Gia Cát Lượng nổi tiếng là người liệu sự như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý nên đã có đóng góp rất lớn cho Lưu Bị trong việc thành lập nhà Thục. Theo đó, ông được hoàng đế khai quốc của Thục Hán tin tưởng, trọng dụng và phong làm Thừa tướng.
Thế nhưng, khi Quan Vũ bị quân Đông Ngô đánh úp Kinh Châu dẫn tới mất mạng năm 219 và Lưu Bị đại bại trong trận Di Lăng năm 221, Khổng Minh đều không có mặt hoặc làm gì để giúp họ lật ngược tình thế. Điều này khiến nhiều người tò mò vì sao Gia Cát Lượng lại im lặng trong 2 sự kiện quan trọng này.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, dù Gia Cát Lượng muốn cứu Quan Vũ nhưng lực bất tòng tâm. Bởi lẽ, Quan Vũ khi đó đang ở tiền tuyến của trận Tương – Phàn trong khi Gia Cát Lượng ở Thành Đô. Khoảng cách giữa hai nơi này rất xa. Do đó, khi biết tin Quan Vũ thất bại thì đã quá muộn và Khổng Minh không thể cứu được mãnh tướng này.
Thêm nữa, Quan Vũ đánh mất Kinh Châu và bị quân Đông Ngô bắt giữ rồi xử tử xuất phát từ việc Tôn Quyền và Tào Tháo đã liên minh với nhau. Đứng trước 2 thế lực mạnh như vậy, Gia Cát Lượng không có cơ hội để gửi quân tiếp viện tới ứng cứu Quan Vũ.
Cuối cùng, Lưu Phong (con trai nuôi của Lưu Bị) và Mạnh Đạt lúc đó đang trấn thủ ở Phòng Lăng và Thượng Dung (hai quận thuộc Kinh Châu, giáp Ích Châu), không chịu xuất quân ứng cứu Quan Vũ đã khiến võ tướng này chết thảm. Do không có cách nào giúp Quan Vũ vượt qua tình huống nguy hiểm trên nên Khổng Minh chỉ có thể im lặng.
Trong khi đó, Lưu Bị dẫn quân đánh Đông Ngô năm 221 nhằm giành lại Kinh Châu và trả thù cho Quan Vũ. Do Lưu Bị dẫn quân chinh chiến nên Khổng Minh được ông hoàng này cử ở lại Thành Đô - kinh đô của Thục Hán để giải quyết công việc triều chính.
Trước khi Lưu Bị xuất quân, Khổng Minh đã khuyên hoàng đế Thục Hán rằng trận đánh này hại nhiều hơn lợi. Tuy nhiên, Lưu Bị vẫn nhất quyết tiến hành cuộc chiến này và cuối cùng đại bại trong trận Di Lăng trước quân Đông Ngô.
Do Thành Đô và Di Lăng ở cách nhau khá xa nên khi Lưu Bị gặp bất lợi trên chiến trường, Khổng Minh cũng không thể giúp được gì giống như tình huống mà Quan Vũ gặp phải.
Thêm nữa, khi Lưu Bị quyết tâm đánh Đông Ngô, Gia Cát Lượng có người anh ruột là quan lớn làm việc dưới trướng Tôn Quyền. Điều này khiến Lưu Bị cảnh giác, đề phòng.
Nếu Khổng Minh nhất quyết khuyên can Lưu Bị từ bỏ kế hoạch tấn công Đông Ngô thì có thể bị ông hoàng này nghi ngờ lòng trung thành và có kết cục không mấy tốt đẹp. Vậy nên, Gia Cát Lượng giữ im lặng, không can dự quá sâu vào việc Lưu Bị đánh Đông Ngô.
Mời độc giả xem video: Trung Quốc: Một thành phố bị bão tuyết tấn công nghiêm trọng.
Tâm Anh (TH)