Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc mong muốn góp sức vào kỷ nguyên vươn mình
Mùa Xuân mới đang về trên quê hương. Vận hội mới, Kỷ nguyên mới đang đến với dân tộc. Hướng về Tổ quốc, tự hào và mong muốn được góp sức mình vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là tâm trạng của các bạn du học sinh Việt Nam đang học tập tại Bắc Kinh trước thềm Xuân Ất Tỵ 2025.
Háo hức, tự hào hướng tới kỷ nguyên mới
“Sau hơn 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới mở cửa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – như một lời hiệu triệu, khơi dậy hào khí dân tộc, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường, tự hào và tự tôn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ”.
Đây là chia sẻ của Nguyễn Huy Sơn, chàng trai sinh năm 1999, đang học Thạc sĩ Quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Bắc Kinh. Huy Sơn cũng là một trong những đồng tác giả của tác phẩm đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 do Bộ Ngoại giao phát động.
Huy Sơn vô cùng ấn tượng với “cuộc cách mạng” sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang được tiến hành với quyết tâm cao ở trong nước. “Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo quyết liệt về tinh giản bộ máy, dù đây là công việc rất khó khăn và nhạy cảm, nhưng đã không thể chậm trễ hơn”. Huy Sơn cho rằng, điều này giúp khắc phục tình trạng cồng kềnh, quan liêu trong bộ máy - một trong những bất cập kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Cùng chung suy nghĩ, Ngô Thị Huyền Trang, nghiên cứu sinh Tiến sĩ thế hệ 9X tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, cũng kỳ vọng vào một bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” như tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị.
Là một cô giáo, Huyền Trang dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục: “Tổng Bí thư cho rằng để thực hiện được điều này cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Do vậy, giới trẻ cần có cơ hội và tập trung học tập lĩnh vực này để đưa đất nước phát triển hơn, hướng tới nền hành chính công hiện đại, minh bạch hơn và nền giáo dục tiên tiến hơn, bởi giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nguồn nhân lực nói riêng và đất nước nói chung”.
Còn với Lê Trung Thành, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Thể dục thể thao Bắc Kinh, Tổng Bí thư Tô Lâm khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an đã sát cánh và hỗ trợ đặc lực cho cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc củng cố, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, anh hoàn toàn đặt niềm tin vào những phát biểu quyết liệt và quyết sách của Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Tổng Bí thư Tô Lâm đã đi tiên phong trong việc tinh gọn bộ máy của Bộ Công an, do vậy đã tạo được sự tin tưởng rất lớn trong người dân và xã hội. Tôi rất ấn tượng với câu nói của Tổng Bí thư: “Muốn phát triển phải nhẹ đi mới bay được cao”, Lê Trung Thành khẳng định.
Tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động hướng về đất nước
Với vai trò là Chủ tịch Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, Lê Trung Thành cho biết thêm: “Là một trong những tổ chức có số lưu học sinh đông nhất tại Trung Quốc, lên tới hơn 830 người, hội luôn coi việc hướng về đất nước là trọng tâm trong hoạt động của mình”.
Nhân dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh đã tổ chức hoạt động thiện nguyện ở Ô Quy Hồ, Sa Pa, Lào Cai và cuối năm đã tổ chức quyên góp hỗ trợ đồng bào khắc phục thiệt hại của cơn bão lịch sử Yagi. Bên cạnh đó, du học sinh Việt Nam tại các trường đã nhiệt tình tham gia các lễ hội văn hóa quốc tế, trang trí gian hàng quốc gia, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng lưu học sinh các nước.
Được biết đến là nơi tổ chức lễ hội văn hóa có quy mô hoành tráng nhất với hàng chục nước tham dự, các bạn sinh viên Việt Nam ở Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh đã có những cách làm hay giành được sự đón nhận nhiệt tình của bạn bè quốc tế.
