Lưu giữ 'men say' của đại ngàn

Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ 'men say' của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

1. Trong tiết trời se lạnh của ngày cuối năm, chúng tôi tìm gặp bà Đinh Thị Chuốch (thôn 3, xã Kông Bơ La, huyện Kbang). Bà Chuốch được bà con truyền tụng là có tay nghề ủ rượu ngon nhất vùng. Bà Chuốch bảo rằng: Rượu cần có thể ủ từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: hạt cào, bo bo, bắp, gạo, mì… Thế nhưng, gia đình bà chọn ủ từ hạt cào vì nguyên liệu này cho vị rượu ngọt thanh, uống mát mà không bị đau đầu. Một nguyên liệu khác cũng không kém phần quan trọng để làm nên những ghè rượu thơm ngon là men lá tự nhiên.

 Bà Đinh Thị Chuốch (ở giữa, thôn 3, xã Kông Bơ La, huyện Kbang) chia sẻ với các con cách làm men và ủ rượu cần truyền thống của dân tộc. Ảnh: H.T

Bà Đinh Thị Chuốch (ở giữa, thôn 3, xã Kông Bơ La, huyện Kbang) chia sẻ với các con cách làm men và ủ rượu cần truyền thống của dân tộc. Ảnh: H.T

“Men lá tự nhiên phải hội đủ 7 nguyên liệu gồm: vỏ cây hyam, củ riềng, ớt bay, lá nghệ, rễ xương rồng, rễ khổ qua rừng và bột gạo. Trong đó, vỏ cây hyam giúp rượu có vị ngọt, đắng tự nhiên, còn ớt bay đem đến vị nồng ấm”-bà Chuốch chia sẻ.

Theo thời gian, những nguyên liệu tự nhiên dần trở nên khan hiếm. Vì thế, bà Chuốch thường mang theo cơm nắm vượt hơn 60 km đường rừng, len lỏi vào sâu trong những cánh rừng thuộc xã Sơ Pai để lấy vỏ cây hyam, còn ớt bay thì mua ở xã Đăk Smar. Những năm gần đây, đôi chân yếu không thể thường xuyên leo núi được nữa, bà Chuốch quyết định trao truyền bí quyết làm men lá tự nhiên và ủ rượu cần truyền thống cho vợ chồng con trai.

“Mỗi lần lên rừng, tôi đều chỉ cho các con cách nhận biết cây hyam. Tranh thủ những hôm trăng sáng, mấy mẹ con cùng nhau giã nguyên liệu làm men, vừa làm vừa chỉ bày công thức. Mừng là các con cũng quyết tâm nối nghề. Không những thế, chúng còn tích cực quảng bá nên rượu cần của gia đình ngày càng được nhiều người biết đến”-bà Chuốch phấn khởi nói.

Ngồi bên cạnh mẹ, anh Đinh Rang bộc bạch: “Mỗi lần mang rượu cần do mẹ ủ ra đãi khách, ai cũng khen ngon. Năm 2016, một số người ngỏ ý muốn mua rượu về làm quà hoặc đãi khách. Tôi bàn với mẹ ủ rượu cần truyền thống để bán ra thị trường. Ban đầu, rượu cần do mẹ ủ. Sau này, mẹ chỉ cho vợ chồng tôi làm”.

 Bà Chuốch đã truyền đạt lại công thức làm men ủ rượu cần cho các con. Ảnh: H.T

Bà Chuốch đã truyền đạt lại công thức làm men ủ rượu cần cho các con. Ảnh: H.T

Tiếng lành đồn xa, lượng khách đặt mua rượu cần của mẹ con bà Chuốch ngày một nhiều. Năm 2018, anh Rang quyết định phối hợp với 2 người dân trong làng thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Kông Bơ La do anh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc. Năm 2023, sản phẩm rượu cần của gia đình anh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Mỗi năm, gia đình anh bán trên 800 ghè rượu cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Già làng Đinh A Lenh tự hào nói: Làng Groi (nay đã sáp nhập vào thôn 3-P.V) có người biết ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Song để tạo nên những ghè rượu thơm ngon thì không ai có thể qua được mẹ con bà Chuốch. Chính sự tâm huyết trong việc tạo ra công thức làm men và ủ rượu cần với hương vị riêng có của gia đình bà Chuốch đã góp phần gìn giữ hương rượu cần truyền thống cũng như tạo nên thương hiệu rượu cần cho làng.

