Lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Thái

Mới đây, nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng ở Sơn La đã được cấp chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm vinh dự lớn lao cho cộng đồng người Thái, mà còn góp phần cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào dân tộc Thái gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp cho thế hệ trẻ để nó mãi trường tồn qua nhiều thế hệ, trở thành di sản quý báu của nước nhà.

UBND huyện Quỳnh Nhai tổ chức Lễ đón nhận nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thủy Lê

UBND huyện Quỳnh Nhai tổ chức Lễ đón nhận nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Thủy Lê

Loại hình tín ngưỡng tiêu biểu

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Thái có dân số lớn nhất, chiếm 53,72% và có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Trải qua quá trình phát triển, người Thái đã sáng tạo ra một nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Không những thế, những nét văn hóa truyền thống này còn mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, khả năng nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan phong phú, sinh động với nhiều nội dung như văn học, lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo...

Từ xa xưa, nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai và Phù Yên đã được coi là loại hình tín ngưỡng tiêu biểu, có giá trị nhân văn sâu sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bất cứ ai nếu có dịp về với huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai, được trải nghiệm không khí Tết Xíp xí cùng đồng bào Thái trắng, dù chỉ một lần, chắc rằng sẽ có ấn tượng đặc biệt về ngày Tết độc đáo này.

Các cụ cao niên trong các bản người Thái kể lại rằng, truyền thuyết về Tết Xíp xí có từ xa xưa. Chuyện là, ngày ấy, sau khi thu hoạch và cày cấy, trẻ em ở các bản đua nhau lên rừng thả trâu, người lớn ở nhà làm lễ gác cày bừa, rồi mổ lợn, gà, vịt tổ chức ăn uống linh đình, nhưng đám trẻ đi thả trâu không được gọi về và cũng không được để phần cỗ. Thấy người lớn đối xử bất công, trẻ em buộc mồm trâu vào không cho ăn cỏ, tối về, đàn trâu bị đói, cũng giống như lũ trẻ bị đói, không được người lớn quan tâm. Biết rằng đối xử không đúng với bọn trẻ nên người lớn hối hận. Từ đó, họ thống nhất lấy ngày 14/7 âm lịch hàng năm tổ chức Tết Xíp xí, còn được gọi là "Tết trẻ con”.

Đối với đồng bào Thái, Tết Xíp xí là dịp con cháu hướng về tổ tiên, người lớn dành sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt đến thế hệ trẻ. Trẻ em được ông bà, cha mẹ may cho những bộ quần áo rực rỡ sắc màu để mặc đi chơi Tết. Ngoài ra, Tết còn có ý nghĩa như một dịp "sơ kết" và ăn mừng cho thành quả lao động vất vả trong 6 tháng đầu của một năm. Trong ngày Tết, trẻ con không phải chăn trâu, làm việc nhà mà được vui chơi thỏa thích.

Trước đây, Tết Xíp xí thường được tổ chức duy nhất trong ngày 14/7 âm lịch. Nhưng hiện nay, Tết Xíp xí được kết hợp tổ chức với lễ gác cày bừa và tổng kết những ngày lao động sản xuất của bà con, trở thành dịp để bà con chung vui, gắn kết cộng đồng các dân tộc. Với trẻ em dân tộc Thái trắng, Tết Xíp xí là một ngày Tết đặc biệt vì ngoài được ăn cỗ cùng gia đình với nhiều món ăn đặc trưng như: cá nướng, gỏi cá, canh bon, canh chua, rêu đá, xôi ngũ sắc, thịt hun khói, nộm da trâu..., các em còn được gói phần những thức ăn ngon nhất để khi rủ nhau đi chăn trâu, hoặc chơi các trò chơi sẽ được bày ra liên hoan.

Vào ngày Tết Xíp xí, gia đình nào càng mời được nhiều khách đến dự thì năm đó càng nhận được nhiều tài lộc, may mắn. Đặc biệt, khi khách ra về, gia đình sẽ tặng bánh ít uôi làm quà để tỏ lòng chân tình, biết ơn vị khách quý đã đến thăm nhà và tham dự Tết Xíp xí cùng gia chủ. Với người Thái trắng, Tết Xíp xí là dịp để bà con thể hiện lòng hiểu khách của mình. Vì thế, cùng với tham dự bữa tiệc với những món ăn ngon, khách sẽ tham gia vào các hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ, thi ẩm thực, thi trang phục dân tộc truyền thống, nhảy sạp, ném còn, múa xòe.... Dù là khách lạ hay khách quen, khi đến nhà đều được gia chủ đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được vui hội múa xòe và hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.

