Lưu Bị cả đời bồi dưỡng 5 danh tướng, tiếc là chỉ 2 người có kết cục tốt đẹp, nếu không đã có thể thay đổi lịch sử Tam Quốc
5 danh tướng này rất quen thuộc với những người yêu thích Tam Quốc diễn nghĩa.
Lưu Bị khác với Tào Tháo, bởi vì hoàn cảnh xuất thân của ông không thể so được với Tào Tháo, nhưng Lưu Bị lại có thể mượn thế lực để chống lại thế lực. Nếu như để Lưu Bị gặp Trương Tam Phong, Lưu Bị chắc chắn có thể luyện thành Thái Cực thần công.
Thời trẻ, Lưu Bị quen biết với cường hào trong vùng, làm cho bọn chúng cam tâm tình nguyện đưa tiền, góp sức. Về sau, Lưu Bị lại gặp được Quan Vũ, Trương Phi, cuối cùng bước lên con đường phục hưng nhà Hán tiền đồ thênh thang.
Mọi người đều biết, Lưu Bị giỏi nhất là khuếch trương thế lực, đoàn kết người tài dưới trướng của mình, đưa một nhóm thế lực rời rạc, tách biệt quy tụ lại cùng một chỗ.
Mặc dù học thức của Lưu Bị không cao, nhưng ông lại là người có trí tuệ, thông minh. Lưu Bị không chỉ dễ dàng có được chỗ đứng giữa thời Tam quốc phân tranh hỗn loạn, mà về sau ông còn chiếm được 1/3 thiên hạ cho mình.
Từ những thành công mà Lưu Bị đạt được, Lưu Bị chắc chắn không phải chỉ là một kẻ làm chiếu, bán giày tầm thường. Từ sâu trong cốt tủy ông, Lưu Bị là người có tầm nhìn, là người có tầm trong thiên hạ.
Cả đời Lưu Bị trọng dụng, bồi dưỡng 5 vị tướng tài, trong đó có 3 người nổi danh thiên hạ nửa trước thời Tam quốc, còn 2 người kia trở thành đại tướng uy quyền nửa sau thời Tam quốc, vậy họ là những ai?
Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 3 vị tướng mà Lưu Bị trọng dụng, bồi dưỡng trong giai đoạn đầu của thời Tam quốc.
Người đầu tiên chính là Quan Vũ
Quan Vũ, là nhị đệ kết nghĩa của Lưu Bị, là người trọng tình trọng nghĩa, là một vị tướng tài. Lưu Bị luôn coi ông là đối tượng bồi dưỡng, trọng dụng quan trọng.
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị còn giao cho Quan Vũ toàn quyền cai quản, bảo vệ Kinh Châu. Lưu Bị làm như thế có hai mục đích, thứ nhất là để Quan Vũ có thể trở thành một vị tướng có thể một mình phụ trách một phương; thứ hai là để Quan Vũ có thể mau chóng trưởng thành.
Trong thời gian Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, ban ngày ông huấn luyện binh mã, đến tối lại miệt mài đọc sách. Kết quả, đến Công nguyên năm 219, Quan Vũ uy chấn Hoa Hạ, nổi danh khắp nơi, có thể thấy những dụng tâm bồi dưỡng bao năm của Lưu Bị không phải là phí công.
Người thứ hai là Trương Phi
Với Trương Phi, Lưu Bị lại càng tốn nhiều tâm sức để bồi dưỡng hơn.
Lúc trẻ, Lưu Bị có được Từ Châu, trước trận giao chiến với Viên Thuật, ông đã đặc biệt giao Từ Châu cùng cả nhà lớn nhỏ của mình nhờ Trương Phi quan tâm, chiếu cố. Ông làm như vậy là có hai mục đích, thứ nhất là để Trương Phi có thể độc lập; thứ hai là bồi dưỡng tầm nhìn toàn cục cho Trương Phi.
Sắp xếp như vậy xong, Lưu Bị liền dẫn quân chinh chiến đường xa, nếu như Quan Vũ và Trương Phi có thể phối hợp nhịp nhàng với nhau, người làm thống lĩnh như Lưu Bị cũng bớt đi được nhiều lo lắng.