2. “Đã hơn 60 mùa rẫy gắn bó với việc ủ rượu cần truyền thống nhưng tôi vẫn không biết được thức uống được làm từ hạt bo bo và men lá tự nhiên này có từ bao giờ. Công thức để làm nên những bánh men trắng ngà hay ủ những ghè rượu thơm nồng mà bao đời ông bà truyền lại thì vẫn được tôi và các con gìn giữ”-bà Đinh Thị Huy (làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Bà Huy biết ủ rượu cần bo bo từ năm 15 tuổi. Mỗi buổi tối phụ mẹ nấu hạt bo bo ủ rượu, bà đã thuộc làu công thức làm men, ủ rượu từ lúc nào không hay. Theo bà Huy, rượu cần bo bo muốn ngon phải được ủ từ men lá tự nhiên. Theo đó, men lá phải làm từ các loại cây rừng như vỏ cây hyam, củ riềng, củ gừng, ớt bay, bột gạo…

“Hạt bo bo sau khi phơi khô tách lấy hạt trắng bên trong rồi nấu lên để nguội 3 ngày, sau đó trộn với men lá tự nhiên để bỏ vào ghè. Thời gian ủ rượu vào mùa nắng khoảng 1 tháng và mùa mưa là 3 tháng. Tuy nhiên, rượu cần bo bo càng để lâu càng ngon nên ít nhất phải ủ từ 3 đến 6 tháng trở lên rồi mới sử dụng”-bà Huy chia sẻ.

Năm 2022, bà quyết định phát triển sản phẩm rượu cần bo bo của gia đình theo hướng thương mại để vừa cải thiện thu nhập vừa góp phần gìn giữ hương rượu truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, vì tuổi đã cao nên bà chỉ đảm nhận việc hướng dẫn cách làm men và ủ rượu cần, còn lại bà huy động các con tham gia các phần việc như trồng bo bo, lên rừng lấy nguyên liệu làm men rồi giã men, ủ rượu.

 Anh Đinh Hiền tự hào vì gia đình vẫn còn gìn giữ được công thức làm men rượu truyền thống từ men lá tự nhiên. Ảnh: H.T

Anh Đinh Hiền tự hào vì gia đình vẫn còn gìn giữ được công thức làm men rượu truyền thống từ men lá tự nhiên. Ảnh: H.T

Mời chúng tôi nếm thử rượu cần bo bo do chính tay mình ủ, anh Đinh Hiền (con trai bà Huy) cho biết: “Được mẹ chỉ dạy, vợ chồng tôi biết cách làm men lá tự nhiên và ủ rượu cần bo bo. Mừng là khi tham gia tại các sự kiện văn hóa do tỉnh, huyện và xã tổ chức, sản phẩm rượu cần của gia đình được nhiều khách hàng ưa chuộng.

2 năm trước, mỗi năm, gia đình bán ra thị trường hơn 400 ghè rượu loại 6, 8 và 10 lít. Riêng năm nay, gia đình tôi ủ hơn 2.000 ghè rượu và đến thời điểm này đã bán được hơn 1.000 ghè, số còn lại hầu hết đều đã có khách đặt cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến”.

Cũng theo anh Hiền, dù lượng rượu ủ ngày càng nhiều nhưng gia đình vẫn lên rừng tìm các nguyên liệu từ cây rừng về làm men để đảm bảo an toàn và đúng vị. Bên cạnh đó, gia đình đã chuyển đổi 3 ha đất trồng mía sang trồng bo bo.

Để rượu cần ngày càng được nhiều người biết đến, gia đình anh quyết định xây dựng thương hiệu “Rượu cần Cô Bắc” và thường xuyên đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức kết hợp giới thiệu trên các trang mạng xã hội.

Mới đây, sản phẩm “Rượu cần Cô Bắc” của gia đình anh đã đạt giải nhì tại hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ nhất năm 2024” do Hội Nông dân huyện Kông Chro tổ chức.

“Hiện nay, nhiều khách hàng đặt mua sản phẩm rượu cần của gia đình. Do đó, lượng khách ngày càng tăng. Gia đình cũng đã mở thêm 1 cửa hàng rượu cần bo bo tại TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) do con gái Đinh Thị Bé trực tiếp bán để quảng bá sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ gửi hồ sơ và mẫu sản phẩm đến Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”-anh Hiền chia sẻ dự định.

Ông Tạ Văn Chinh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro-cho biết: Rượu cần là một trong những thức uống được bà con dân tộc thiểu số sử dụng mỗi khi gia đình có việc quan trọng. Để có được những ghè rượu thơm ngon đãi khách, nhiều gia đình vẫn gìn giữ cách ủ rượu cần với men lá tự nhiên, trong đó có gia đình bà Huy.

Thời gian gần đây, ngoài ủ rượu cần để sử dụng, gia đình bà Huy còn phát triển sản phẩm theo hướng thương mại với thương hiệu “Rượu cần Cô Bắc”, góp phần gìn giữ nét đẹp cũng như quảng bá sản phẩm truyền thống của dân tộc.

HỒNG THƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luu-giu-men-say-cua-dai-ngan-post306901.html