Là Chi hội trưởng Chi hội Lưu học sinh Việt Nam tại ngôi trường này, Huyền Trang chia sẻ: “Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh là một trong những trường có số lưu học sinh Việt Nam đông nhất tại Bắc Kinh. Ngoài gian hàng quốc gia, chúng em còn có các tiết mục biểu diễn, mời các bạn cùng hát và nhảy múa những bài hát Việt Nam hay múa sạp. Tại gian hàng, chúng em trưng bày trang phục truyền thống của Việt Nam. Các bạn sinh viên Trung Quốc và quốc tế có thể mặc thử và check-in. Chúng em cũng tặng quà cho các bạn, như cà phê, trà Việt hay các miếng dán mang hình cô gái mặc áo dài hay điểm du lịch, văn hóa của Việt Nam, thông qua các câu hỏi kiến thức liên quan đến đất nước mình”.
Hướng tới những ngày kỷ niệm lớn của đất nước và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2025, Lê Trung Thành cho biết: “Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật nhân các dịp kỷ niệm này và cuộc thi viết về quan hệ hai nước”.
“Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Bắc Kinh cũng sẽ lần đầu tiên tổ chức giao lưu giữa du học sinh Việt Nam đang theo học tại trường và các bạn sinh viên Trung Quốc học tiếng Việt”, Nguyễn Huy Sơn, Bí thư Chi đoàn Lưu học sinh tại đây, bổ sung. Sơn khẳng định luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung, đặc biệt là giữa những người trẻ, đồng thời mong muốn góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này.
Sôi nổi, nhiết huyết chia sẻ kinh nghiệm Trung Quốc
Háo hứng được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc phát triển đất nước sau thời gian học tập tại Bắc Kinh, Trung Thành, Huyền Trang và Huy Sơn say sưa kể về những điều trải nghiệm thực tế tại Trung Quốc.
Trong đó, Huyền Trang quan tâm tới việc phổ cập giáo dục ở đất nước tỷ dân: “Ngoài thống nhất sách giáo khoa trên cả nước, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn có những trang web đăng tải tài liệu điện tử các bậc học, kể cả đại học và chuyên ngành, trong đó có cả giáo trình, sách bài tập và phân tích kết quả học tập, để mọi người dân có thể tiếp cận và tự học, các giáo viên cũng có thể sử dụng để giảng dạy”.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), thành tựu y học vào việc tạo lợi thế trong các môn thể thao thành tích cao, công tác quản lý xã hội, kiến tạo không gian xanh của Trung Quốc cũng là điều Trung Thành cho rằng có thể nghiên cứu. “Ở Bắc Kinh, nếu có sửa đường, thì mọi việc diễn ra rất nhanh và gọn, không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và đi lại hàng ngày của người dân. Đây hẳn phải có sự phối hợp hết sức nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành. Những công viên, con sông quanh khu dân cư và trong ngôi trường tôi đang học cũng rất sạch sẽ và được thiết kế hài hòa. Du lịch ở Trung Quốc cũng được quản lý hiệu quả bằng công nghệ”.
Huyền Trang tiếp lời: “Đi du lịch ở Trung Quốc mọi thứ đều được thực hiện qua App. Du khách có thể biết khách sạn nào được phép đón tiếp người nước ngoài. Thông tin của du khách được đưa lên hệ thống và gửi thẳng đến cơ quan công an. Các điểm du lịch lớn thường có lực lượng tuần tra vào buổi tối, tạo cảm giác khá yên tâm về an ninh trật tự”.
Huy Sơn lại quan tâm đến việc tạo việc làm cho người cao tuổi và nhóm yếu thế, khi thấy nhiều người lớn tuổi vẫn có thể tham gia vào những công việc đơn giản như lau dọn vệ sinh ở các trung tâm thương mại, khu du lịch hay trồng cây đô thị và hỗ trợ giao thông ở Trung Quốc.
Sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, chính trị, xã hội Việt Nam của các bạn sinh viên Trung Quốc mà Huy Sơn được tiếp xúc cũng khiến bạn cảm thấy bất ngờ và đang trở thành động lực để những thanh niên như Sơn, Trang và Thành thấy mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, không ngừng trang bị kiến thức, để có thể đóng góp vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.