Lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Thái trắng

Trước khi thực hiện di dân tái định cư thủy điện Sơn La, xã Mường Chiên là trung tâm huyện lỵ Quỳnh Nhai. Hiện nay, Mường Chiên còn 3 bản, cùng với tích cực phát triển kinh tế, nhân dân trong xã luôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào Thái trắng miền quê bên sông Đà.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái trắng xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái trắng xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai.

Cùng với lịch sử lâu đời của một vùng đất cổ ở Quỳnh Nhai, Mường Chiên còn lưu truyền những giá trị văn hóa qua nhiều lễ hội độc đáo, đặc trưng của đồng bào Thái trắng. Nổi bật là lễ hội gội đầu được tổ chức hằng năm vào ngày 30 Tết Nguyên đán. Đây là lễ hội có nguồn gốc từ truyền thuyết một vị nữ tướng tên Nàng Han, sau khi cầm quân đánh thắng giặc, cũng là chiều 30 Tết, Nàng Han cho quân sĩ, xuống sông tắm rửa, gội đầu chuẩn bị đón mừng năm mới, đón mừng bản mường yên vui trở lại. Từ đó, lễ hội được duy trì, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, vào dịp đầu năm mới, đồng bào Thái trắng ở Mường Chiên còn tổ chức lễ hội Kin Pang Then dâng lễ cảm tạ đất trời và cầu sang năm mới may mắn và tốt đẹp đến với bản làng; là dịp để cháu con sum vầy, tổ chức hát Then, thi đánh đàn tính, chơi trò chơi dân gian truyền thống, nhắc nhở mọi người phải sống đúng đạo lý, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau.

Ngoài ra, Tết Xíp xí được bà con duy trì tổ chức vào ngày 14/7 âm lịch hằng năm. Tết Xíp xí bắt nguồn từ nếp sinh hoạt gắn liền với tập quán sản xuất lúa nước của đồng bào miền núi. Hết vụ cấy, vào ngày Tết Xíp xí thì làm mâm cúng vía trâu, tạ ơn con trâu đã giúp con người hoàn thành công việc cày cấy; cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ, trông coi giúp đồng ruộng và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tết Xíp xí năm nay, bà con Mường Chiên phấn khởi khi nghi lễ truyền thống của người Thái trắng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Điêu Chính Thuận, Chủ tịch UBND xã Mường Chiên, cho biết: Bảo tồn văn hóa, gắn với phát triển du lịch, xã tuyên truyền vận động người dân giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc; bảo tồn các lễ hội, trò chơi dân gian, những điệu múa truyền thống của người Thái trắng. Hiện nay, Mường Chiên được huyện xây dựng khu vực suối nước nóng bản Bon; xây dựng quy hoạch chi tiết điểm du lịch cộng đồng tại bản Bon, bản Quyền, bản Hua Sát gắn với du lịch trên lòng hồ thủy điện.

Cùng với những lễ hội truyền thống, tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Mường Chiên một bức tranh hài hòa, nước non hùng vĩ với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Xuống thuyền xuôi theo hồ sông Đà, du khách thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp đôi bờ với những dãy núi đá vôi sừng sững in bóng xuống mặt hồ; những đảo lớn nhỏ là địa điểm lý tưởng cho du khách đến khám phá, trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên.

Đến Mường Chiên, du khách còn được thưởng thức ẩm thực phong phú của người Thái trắng với món khẩu lam, khẩu háng, pa pỉnh tộp, pa dảng, gà mọ... và hòa mình trong vòng xòe, say mê trong tiếng đàn tính tẩu, sự gần gũi, thân thiện giàu lòng mến khách của tình người nơi đây.

Ông Lò Văn Phiệng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bon, thông tin: Bản có 153 hộ đều là người Thái trắng. Các gia đình vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống; một số hộ đầu tư mở rộng để làm nhà nghỉ cộng đồng phục vụ khách du lịch. Bà con trong bản luôn đoàn kết, bảo nhau giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình, bảo vệ cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp để phục vụ du khách và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Với truyền thống đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, năm 2016, xã Mường Chiên đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Mường Chiên đã đạt 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu của bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đây là động lực quan trọng để xây dựng quê hương Mường Chiên ngày càng đổi mới.

Bài, ảnh: Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-van-nghe-the-thao/luu-giu-net-van-hoa-cua-dan-toc-thai-trang-QbaK7neIR.html