Lưu giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
Văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh được xem như một dư địa rộng lớn để phát triển ngành 'công nghiệp không khói'. Nhiều địa phương đã tận dụng tốt cơ hội này, để dấu ấn của những nét văn hóa truyền thống hòa quyện với cảnh sắc địa phương.
Thức giấc sau nhiều năm ngủ vùi trong cảnh đẹp, Hồng Thái (Na Hang) giờ trở thành một điểm hẹn hấp dẫn với khách du lịch bốn phương. Được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc hiếm có: Mùa xuân tinh tế với sắc hoa lê, mùa hè trở thành điểm săn mây hấp dẫn và ruộng bậc thang độc đáo; mùa thu, mùa đông níu chân du khách bởi cái lạnh được ví như Sa Pa, Tam Đảo… của Na Hang.
Là mảnh đất quần tụ của người Dao Tiền, với nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc, UBND xã Hồng Thái đã xây dựng kế hoạch để các nền văn hóa này trở thành điểm nhấn với khách du lịch bốn phương. Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, từ cuối năm ngoái, xã đã xây dựng kế hoạch thành lập các đội quản lý về phát triển du lịch và các câu lạc bộ hát Páo dung. Cách làm của Hồng Thái khá ưu việt. Ngoài câu lạc bộ tại các bản làng, xã thành lập các câu lạc bộ tại các trường học và mời các nghệ nhân của xã như ông Bàn Quý Tỉnh, thôn Khau Tràng; bà Đàng Thị Lay, thôn Nà Mụ đến truyền dạy.
Ông Dũng cho biết, tại trường Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Hồng Thái học sinh thường mặc trang phục dân tộc vào ngày đầu tuần và cuối tuần. Nhờ vậy, các em thêm yêu nét hoa văn truyền thống của dân tộc mình và tự hào quảng bá hình ảnh quê hương đến bạn bè bốn phương.
Đặc biệt, từ cuối tháng 10 năm ngoái, Na Hang khai trương và tổ chức chợ đêm họp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Ngoài mục tiêu giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương, chợ đêm Na Hang trong năm nay đã bắt đầu đưa thêm các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc của các xã, thị trấn vào biểu diễn và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ khách du lịch. Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Đặng Trung Dũng phấn khởi, những tiết mục truyền thống của người Dao Tiền như múa chuông, hát Quê em ruộng bậc thang... đã được các nghệ nhân quê ông tập luyện tích cực, để cuối tuần biểu diễn phục vụ người dân và du khách.
Nép mình bên 99 ngọn núi, những nếp nhà sàn của người Tày ở Thượng Lâm (Lâm Bình) như một bức tranh đẹp níu chân du khách phải dừng lại để chiêm ngưỡng. Một bên núi, một bên hồ, những bản làng người Tày nằm xen giữa những đồng lúa xanh mát, mời gọi khách du lịch tận hưởng. Chính lối sống dựa vào thiên nhiên, bảo vệ môi trường khiến cho bà con nơi đây vẫn giữ được nét đẹp văn hóa cổ xưa, giữ được những cánh rừng cổ thụ đa dạng sinh học. Rất nhiều du khách đã tìm đến Thượng Lâm nói riêng, Lâm Bình nói chung để được đắm mình vào thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.
Homestay Hoàng Tuấn của gia đình bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, là một trong những homestay xuất hiện sớm nhất ở Thượng Lâm. Không chỉ bảo tồn ngôi nhà truyền thống của người Tày, những vật dụng, dụng cụ lao động truyền thống tưởng như đã mai một cũng được gia đình bà sưu tầm và phục dựng lại, như khung cửi, cối xay, mõ trâu hay máng nước gỗ rửa chân trước khi lên nhà... Đặc biệt, những làn điệu Then, đàn Tính truyền thống, tưởng như chỉ còn xuất hiện trong các dịp lễ hội hay các hội diễn văn nghệ thì giờ được bà con trong câu lạc bộ gìn giữ văn hóa truyền thống của thôn tự tập luyện, hướng dẫn nhau để phục vụ khi khách có nhu cầu. Theo bà Xướng, đây được xem là nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc mà hầu như đoàn khách nào đến với Thượng Lâm nói riêng, Lâm Bình nói chung đều có nhu cầu thưởng lãm. Với mình, đó là niềm tự hào, với khách du lịch, đó là nét văn hóa riêng biệt để khám phá.
Sau Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can, Phúc Yên, mới đây, xã Thổ Bình cũng đã tập trung khôi phục văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình Quan Văn Sỹ tự tin, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, Thổ Bình cũng xây dựng kế hoạch thực hiện tương đối bài bản. Xã bắt đầu từ việc thành lập các câu lạc bộ hát các làn điệu dân tộc; thành lập các câu lạc bộ thêu trang phục truyền thống và xây dựng 2 làng văn hóa của người Tày tại thôn Nà Mỵ và làng văn hóa của người Dao Đỏ tại thôn Tân Lập. Đồng thời, một số hộ dân đã chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các homestay phục vụ khách du lịch trải nghiệm vẻ đẹp ruộng bậc thang, quần thể hang động và thác Tát Trẩu, vùng chè Shan Khau Mút…
Nếu như trước đây, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từ trang phục, các làn điệu dân ca dân vũ… gặp khó, do “hiệu suất sử dụng” xuân thu nhị kỳ, chủ yếu qua các hội diễn văn nghệ, thì giờ, nhờ có du lịch, nó được sử dụng thường xuyên hơn, nhờ thế trở nên gần gũi hơn trong đời sống đồng bào và với cả khách du lịch. Chị Chu Thị Minh, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ, chị đến Na Hang thăm hồ sinh thái được nghe hát Then khi du thuyền, chị rất thích. Then của Tuyên Quang có sự khác biệt, bắt đầu bằng từ ới la, con người như được giao hòa với đất trời, thiên nhiên, vạn vật. Đây thực sự là nét độc đáo, điều này sẽ làm say lòng du khách.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ đắc lực cho ngành công nghiệp không khói, các cuộc điền giã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống được triển khai đồng bộ. Việc phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Lồng tông, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ cấp sắc của đồng bào Dao; các làn điệu dân ca, dân vũ được gìn giữ và khôi phục thông qua việc thành lập các đội văn nghệ, các câu lạc bộ hát Then, hát Cọi, hát Páo dung, Soọng cô, múa khèn… từng bước được đầu tư đa dạng, phong phú, các dịch vụ phục vụ cũng được chuyên nghiệp hóa.
Với nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh… thì các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch, một lĩnh vực quan trọng của tỉnh hiện nay.