Lưu giữ giếng cổ 5 ngàn năm
Có niên đại được xác định 5.000 năm, những chiếc giếng cổ của người Chăm ở xã Gio An (miền Tây Gio Linh, Quảng Trị) vẫn lưu giữ được những nét độc đáo quý hiếm.
Với vùng đất Quảng Trị, người Chăm đã để lại những dấu vết vàng son. Năm ngàn năm trước, người Chăm đã để lại vô số công trình nước trên mảnh đất này. Trong sâu thẳm của núi rừng, của lá, của đất, của nước… vẫn mang vết dấu lớn của nền văn minh Chăm Pa.
Về miền giếng cổ Gio An, chúng tôi đi hơn 7km từ đường 75. Hàng chục cái giếng cổ cho những cánh đồng lúa, những cánh đồng rau xanh đến ngập người. Giếng “pheo” thể hiện rõ chất văn minh của người Chăm. Nó có kết cấu ba vòng tròn bằng đá. “Con mắt” mạch nguồn theo kết cấu âm dương từ lòng núi dẫn nước ra.
Các thôn Tân Văn, Hảo Sơn, Long Sơn, An Nha, An Hướng được hưởng lợi trực tiếp nguồn nước cổ, từ những chiếc giếng cổ với bể lắng sâu trong.
Miền núi Gio An là cả một “vương quốc” yên bình. Tiếng trẻ con nô đùa từ những chiếc giếng cổ như bài ca của ngày mới tươi xanh. Đi qua những con đường ngoằn nghèo lối đá là tiếng chim rừng lảnh lót. Nước chảy êm đềm không nghe tiếng. Cụ Trần Đức Điền, 91 tuổi, ở làng Hảo Sơn tâm sự “giếng cổ Gio An có làn nước trong vắt hiếm nơi nào có được. Người dân Gio An bây giờ vẫn dùng giếng cổ người Chăm để sinh hoạt”.
Người Chăm xưa đã rạch ròi trong ứng xử. Họ kiến tạo mạch nguồn nước cho giếng ông (dùng cho đàn ông); giếng bà (dùng cho đàn bà) và đặc biệt là giếng son (dùng cho nam thanh nữ tú còn trong trắng); giếng trạng (chỉ dùng trong dịp tế lễ).
Ngút ngàn Gio An là những vườn cây xanh, có cây cổ thụ vươn mình che bóng mát và những lối dẫn nước ra ruộng rau liệt (tức cải xoong, người Pháp khi đến đây gọi rau liệt là xà - lách - xoong) đẹp đến ngỡ ngàng.
Trên một vùng gò đồi, sự sinh tồn đã trải mấy ngàn năm lịch sử, từ mảnh đất Chăm Pa trước đây cho đến người Việt bây giờ, con người luôn biết ơn mẹ thiên nhiên. Bằng chứng là nước, nơi khởi đầu của sự sống muôn loài. Người Chăm xưa chẻ đá xây giếng nước thì người dân ở miền tây Gio Linh giữ cho nguồn nước trong ấy chảy mãi. Người dân Gio An vẫn hàm ơn bởi nguồn nước mà người xưa để lại. Gio An giờ đã có giếng đào, giếng khoan nhưng người dân vẫn mải mê bơi trong dòng nước, được tích lại từ bể lắng nguồn của giếng cổ Gio An.
Hệ thống giếng cổ ở xã Gio An, biểu trưng sâu sắc cho nền văn hóa Chăm Pa đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001 và đang được xem xét đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là “Di sản Lịch sử - Văn hóa thế giới”.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/luu-giu-gieng-co-5-ngan-nam-1809803.tpo