Nhưng Trương Phi lại là người có tính cách quá mức nóng nảy, xốc nổi, hay uống rượu, hơn nữa khi trừng phạt thuộc hạ lại không hề kiêng nể. Trương Phi như vậy khiến Lưu Bị vô cùng lo lắng.
Theo ghi chép trong "Tam Quốc chí – phần Trương Phi truyện", tiên chủ thường cảnh báo Trương Phi rằng: "Khanh xử phạt, hành hình vừa quá hà khắc, lại còn dùng roi đánh binh lính, nếu cứ như thế, rồi sẽ có ngày rước họa vào thân". Có thể thấy, Lưu Bị rất lo lắng, quan tâm đến Trương Phi, nhưng Trương Phi lần nào cũng đem lời dặn của Lưu Bị bỏ ngoài tai.
Tục ngữ đã nói: "Không nghe lời người lớn, ắt có ngày chịu thiệt", Trương Phi cuối cùng chết trong tay chính thuộc hạ của mình. Tuy vô cùng đáng tiếc, nhưng mặt khác cũng cho thấy rằng, Trương Phi đã phụ tấm lòng bồi dưỡng của Lưu Bị.
Người thứ ba là Hoàng Trung
Với Hoàng Trung, Lưu Bị cũng rất dụng tâm bồi dưỡng. Sau khi Quan Vũ giành được quận Trường Sa, Lưu Bị đã có cái nhìn khác với vị lão tướng họ Hoàng này, không chỉ kính trọng ông hơn mà còn trao thực quyền cho ông.
Công nguyên năm 211, Lưu Bị còn mang theo Hoàng Trung tiến vào Xuyên Thục. Bấy giờ, tiến vào Xuyên Thục là một trong những chiến lược quan trọng trong "Long Trung đối sách" của Gia Cát Lượng, chính vì thế khi Lưu Bị đưa theo Hoàng Trung bên cạnh đã đủ để thấy sự trọng dụng của Lưu Bị với Hoàng Trung.
Về sau, trong trận Hán Trung, Lưu Bị cũng để Pháp Chính là quân sư chính của mình, đích thân cùng Hoàng Trung ra trận, việc này đã cho thấy mức độ trọng dụng của Lưu Bị với Hoàng Trung cao cỡ nào.
Dưới sự tận tâm bồi dưỡng, trọng dụng của Lưu Bị, ba người Quan Vũ, Trương Phi cùng Hoàng Trung đều đã trở thành những vị tướng tài nổi tiếng giai đoạn đầu thời kỳ Tam quốc.
Ngoài ba người Quan Vũ, Trương Phi và Hoàng Trung, Lưu Bị cũng đặc biệt bồi dưỡng trọng dụng hai vị tướng khác là Vương Bình và Ngụy Diên.
Vương Bình là vị tướng được Lưu Bị bồi dưỡng trọng dụng từ sau trận Hán Trung. Với Vương Bình, Lưu Bị trực tiếp bỏ qua giai đoạn thử thách ông, đầu tiên là cho ông giữ chức "Nha Môn tướng".
Phải biết thêm rằng, Triệu Vân năm ấy để lên đến chức "Nha Môn tướng" cũng phải mất đến vài năm liền.
Ngụy Diên lại càng không cần phải nói, sau trận Hán Trung, Lưu Bị đề bạt ông lên vị trí Thái thú Hán Trung, cai quản, thống lĩnh toàn bộ Hán Trung. Vừa nhìn cũng đủ thấy sự trọng dụng của Lưu Bị cho Ngụy Diên.
Cả hai người Vương Bình và Ngụy Diên về sau đều trở thành những vị tướng tiêu biểu cho giai đoạn sau thời kỳ Tam quốc. Nhắc đến tên những vị tướng này, tin chắc rằng chắc chắn không có vị tướng Tào Ngụy nào là không biết đến họ.
Trong 5 danh tướng trên, Quan Vũ, Trương Phi và Ngụy Diên không có cái kết tốt đẹp, nếu không, sự nghiệp của Lưu Bị có thể sẽ làm thay đổi lịch sử Tam Quốc.