Lưu giữ hồn cốt Thủ đô ngàn năm tuổi
Phố cổ, phố cũ Hà Nội là khu vực chứa đựng những giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc làm nên hồn cốt của một Thủ đô nghìn năm tuổi. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, những giá trị to lớn đó đang đối mặt với nhiều nguy cơ.
Vì vậy rất cần phải sớm có giải pháp quản lý, khai thác, giữ gìn những giá trị vô giá của khu phố cổ, phố cũ trong bối cảnh tái thiết đô thị.
Giá trị khu phố cổ
Nhắc tới quận Hoàn Kiếm, không thể không nhắc tới khu phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu “36 phố phường”, nơi chứa đựng một kho tàng giá trị di sản văn hóa vật thể cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản trong khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, đã giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo 22 di tích; bảo tồn được 24 nhà ở có giá trị. Các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy bằng việc khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, cải tạo, chỉnh trang như lát vỉa hè 79/79 tuyến phố bằng đá tự nhiên kết hợp với hạ ngầm các đường thoát nước; thanh thải, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi trên 79 tuyến phố; chỉnh trang mặt đứng gần 50 tuyến phố...
Các hoạt động này đã từng bước góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong khu phố cổ. Diện mạo khu phố cổ Hà Nội và khu vực hồ Hoàn Kiếm đã có nhiều đổi thay, khang trang, sạch đẹp hơn.
Hiện nay, nhiều di tích và không gian đô thị trong khu phố cổ Hà Nội, sau khi tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giao lưu nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm giới thiệu nghề truyền thống gắn với phố nghề, làng nghề, góp phần phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.
Tiêu biểu như ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc; Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ; đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm; đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào; Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (Hội quán Quảng Đông), 22 Hàng Buồm; đình Nam Hương, 75 Hàng Trống...
Đặc biệt, trong thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20.000 lượt khách đến với các không gian đi bộ tại quận Hoàn Kiếm. Kinh tế dân sinh tăng, tăng thu ngân sách, địa phương có nhiều nguồn lực để đầu tư trở lại... Bên cạnh đó, duy trì và nâng cao chất lượng 11 điểm biểu diễn nghệ thuật trong thời gian tổ chức không gian đi bộ.
Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, tại tuyến phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã tổ chức được hơn 4.000 buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại, góp phần quảng bá có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô cũng như đất nước.
Tạo không gian đô thị độc đáo
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không chỉ có khu phố cổ Hà Nội là di sản cấp quốc gia, mà còn có khu vực mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp (còn gọi là khu phố cũ). Khu phố cũ có một vị trí chiến lược trong TP Hà Nội bởi đó là không gian kết nối giữa nhiều khu khác nhau với những nét đặc trưng riêng.
Cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng cho khu phố cũ ở Hà Nội. Các nhà quy hoạch người Pháp thời kỳ đầu thế kỷ XX đã khéo léo kết hợp kiến trúc phương Tây với những điều kiện khí hậu bản địa để tạo nên một không gian đô thị độc đáo, từ đó tạo cho Hà Nội một bản sắc duy nhất mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Nam Á có được.
Theo thời gian, diện mạo khu phố cũ cũng đang dần biến đổi do bị tác động bởi khí hậu, thời tiết, quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số… Nhiều công trình hiện bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số công trình có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của không gian phố cũ này bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch và giao tiến hành trùng tu, tôn tạo một số công trình mang giá trị kiến trúc Pháp.
Trên cơ sở kế hoạch được giao, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã thực hiện triển khai dự án thí điểm cải tạo đoạn phố Tạ Hiện với kiến trúc Việt Nam và Pháp vào năm 2010, Dự án cải tạo Hội quán Phúc Kiến, số 40 phố Lãn Ông với hai khối nhà Pháp năm 2014.
Đồng thời, trong thời gian từ năm 2019 đến nay, Ban tập trung nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc Pháp như trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm (số 2 Tràng Thi), trụ sở Công an phường Cửa Đông (số 18 Nguyễn Quang Bích), Trường Mầm non 1/6 (số 23 Nguyễn Quang Bích), Trường THCS Trưng Vương (26 Hàng Bài)...
Hiện nay, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đang tiếp tục tiến hành cải tạo kiến trúc, cảnh quan phố Tràng Tiền và triển khai dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài. Các dự án đã bước đầu đem lại diện mạo mới cho khu phố cũ, cải thiện điều kiện làm việc, kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu, công việc trùng tu các công trình có giá trị kiến trúc Pháp còn cần nhiều thời gian, sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội.
Cùng với đầu tư phát triển các khu vực đô thị mới, việc tái thiết đô thị, đặc biệt cải tạo khu vực đô thị lõi đang được TP Hà Nội quan tâm. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, gìn giữ giá trị văn hóa khu phố cũ, phố cổ trong bối cảnh tái thiết đô thị, một số giải pháp rất cần được TP Hà Nội cùng các ban, ngành liên quan chú trọng quan tâm như điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng đối với khu vực nội đô lịch sử.
Khu phố cổ cần cải tạo, chỉnh trang để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú. Bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử - tôn giáo, kiến trúc đặc trưng qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô. Các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng có giá trị cần tiếp tục được khoanh vùng bảo vệ và có quy định kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động bảo tồn, xây dựng hoặc hoạt động khác có liên quan.
Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị, cá nhân duy trì các hoạt động, dự án vừa đảm bảo giữ gìn và phát huy giá trị di sản, vừa góp phần phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch, tăng cường không gian văn hóa cộng đồng; hình thành nên những tuyến phố du lịch điển hình nhưng vẫn đảm bảo được tính nguyên trạng của nhà cổ, phố cổ Hà Nội.
Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là sự nghiêm túc, đồng lòng chung tay, chung sức của chính quyền và các tổ chức xã hội cũng như người dân để phát huy nguồn lực cho quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu cố cũ, phố cổ.
Các công trình được quận Hoàn Kiếm đã và đang tập trung cải tạo đều mang nét đặc trưng kiến trúc Pháp, được sơn bằng vôi màu vàng nhạt với cửa gỗ màu xanh, lối kiến trúc khá cầu kỳ, mang tính mỹ thuật cao. Các dự án hoàn thành đã đem lại diện mạo mới cho những công trình mang dấu ấn kiến trúc của một thời, qua đó để giới thiệu, quảng bá giá trị di sản của Hà Nội đến cộng đồng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luu-giu-hon-cot-thu-do-ngan-nam-tuoi.html