị ngập, trong đó có trên 20 hộ bị ngập rất sâu. Ảnh: Thành Cường.
Rạng sáng 23/7, nước sông Lam bất ngờ dâng cao khiến 19/36 thôn ở xã Con Cuông bị ngập sâu từ 1 đến 3m, hàng trăm hộ dân phải sơ tán khẩn cấp.
Theo thống kê, có khoảng 360 hộ bị ngập sâu, trong đó nhiều gia đình mất trắng tài sản. Riêng thôn Bản Pha, 140/150 hộ bị nước lũ tràn vào nhà, còn tại thôn Vĩnh Hoàn, 40/50 hộ bị ảnh hưởng, trong đó hơn 20 hộ ngập sâu hoàn toàn. Người dân phải dùng thuyền vớt lại tài sản, nhiều gia đình đang sống tạm trên thuyền, chờ nước rút.

Từ 1 giờ sáng 23/7, nước sông Lam bất ngờ dâng lên rất nhanh, người dân trở tay không kịp. Ảnh: Thành Cường.

Nhiều tài sản của người dân đã ngập chìm trong nước. Ảnh: Thành Cường.

Nhiều người dân Vĩnh Hoàn lấy thuyền làm nơi cư ngụ tạm thời, chờ nước rút. Ảnh: Thành Cường.
"Tủ lạnh, xe máy, đồ đạc giờ đang nằm trong nước", bà Dương Thị Hòa (62 tuổi, Bản Pha) nghẹn ngào nói.
Giao thông trên Quốc lộ 7 đoạn qua eo Vực Bồng cũng bị chia cắt do nước ngập hơn 1m kéo dài gần 700m. Tuyến đường vào xã Môn Sơn hoàn toàn tê liệt.
Từ 3h sáng, lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt ngăn phương tiện qua khu vực nguy hiểm. Quân đội được huy động cứu hộ, đưa người bệnh đến cơ sở y tế bằng xuồng máy.
Thông tin từ xã Con Cuông, hiện có 340 hộ dân bị ngập... Thời điểm này, nước sông Lam vẫn đang tiếp tục dâng lên.

Nhà dân ở xã Tương Dương ngập sâu trong lũ.

Trung tâm xã Tương Dương, Nghệ An bị ngập lụt.
Từ đêm 22 đến sáng 23/7, chính quyền các xã Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông... đã huy động lực lượng, cử cán bộ đến từng hộ dân để hỗ trợ sơ tán người dân đến điểm trường, nhà văn hóa thôn để tránh trú an toàn, đồng thời giúp di dời tài sản lên vị trí cao hơn.
Nhiều người dân cho biết, nước lũ dâng lên rất nhanh. Buổi tối, mực nước chỉ ngang mặt đường, nhưng chỉ sau khoảng 3 tiếng, toàn bộ ngôi nhà đã bị nhấn chìm trong biển nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 23/7, mưa lớn tập trung tại phía nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 20-50 mm, có nơi trên 100 mm. Cảnh báo nguy cơ mưa lớn cường suất trên 150 mm trong 3 giờ, tiềm ẩn rủi ro ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có báo cáo nhanh, hiện có 1 người tử vong (bà Vừ Y Xìa, 78 tuổi, xã Nhôn Mai, bị đất đá vùi lấp), 4 người bị thương, và 1 người mất tích (bà Lỳ Y Dinh, 70 tuổi, xã Nậm Cắn, bị nước cuốn trôi, đang được lực lượng chức năng tìm kiếm).
Về nhà ở, có 417 nhà bị thiệt hại và 3.237 nhà bị ngập. 1 điểm trường bị tốc mái, 2 trụ sở xã, 1 nhà văn hóa bị ảnh hưởng. Trong lĩnh vực y tế, 1 trung tâm y tế bị ngập nước.
Lĩnh vực nông nghiệp chịu tổn thất nặng nề: hơn 1.300 ha lúa, 286 ha mạ, 748 ha rau màu, và gần 300 ha rừng bị hư hại; hàng trăm cây xanh đô thị bị đổ gãy. Về chăn nuôi, 58 con gia súc và 825 gia cầm bị chết hoặc cuốn trôi. 53 lồng bè, 130 ha ao hồ nhỏ bị hư hỏng.
Giao thông cũng bị ảnh hưởng lớn với 16 điểm ngập, 45 điểm sạt lở taluy, gần 1.522m đường bị hư hỏng, 3 cầu cuốn trôi, 2 cống bị hỏng và 56 điểm ngập gây ách tắc. Một số tuyến điện lực và truyền thông bị hư hại: 34 cột điện gãy đổ, 1 cụm loa phát thanh hỏng.
Ngoài ra, nhiều trang thiết bị sản xuất và sinh hoạt như máy cày, máy bơm, máy tuốt lúa, trạm biến áp, hệ thống cấp nước… cũng bị cuốn trôi, chập cháy hoặc hư hỏng.