Lưu giữ bản sắc văn hóa

Hiện nay, trải qua quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc với nhau đã làm cho nghi lễ Tết Xíp xí dần có sự thay đổi theo thời gian, cũng như hình thức tổ chức, song ý nghĩa và tính nhân văn của ngày Tết Xíp xí chưa bao giờ bị phai mờ. Với chủ trương bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái trắng nói chung và Tết Xíp xí nói riêng, nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, cấp ủy, chính quyền huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai đã nỗ lực phục dựng nghi lễ Tết Xíp xí với quy mô cấp bản, xã gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Đây cũng là dịp để du khách tìm hiểu, khám phá về con người, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái trắng huyện Phù Yên và Quỳnh Nhai, để tập quán, tín ngưỡng của dân tộc luôn được phát huy và lan tỏa trong cộng đồng.

Bà con dân tộc Thái xã Quang Huy, huyện Phù Yên tham gia rước lễ từ nhà truyền thống xã đến di tích lịch sử văn hóa Đình Chu trong Tết Xíp xí. Ảnh: Thủy Lê

Bà con dân tộc Thái xã Quang Huy, huyện Phù Yên tham gia rước lễ từ nhà truyền thống xã đến di tích lịch sử văn hóa Đình Chu trong Tết Xíp xí. Ảnh: Thủy Lê

Hòa vào không gian của Tết Xíp xí, du khách gần xa và cộng đồng các dân tộc tỉnh Sơn La được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và cuộc sống, cầu chúc cho nhau những điều may mắn, an lành, hạnh phúc. Trong ngày vui đó, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc cũng được sống lại một cách chân thực và sống động. Vui vẻ, hết mình là vậy, song bà con không quên nhắc nhau phải ăn uống chừng mực để Tết Xíp xí đảm bảo linh thiêng, an toàn, lành mạnh. Bởi Tết Xíp xí còn có một ý nghĩa quan trọng, là phải vui chơi lành mạnh, tiết kiệm, nhất là uống rượu phải vừa tầm, uống đủ vui, chứ không uống quá chén để hạn chế tai nạn rủi ro.

Tết Xíp xí chỉ tổ chức ăn một bữa trưa, buổi chiều, bà con lại lần lượt đến thăm nhau, uống với nhau vài chén rượu và cứ thế đi vòng quanh bản. Ngày này không có kiêng kỵ, khoảng cách, không phân biệt dân tộc, sang hèn, khách lạ hay khách quen, họ cùng nắm tay nhau hòa mình vào cuộc vui, thưởng thức hương rượu nồng và những món ăn chế biến khéo léo của gia chủ. Từ lời ca, tiếng hát, cái nắm tay thân tình, họ bỏ qua cho nhau những xích mích, bất đồng trong sinh hoạt, cuộc sống vốn có hàng ngày.

Giờ đây, không chỉ đồng bào dân tộc Thái trắng mới tổ chức ăn Tết Xíp xí, mà các dân tộc khác sống xen ghép trên địa bàn huyện Phù Yên, Quỳnh Nhai cũng tổ chức ăn Tết nhưng không thực hiện lễ thờ cúng như dân tộc Thái. Điều đó càng chứng tỏ ý nghĩa tốt đẹp của Tết Xíp xí đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và tình đoàn kết giữa các dân tộc chung sống trên mảnh đất Phù Yên, Quỳnh Nhai ngày càng gắn bó, hòa đồng.

Như một dòng chảy lưu giữ và bảo tồn văn hóa, dù cho hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển, trẻ em không còn phải lo việc chăn trâu mà tập trung vào việc học hành, rèn luyện thân thể, nhưng không vì thế mà Tết Xíp xí bị lãng quên. Người Thái luôn coi trọng sự gắn kết, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng, đồng thời, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, do đó, Tết Xíp xí sẽ luôn được bảo tồn qua nhiều thế hệ. Khi những yếu tố về văn hóa truyền thống được bảo lưu và kế thừa, sẽ giúp các thế hệ mai sau hiểu sâu về văn hóa truyền thống của dân tộc, về nghi lễ mang đậm yếu tố tâm linh, nhân văn, gắn kết cộng đồng sâu sắc trên mảnh đất Phù Yên.

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2313/QĐ-BVHTTDL, công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, tập quán xã hội và tín ngưỡng nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai và Phù Yên, tỉnh Sơn La được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luu-giu-net-dep-trong-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-thai-post479935.html