Lưu học sinh nước ngoài tranh tài hùng biện tiếng Việt năm 2023

Cuộc thi 'Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam' năm 2023 đã thu hút 65 cơ sở đào tạo trong cả nước, từ 29 tỉnh/thành phố đăng ký tham gia.

Sáng 28/10, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã tổ chức khai mạc cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam” năm 2023 khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc cuộc thi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc cuộc thi.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023” đã nhận được sự hưởng ứng rất đông đảo của các cơ sở đào tạo ở khắp mọi miền của đất nước, của các lưu học sinh nước ngoài với sự đa dạng về quốc tịch.

Đây là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về mối quan tâm sâu sắc và tình yêu của bạn bè quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Từ thành công của cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh Lào năm 2019” đã tạo tiền đề cho cuộc thi này trở thành một hoạt động được lan tỏa rộng rãi trong thời gian tới, là nơi tề tựu và giao lưu cho toàn thể các em lưu học sinh, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, thi đua trong học tập.

Với chủ đề mở “Việt Nam trong tôi", các lưu học sinh đem đến những tiết mục hùng biện có chiều sâu, thăng hoa với tư duy mới cởi mở trong bối cảnh giao thoa văn hóa toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, hiện nay, có khoảng 22 nghìn lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.

Trong 5 năm gần đây, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Toàn cảnh lễ khai mạc.

Toàn cảnh lễ khai mạc.

Cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới, lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều thử thách, Bộ GDĐT Việt Nam luôn xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt.

Việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung.

Tại vòng sơ khảo khu vực phía Bắc, cuộc thi bắt đầu với các tiết mục tranh tài của 36 đội thi.

Tại vòng sơ khảo khu vực phía Bắc, cuộc thi bắt đầu với các tiết mục tranh tài của 36 đội thi.

Tại vòng sơ khảo khu vực phía Bắc, cuộc thi bắt đầu với các tiết mục tranh tài của 36 đội thi.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tin rằng: “Mỗi tiết mục dự thi ngày hôm nay là sự sáng tạo độc đáo, tạo dấu ấn, không chỉ với các em lưu học sinh nước ngoài mà với tất cả khán giả, những người theo dõi cuộc thi, để thấy được đất nước Việt Nam qua những lăng kính nhiều chiều, qua đó thêm yêu và thêm hiểu về chính đất nước mình. Cuộc thi này sẽ trở thành động lực thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo tiếng Việt nói riêng”.

Các lưu học sinh tranh tài tại cuộc thi.

Các lưu học sinh tranh tài tại cuộc thi.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, vòng sơ khảo khu vực và vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi tập trung. Trong đó, vòng sơ khảo tổ chức tại 3 cụm thi: Cụm 1 (khu vực miền Bắc), cụm 2 (khu vực miền Trung) gồm 16 đội thi, cụm 3 (khu vực miền Nam) gồm 13 đội thi.

Sau vòng sơ khảo cụm 1 khu vực miền Bắc, vòng sơ khảo cụm 2 sẽ được tổ chức vào ngày 3/11 tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng; vòng sơ khảo cụm 3 được tổ chức vào ngày 10/11 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.

Vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/12/2023 tại TPHCM với dự tham gia của 12 đội thi xuất sắc được lựa chọn từ 3 cụm thi.

Với hình thức thi hùng biện, mỗi đội thi được lựa chọn 2-3 thí sinh hùng biện chính, thời gian trình bày tối đa cho mỗi phần thi là 7 phút. Các thí sinh sẽ trình bày phần thi hùng biện của mình bằng tiếng Việt với chủ đề tự chọn, đồng thời có thể sử dụng các hình thức minh họa kèm theo để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho phần thi.

Ban tổ chức sẽ trao tổng cộng 60 giải thưởng bao gồm: 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba và 24 giải Khuyến khích cho 4 bảng thi của 3 cụm thi vòng sơ khảo; 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 6 giải Khuyến khích tại vòng chung kết. Các đội đoạt giải được nhận tiền thưởng, Cờ giải thưởng và Giấy chứng nhận.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/luu-hoc-sinh-nuoc-ngoai-tranh-tai-hung-bien-tieng-viet-nam-2023-5742557.html