Lưu bút học trò và sự hối tiếc

Tôi tự hỏi 40 năm sau, liệu đứa cháu có ân hận như mình, khi không còn giữ chút gì của bạn bè qua những dòng lưu bút học trò.

Thập niên 60 thế kỷ 20, đám học trò chúng tôi thường chuyền tay nhau những quyển lưu bút ghi cảm nghĩ, bút tích kèm theo hình ảnh bạn bè, nhất là những lớp cuối cấp.

Sẽ chẳng có gì hối tiếc nếu không có chuyện xảy ra trong năm đệ thất (lớp 6), cái tuổi vừa khít cho những trang lưu bút tuổi học trò khởi đầu tháng ngày trung học của mình.

Tôi dự định ra chơi là mua một quyển sổ lớn. Lúc vừa vào lớp, thầy toán nhác thấy vài quyển lưu bút chuyền tay nhau, thầy phán liền:

- Chắc chắn không ai dám vỗ ngực bảo đảm mình sẽ giữ những quyển lưu bút đó được vài năm chứ đừng nói chi giữ đến lúc già, lúc chết... Vì vậy, các em đừng phí thời gian cho những chuyện tầm phào đó. Hãy cố giữ tất cả trong ký ức của mình, sẽ thấy lòng thanh thản hơn mỗi khi nhớ lại.

 Không thể thiếu những vần lưu bút cùng cuốn ảnh kỷ yếu lưu niệm một thời áo trắng. Ảnh: L.H.

Không thể thiếu những vần lưu bút cùng cuốn ảnh kỷ yếu lưu niệm một thời áo trắng. Ảnh: L.H.

Tôi nghe lời thầy, không mua sổ để làm lưu bút nữa, mà chỉ ghi lại tất cả vào trí nhớ của mình. Nói theo ngôn ngữ hôm nay là tất cả cho vào bộ nhớ. Từ lớp đệ thất đó cho đến năm thi Tú Tài rồi đại học, tôi không có một quyển lưu bút nào... Tất cả cho vào bộ nhớ...!

Và tôi đã có những phút giây thanh thản nhớ lại những gì đã đến với mình. Những người bạn, thầy cô và bao kỷ niệm thần tiên thời đi học. Thật lãng mạn và đẹp đẽ!

Thế nhưng, ký ức càng đẹp, tôi càng trách mình đã không có một hình ảnh, bút tích nào của thầy, cô hay người bạn. Càng lớn tuổi, kỷ niệm như mới đây thôi nhưng hình ảnh thầy cô, bạn bè gần như nhạt nhòa theo thời gian.

Thật thèm làm sao khi thấy cô bạn hàng xóm mang từng quyển lưu bút những năm đi học ra khoe. Màu mực đã nhòa, hình ảnh đã mờ đi, những trang tập đã đổi màu thời gian, từ trắng thuở xưa thành vàng ngậm ngùi.

Thế nhưng, một thứ không đổi và có lẽ gây xúc động mạnh nhất là những câu chúc ngô nghê, những câu “dặn dò” mộc mạc:

"Hai tay bưng dĩa muối gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau

...

Hai tay bưng chậu hoa hồng

Chị em kết nghĩa mới trồng vào đây".

Những lời mà hôm nay có lẽ giới trẻ cho rằng “sến súa” hay “sến không bờ bến”, nhưng thuở đó thật cảm động và cứ tìm những câu ca dao nói về tình bạn mà ghi vào.

Để rồi giờ đọc “ké” của cô bạn hàng xóm mà lòng nghe bùi ngùi, cảm động và chẳng thấy sến chút nào. Chỉ thấy tình bạn thuở học trò sao mà chơn chất thế. Khác hẳn những xu nịnh hoặc chơi theo “gu” thời trang, thẩm mỹ hay điều kiện kinh tế khi ra đời làm việc.

Tôi chợt trách thầy toán ngày trước. Sao thầy lại “cảnh báo” việc chuyền tay những trang lưu bút làm gì. Lại còn bảo nên giữ trong trí óc những ký ức.

Ký ức là ký ức. Còn bút tích, hình ảnh, những gì bạn bè trao cho nhau, sự chân thành, những thứ đơn giản nhất của tuổi học trò... cần phải lưu giữ lại một cách “cụ thể” chứ. Tôi đã nghe lời thầy và thật trách mình sao quá cố chấp để bây giờ sống trong hối tiếc.

Tôi hỏi đứa cháu gọi tôi bằng bà Út:

- Năm nay cuối cấp ba rồi, bạn bè sẽ xa nhau, con có viết lưu bút cho bạn hay gởi bạn lưu bút viết cho mình làm kỷ niệm không?

Nó cười lớn:

- Lưu bút cái gì bà Út ơi. Bây giờ tụi con có mạng xã hội, có gì cứ “quăng” lên đó, buồn buồn down xuống xem. Nếu thấy bực mình thì delete. Khỏe...! Lưu bút viết lách làm gì cho mệt!

Ờ, biết đâu đó là suy nghĩ của người trẻ: Nhanh gọn lẹ để kết bạn và hủy kết bạn. Thế nhưng, tôi tự hỏi 40 năm sau liệu cháu có ân hận như tôi khi không còn giữ một chút gì của bạn bè?

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luu-but-hoc-tro-va-su-hoi-tiec-post1195649.html